Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters.
Who cảnh báo đại dịch COVID-19 sẽ kéo dài đến năm 2022
Theo thông tin được BBC dẫn tải từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch COVID-19 sẽ còn tiếp diễn. Cụ thể, Tiến sĩ Bruce Aylward, cố vấn cấp cao tại WHO, cho biết cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể sẽ vẫn tiếp diễn trong năm 2022 do sự chênh lệch về tiêm chủng trên toàn cầu. Chưa tới 5% dân số châu Phi được tiêm chủng so với 40% ở hầu hết các lục địa khác.
Ông Aylward kêu gọi các quốc gia giàu có ưu tiên cung cấp vaccine cho các nước có thu nhập thấp. "Chúng ta đang không đi đúng hướng. Chúng ta thực sự cần phải đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng trên toàn cầu, nếu không đại dịch này sẽ kéo dài lâu hơn nữa", ông Aylward nhấn mạnh.
People’s Vaccine (Liên minh Vaccine cho tất cả mọi người) công bố số liệu mới cho thấy, chỉ 1/7 số vaccine từ các công ty dược phẩm và những nước giàu cam kết đang thực sự được chuyển đến các nước nghèo.
Phần lớn số vaccine COVID-19 đã được tiêm ở các nước có thu nhập cao hoặc trung bình. Châu Phi chỉ chiếm 2,6% số vaccine được sử dụng trên toàn cầu. Nhóm các tổ chức từ thiện, bao gồm Oxfam và UNAids, cũng chỉ trích Canada và Anh về việc mua vaccine cho người dân thông qua COVAX, chương trình toàn cầu do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn để phân phối vaccine một cách công bằng.
Theo Giám đốc phụ trách vaccine của WHO Kate O'Brien, hiện tại 3,5 tỉ liều vaccine đã được triển khai trên thế giới. Ảnh: TL. |
Các số liệu chính thức cho thấy, Anh đã nhận được 539.370 liều vaccine Pfizer và Canada nhận được gần một triệu liều vaccine AstraZeneca. Ý tưởng ban đầu của COVAX là tất cả các quốc gia sẽ có thể mua được vaccine một cách bình đẳng, kể cả những nước giàu. Nhưng hầu hết các nước G7 đều quyết định từ chối, họ muốn thỏa thuận 1-1 với các công ty dược phẩm.
Ông Rohit Malpani, cố vấn y tế toàn cầu của Oxfam, thừa nhận rằng Canada và Anh được quyền nhận vaccine thông qua COVAX vì những nước này đã trả tiền cho chương trình, nhưng ông cho biết điều này là "không thể chấp nhận được về mặt đạo đức".
"Họ không nên mua thêm vaccine từ COVAX. Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia nghèo sẽ phải chờ đợi rất lâu để được cung cấp vaccine", ông Rohit Malpani nói. Ban đầu, COVAX đặt mục tiêu cung cấp 2 tỉ liều vaccine COVD-19 cho tới cuối năm nay, nhưng cho đến nay chương trình này mới cung cấp 371 triệu liều vaccine.
Tiêm vaccine COVID-19 tại Bệnh viện Khayelitsha, ngoại ô thủ đô Cape Town của Nam Phi. Ảnh: Reuters. |
Theo Giám đốc phụ trách vaccine của WHO Kate O'Brien, hiện tại 3,5 tỉ liều vaccine đã được triển khai trên thế giới. Mỗi tháng, thế giới có thêm khoảng 1,5 tỉ liều được sản xuất, đủ số liều để có thể đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số các nước cho tới cuối năm. Tuy nhiên, tình hình phân phối vaccine trên toàn cầu tới nay vẫn chưa đồng đều.
Tiến sĩ Anthony Fauci, nhà dịch tễ học hàng đầu nước Mỹ, cho rằng thế giới có thể bắt đầu kiểm soát được đại dịch COVID-19 vào mùa xuân tới, trong khi Giám đốc điều hành của hãng dược Moderna, Stéphane Bancel, nhận định đại dịch có thể kết thúc sau một năm nữa.
Giám đốc điều hành của Pfizer hồi tháng 6 (thời điểm trước khi biến chủng Delta bùng phát) từng nói với CNBC rằng, ông dự đoán các nước phát triển có thể trở lại cuộc sống bình thường vào cuối năm 2021, còn phần còn lại của thế giới sẽ vào năm 2022.
Chuyên gia nước ngoài ở Việt Nam xếp thứ hai thế giới về mức độ lạc quan