Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo rằng một 'sự gia tăng đáng kể' về các ca bệnh có thể xảy ra ở châu Âu. Ảnh: Shutterstock.

 
Minh Duy Thứ Tư | 22/12/2021 17:55

WHO cảnh báo châu Âu trước “bão lây nhiễm” Omicron

Biến thể Omicron dường như gây ra nhiều ca nhiễm trùng hơn gấp 3 lần so với những gì đã từng trải qua ở Nam Phi.

Theo The Guardian, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở châu Âu hôm 21/12 cảnh báo các quốc gia ở khu vực này phải chuẩn bị để đối mặt với "sự gia tăng đáng kể" các ca nhiễm COVID-19 khi biến thể mới Omicron lan rộng.

Kể từ khi lần đầu tiên xuất hiện vào cuối tháng 11, biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đã được phát hiện ở ít nhất 38 trong số 53 quốc gia châu Âu là thành viên của WHO. Trong đó, Omicron đã trở biến chủng vượt trội ở một số nước, bao gồm Đan Mạch, Bồ Đào Nha và Vương quốc Anh, theo Giám đốc WHO khu vực châu Âu, ông Hans Kluge.

Ông Kluge cảnh báo: “Một “cơn bão” lây nhiễm khác sắp đến. Trong vòng vài tuần tới, Omicron được dự báo sẽ “thống trị” nhiều quốc gia hơn nữa trong khu vực, đẩy các hệ thống y tế vốn đã căng thẳng đến cực hạn”.

Dữ liệu của WHO cho thấy khu vực này trong những tuần gần đây đã ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 cao nhất so với quy mô dân số hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Ngay cả trước khi Omicron xuất hiện, WHO cũng cảnh báo châu Âu rất có thể sẽ phải chứng kiến thêm 700.000 ca tử vong vì COVID-19 cho đến tháng 3 năm sau.

Tính đến nay, 89% các ca nhiễm Omicron ở châu Âu có các triệu chứng mắc COVID-19 phổ biến như ho, đau họng và sốt. Hầu hết các ca nhiễm được ghi nhận ở những người trưởng thành trong độ tuổi 20 và 30, chủ yếu lây lan ở khu vực đô thị, tại các sự kiện xã hội và nơi làm việc.

Giám đốc WHO khu vực châu Âu cảnh báo, số lượng lớn các ca nhiễm mới có thể dẫn đến thêm nhiều ca phải nhập viện hơn, gây gián đoạn hệ thống y tế và các dịch vụ quan trọng khác. Do đó, ông Kluge khuyến cáo các chính phủ và cơ quan chức năng khu vực cần chuẩn bị sẵn sàng các hệ thống ứng phó trước sự gia tăng đáng kể các ca nhiễm sắp tới.

Nhà khoa học trưởng của WHO Soumya Swaminathan. Ảnh: Reuters.
Nhà khoa học trưởng của WHO Soumya Swaminathan. Ảnh: Reuters.

Nhà khoa học hàng đầu của WHO Soumya Swaminathan cho biết: biến thể Omicron dường như gây ra nhiều ca nhiễm trùng hơn gấp ba lần so với những gì đã từng trải qua ở Nam Phi, có nghĩa là "nó dường như có thể khắc phục một số khả năng miễn dịch tự nhiên từ lần nhiễm trùng trước đó".

Theo worldometers.info, trong 24 giờ qua, thế giới có trên 744.000 ca nhiễm mới COVID-19, trong đó riêng châu Âu chiếm tới gần 56%. Anh, Pháp và Tây Ban Nha là 3 nước có số ca nhiễm mới cao nhất châu lục, lần lượt với 90.629 ca, 72.832 ca và 49.823 ca, xếp sau Mỹ, quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất thế giới 24 giờ qua (trên 181.000 ca).

Trong bối cảnh đó, cả Mỹ và các nước châu Âu đều đang siết chặt các biện pháp ứng phó với dịch COVID-19, trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng tại các quốc gia này.

Ủy ban châu Âu ngày 21/12 thông báo chứng nhận COVID-19 kỹ thuật số của Liên minh châu Âu (EU) phục vụ mục đích đi lại của người dân các nước thành viên sẽ chỉ có thời hạn trong 9 tháng, sau khi hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19.

Quy định mới sẽ có hiệu lực đối với 27 quốc gia thành viên EU từ ngày 1/2 năm sau. Theo đó, các quốc gia EU sẽ cho phép những hành khách đã tiêm phòng đầy đủ có thẻ thông hành hợp lệ được nhập cảnh.

