Nguồn ảnh: VOX

 
Thái Bình Thứ Năm | 07/05/2020 13:34

WHO đang đàm phán với Trung Quốc để tiếp tục điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang đàm phán với Trung Quốc để điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19, một quan chức của WHO cho biết ngày 6.5.

Các quan chức của WHO từng cho biết, SARS-CoV-2 xuất hiện từ một chợ hải sản ở Vũ Hán, Trung Quốc và có khả năng bắt nguồn từ loài dơi. Sau đó truyền sang một vật chủ trung gian trước khi lây nhiễm cho người. Tiến sĩ Maria Van Kerkhove chuyên gia y tế cao cấp của WHO, nói rằng việc các quan chức xác định nguồn gốc xuất hiện virus này rất quan trọng.

"Một cuộc thảo luận với các đối tác của chúng tôi ở Trung Quốc cho nhiệm vụ tiếp theo, sẽ tập trung vào học thuật hơn và việc xem xét những gì đã xảy ra lúc đầu về mặt tiếp xúc với các động vật khác nhau, để chúng tôi có thể tìm đến một cách tiếp cận mới", bà Van Kerkhove nói trong một cuộc họp báo tại trụ sở ở Geneva. 

Các nhà khoa học tiếp tục chạy thử nghiệm trên các động vật khác nhau, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm thấy vật chủ, nguồn gốc của virus.

Vào tháng 2, WHO đã cử một nhóm các chuyên gia quốc tế, bao gồm bà Van Kerkhove, tham gia cùng các đối tác Trung Quốc trong một nhiệm vụ khám phá bản chất của virus và thông báo phản ứng toàn cầu. Bà Van Kerkhove nói rằng nhóm nghiên cứu đề nghị Trung Quốc điều tra thêm về nguồn động vật của vụ dịch.

Điều này là rất quan trọng với sức khỏe cộng đồng, bởi vì không biết nguồn gốc động vật ở đâu, chúng ta khó có thể ngăn chặn điều này xảy ra lần nữa, bà Van Kerkhove nói hôm thứ 6.5. Tất cả các mầm bệnh mới nổi đa phần đều có nguồn gốc từ động vật.

Virus SARS xuất hiện vào tháng 11.2002, làm tử vong gần 800 người trên khắp thế giới chỉ trong 9 tháng, cũng được các nhà khoa học tin rằng có nguồn gốc từ dơi trước khi lây sang mèo cầy và người sau này.

Theo dữ liệu được biên soạn bởi Đại học Johns Hopkins cho thấy, SARS-CoV-2 đã lây nhiễm hơn 3,6 triệu người trên toàn thế giới và gây tử vong ít nhất 257.818 người.

Các quan chức của WHO cũng cảnh báo các nhà lãnh đạo thế giới rằng, có thể hoạt động kinh doanh sẽ không quay lại như bình thường sau khi xảy ra đại dịch, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến mọi quốc gia trên toàn cầu.

Theo Tiến sĩ Van Kerkhove, cách duy nhất để kiểm soát và ngăn chặn virus này là cách ly các trường hợp nhiễm bệnh. 

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus tại một cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ, vào ngày 11 tháng 3 năm 2020.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus tại một cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ, vào ngày 11.3. Ảnh: CNBC

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus thì bình luận, các quốc gia không thể không quan tâm nhiều đến biện pháp đối phó với dịch bệnh. Khi chúng ta nỗ lực ứng phó với đại dịch này, chúng ta cũng phải nỗ lực hơn để chuẩn bị cho lần tiếp theo. Bây giờ là cơ hội để đặt nền móng cho các hệ thống y tế trên toàn thế giới..

Hiện, nhiều trường hợp nhiễm bệnh được báo cáo mỗi ngày ở Đông Âu, châu Phi, Đông Nam Á, Đông Địa Trung Hải và châu Mỹ. Tổng Giám đốc Tedros cho biết, trung bình thêm khoảng 80.000 trường hợp mới được báo cáo với cơ quan mỗi ngày.

Ông Tedros kêu gọi thận trọng đối với các quốc gia đang tìm cách giảm bớt các hạn chế giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn đại dịch. Ông cho rằng, nguy cơ quay trở lại việc giãn cách rất cao nếu các quốc gia không quản lý quá trình chuyển đổi cực kỳ cẩn thận.

Có thể bạn quan tâm:

WHO: Hiện có 70 vắc-xin trị COVID-19 đang trong quá trình phát triển, 3 vắc-xin đang được thử nghiệm trên cơ thể người

Nguồn CNBC