Thứ Sáu | 31/08/2012 12:45

WGC: Bán kho dự trữ vàng không thể giúp eurozone thoát khủng hoảng

Nợ của khu vực đồng euro (eurozone) quá lớn do đó bán kho dự trữ vàng cũng không giúp giải quyết triệt để khủng hoảng.
Số phận của khu vực đồng euro (eurozone) có thể quyết định vào tháng 9 tới khi lãnh đạo các nền kinh tế lớn và đại diện các định chế quốc tế đưa ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở khu vực này. Tuy nhiên, đến nay, hiện chưa rõ, ngân hàng trung ương hay giới chức châu Âu có thể xoa dịu lo ngại của thị trường và giảm sức ép chi phí đi vay cho chính phủ các nước khó khăn hay không.

Hội đồng vàng thế giới (WGC) mới đây đưa ra ý tưởng, đã đến lúc các chính phủ eurozone cần bắt đầu sử dụng vàng một cách sáng suốt để hạ lãi suất, giải quyết khủng hoảng, đặc biệt các nước như Italia.

Eurozone có kho dự trữ vàng lên tới 10.000 tấn. Nhiều người cho rằng, các chính phủ nên bán một phần vàng dự trữ. Giá vàng đã tăng đáng kể vài năm trở lại đây, và hiện giờ là thời điểm thích hợp để các nước eurozone bán vàng dự trữ để chi trả lãi cho các trái chủ.

Tuy nhiên, WGC lại cho rằng, bán dự trữ vàng có thể sẽ là một sai lầm bởi việc ồ ạt xả vàng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến gia, nợ của eurozone hiện quá lớn do đó, ý tưởng bán vàng chỉ giải quyết được vấn đề bề mặt của khu vực này.

Thực tế, WGC cho biết: “Lượng vàng nắm giữ của các nước eurozone bị khủng hoảng (Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha và Ireland) chỉ tương đương 3,3% nợ của các chính phủ khu vực”.

Do đó, WGC đưa ra một ý tưởng khác là, thay vì bán vàng dự trữ, các chính phủ eurozone có thể phát hành trái phiếu chính phủ bảo lãnh bằng vàng. Khi đó, vàng sẽ tăng mức độ bảo lãnh cho trái phiếu chính phủ, giúp lấy lại niềm tin của nhà đầu tư từ lâu đã không còn tin tưởng vào khả năng tài chính của các chính phủ eurozone.

 “Chỉ sử dụng 1 phần dự trữ vàng làm tài sản thế chấp có thể giảm đáng kể lãi suất và giúp các chính phủ lại có thể phát hành nợ, WGC cho biết.

Những năm 1970, Italia và Bồ Đào Nha đã sử dụng dự trữ vàng làm tài sản thế chấp để có thể vay nợ từ Đức, Ngân hàng thanh toán bù trừ quốc tế và các chủ nợ khác. Gần đây, Ấn Độ cũng vay nợ từ Nhật Bản với tài sản thế chấp là vàng.

Hơn nữa, gần đây, các tập đoàn như, quỹ và các sàn giao dịch như Intercontinental Exchange hay Chicago Mercantile Exchange (nhà cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thị trường kỳ hạn lớn nhất nước Mỹ) cũng bắt đầu chấp nhận vàng làm tài sản thế chấp cho các giao dịch phái sinh. Ủy ban giám sát ngân hàng Basel cũng đưa ra đề xuất coi vàng là một trong 6 tài sản có thể dùng làm thế chấp cùng với trái phiếu.

Tuy vậy, ý tưởng trên có thể sẽ không nhận được sự ủng hộ từ giới hoạch định chính sách eurozone. Kể cả khi ủng hộ, eurozone vẫn gặp một số trở ngại lớn, đặt biệt là phần lớn vàng dự trữ do các ngân hàng trung ương nắm giữ mà không phải bộ tài chính.

Nguồn FT/Khampha


Sự kiện