World Bank hạ dự báo tăng trưởng Đông Á 2013
Trong Báo cáo Cập nhật Triển vọng Kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương mới nhất công bố vào sáng thứ Hai (07/10), WB cho biết: "Các nền kinh tế Đông Á đang mở rộng với tốc độ chậm hơn khi Trung Quốc dịch chuyển từ nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu sang tập trung vào nhu cầu nội địa".
Theo ngân hàng này, tăng trưởng tại các quốc gia có thu nhập trung bình như Indonesia, Malaysia và Thái Lan cũng đang suy yếu do lượng vốn đầu tư thấp hơn, giá cả hàng hóa toàn cầu đi xuống và tăng trưởng xuất khẩu không như kỳ vọng.
Dù vậy theo WB, các nền kinh tế Đông Á đang đóng góp 40% vào tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, cao hơn so với bất kỳ khu vực nào khác. Ngân hàng này dự báo Đông Á sẽ tăng trưởng 7,1% trong năm nay, thấp hơn so ước tính trước đó là 7,8% nhưng lại nhanh hơn nhiều so các nền kinh tế phương Tây.
Cụ thể, kinh tế Eurozone được dự báo sụt giảm 0,6% trong năm 2013 trong khi ước tính cho thấy kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng 2%.
"Đông Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu đang tăng tốc, đây là thời điểm để các nền kinh tế đang phát triển tiến hành cải cách chính sách và cơ cấu để duy trì đà tăng trưởng", nhận định của ông Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch Bộ phận Đông Á - Thái Bình Dương của WB.
WB dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7,5% trong năm 2013, bằng với mục tiêu của Chính phủ nước này nhưng thấp hơn so với ước tính trước đó là 7,7%. Theo WB, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng tốc lên 7,7% trong năm 2014.
Nếu trừ Trung Quốc, các quốc gia còn lại của Đông Á có thể tăng trưởng 5.2% trong năm 2013, thấp hơn so ước tính trước đó 5,7% và mức tăng trưởng 6.2% trong năm 2012.
Tuy nhiên, bức tranh tăng trưởng của một số thị trường mới nổi trong khu vực như Mông Cổ và Lào còn khả quan hơn với tốc độ tăng trưởng năm 2013 theo dự báo của WB lần lượt là 10% và 8,1%.
Đông Á cần chuẩn bị cho "sự điều chỉnh đột ngột"
WB nhận định dù đang được hưởng lợi từ sự tăng tốc của các nền kinh tế phát triển nhờ mối liên hệ về thương mại nhưng Đông Á cần phải chuẩn bị tốt hơn cho việc điều chỉnh các chính sách tiền tệ khi nền kinh tế phục hồi.
Trong mùa hè này, các thị trường mới nổi trở nên chao đảo trước khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rút lại gói kích thích tiền tệ. Theo đó, các đồng nội tệ khu vực, bao gồm đồng rupi của Ấn Độ và đồng rupia của Indonesia rớt giá thảm hại so đồng USD.
Theo đề xuất của ông Bert Hofman, chuyên gia kinh tế trưởng Bộ phận Đông Á - Thái Bình Dương của WB, một số biện pháp có thể giúp đỡ các quốc gia chuẩn bị tốt là cắt giảm sự phụ thuộc vào các khoản vay ngắn hạn từ nước ngoài, chấp nhận tỷ giá thấp hơn khi tăng trưởng suy yếu và xây dựng vùng đệm chính sách để ứng phó với sự thay đổi của các điều kiện thanh khoản trên toàn cầu.
Tuy nhiên, WB chú ý rằng sự suy yếu của dòng vốn đầu tư vào Đông Á - Thái Bình Dương có thể được bù đắp bởi các chính sách của Thủ tướng Shinzo Abe (Abenomics) khi Nhật Bản tăng cường đầu tư vào khu vực.