Một số quốc gia EU khác gồm Italia, Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Latvia, Síp và Áo cũng đã áp dụng yêu cầu hành khách được tiêm phòng đầy đủ từ các quốc gia EU khác phải có kết quả xét nghiệm âm tính khi nhập cảnh.

Người dân đeo khẩu trang chờ sang đường ở London, Anh, ngày 21/12/2021. Ảnh: Reuters.
Người dân đeo khẩu trang chờ sang đường ở London, Anh, ngày 21/12/2021. Ảnh: Reuters.

Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson cùng ngày cho biết, Chính phủ Anh sẽ không áp dụng các hạn chế mới trước Giáng sinh, nhưng không loại trừ khả năng các biện pháp nghiêm ngặt hơn sẽ được tiến hành sau đó, trước bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại nước này.

 

Chính phủ Thụy Điển ngày 21/12 thông báo, nước này sẽ áp dụng các quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn, đồng thời khuyến khích làm việc tại nhà trong bối cảnh lo ngại gia tăng các ca bệnh mới và biến thể Omicron lây lan.

Cơ quan Y tế công cộng Thụy Điển dự báo tốc độ lây nhiễm sẽ tăng lên trong những tuần tới, chủ yếu là do biến thể Omicron dễ lây lan. Dự kiến đến giữa tháng 1/2022, mức tăng cao nhất có thể lên tới 15.000 ca bệnh mỗi ngày trong kịch bản xấu nhất - con số kỷ lục tại Thụy Điển kể từ khi đại dịch bùng phát đầu năm 2020.

Đầu tháng này, Thụy Điển đã tái áp dụng trở lại một số biện pháp hạn chế, bao gồm yêu cầu đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng. Chính phủ nước này cũng cảnh báo các biện pháp thắt chặt tiếp theo có thể phải áp dụng nếu tình hình xấu đi.

Hôm 21/12, Bồ Đào Nha ban hành quy định phòng dịch mới, trong đó yêu cầu đóng cửa các hộp đêm và quán bar, cũng như bắt buộc làm việc tại nhà ít nhất 2 tuần kể từ thứ bảy tới, nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh trong kỳ nghỉ lễ.

Người dân chờ xe buýt ở Cais do Sodre, Lisbon, Bồ Đào Nha, ngày 21/12/2021. Ảnh: Reuters.
Người dân chờ xe buýt ở Cais do Sodre, Lisbon, Bồ Đào Nha, ngày 21/12/2021. Ảnh: Reuters.

Theo Thủ tướng Antonio Costa, các cửa hàng cũng phải hạn chế số lượng khách, trong khi người dân cũng cần có xét nghiệm âm tính khi sử dụng dịch vụ lưu trú khách sạn hoặc dự các sự kiện công cộng. Nhà chức trách cũng sẽ giới hạn tụ tập ngoài trời ở mức 10 người/nhóm vào thời điểm ngày cuối năm, cùng với yêu cầu bắt buộc có xét nghiệm âm tính khi đến các nhà hàng hoặc tham dự các sự kiện ở không gian công cộng.

Cũng theo ông Costa, hầu hết các biện pháp trên ban đầu dự kiến có hiệu lực vào đầu tháng 1 năm sau, nhưng tình hình dịch bệnh hiện nay buộc chính phủ phải thực hiện trước thời hạn.

Trong 1 báo cáo đưa ra cùng ngày, Viện Y tế quốc gia Bồ Đào Nha cho biết, gần 50% trường hợp nhiễm COVID-19 mới ở Bồ Đào Nha là do biến thể Omicron. Theo Bộ trưởng Y tế Marta Temido, số ca nhiễm Omicron ở nước này hiện tăng gấp đôi cứ sau 2 ngày và có thể chiếm 80% tổng số ca mắc mới vào cuối tháng.

Tại Đức, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết sẽ áp dụng các biện pháp phòng dịch mới, bao gồm hạn chế các cuộc tụ tập xuống tối đa 10 người trước đêm đón năm mới. Ông Scholz cũng nhất trí với giới chức của 16 bang bang nước này rằng các sự kiện lớn, bao gồm cả các trận đấu bóng đá sẽ không đón khán giả.

Thủ tướng Scholz cũng bày tỏ lo ngại Omicron sẽ sớm “thống trị” ở Đức chỉ trong vài tuần nữa.

Có thể bạn quan tâm:

Cách thế giới đang làm để sống chung với virus