WEF: Thế giới đang đối mặt với nhiều rủi ro
Phát biểu tại hội nghị thường niên lần thứ 45 của Diễn Đàn Kinh tế Thế giới ( Diễn đàn Davos – Thụy sĩ), bà Simonetta Sommaruga, Tổng thống của Liên bang Thụy Sĩ cho rằng thế giới ngày nay là thế giới của sự rủi ro.
Ví dụ, rủi ro được thể hiện qua các cuộc xung đột hiện tại và khủng khoảng ở các khu vực cũng như tình trạng ảm đạm của các quốc gia Châu Âu. “Nhìn chung, toàn cầu hóa đã mang tới sự thịnh vượng lớn hơn và giảm nghèo đói, nhưng điều này không xảy ra ở mọi nơi”, bà Simonetta Sommaruga kết luận.
Hơn thế nữa, bà còn chỉ ra một số xu hướng đáng ngại đang nổi lên hiện nay như việc các đảng phái theo đuổi chủ nghĩa quốc gia và dân túy xuất hiện ở nhiều quốc gia Châu Âu, họ theo đuổi chính sách kỳ thị đối với dân nhập cự và kích động sự nghi ngờ đối với sự tồn tại của Liên minh Châu Âu. Bà Simonetta Sommaruga vì thế kêu gọi doanh nhân và các nhà chính trị nên có trách nhiệm hơn để cùng nhau đối phó với những rủi ro trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay.
“Chúng tôi cần doanh nhân là những người muốn kiếm tiền nhưng cũng là những người hướng đến được một số mục tiêu khác. Chúng tôi cần doanh nhân là những người mang đến cho những người khác một cơ hội”, bà Simonetta Sommaruga nói.
Về phía chính phủ, Nữ tổng thống của Thụy Sĩ cũng kêu gọi các nhà làm chính sách nên thực hiện những hành động phù hợp, tuân theo luật pháp, không tham nhũng và bảo vệ nhân quyền, công bằng xã hội.
Cũng tại hội nghị lần này, các đại biểu đến từ nhóm quốc gia BRICS mang đến cho hội nghị những nhận định lạc quan về nền kinh tế của 5 quốc gia mới nổi thuộc nhóm này. Họ cho rằng các nền kinh tế thuộc nhóm BRICS vẫn có tiềm năng lớn, đặc biệt khi chính phủ các quốc gia này thành công trong việc thực hiện tái cấu trúc theo kế hoạch đã định.
Justin Lin, giáo sư trường đại học Bắc Kinh (Trung Quốc ) nói rằng Trung quốc sẽ phải điều chỉnh phụ thuộc ít hơn vào xuất khẩu, tập trung nhiều hơn vào thị trường trong nước và đầu tư. Theo giáo sư Lin, nhờ bản cân đối tài chính mạnh của chính phủ và tỉ lệ tiết kiệm trong nước cao sẽ hỗ trợ quá trình chuyển dịch này. “Tôi tin tưởng Trung Quốc sẽ có thể duy trì mức tăng trưởng 7% trong 5 hay thậm chí 10 năm tới. Trung Quốc sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng toàn cầu”, ông Lin nói.
Bộ trưởng Tài chính của Ân Độ, ông Arun Jaitley, cho biết Ấn Độ đang định hướng quay trở lại mức tăng trưởng 8 -9%. Ông nói những thay đổi gần đây trong chính phủ đã mang đến những định hướng rõ ràng hơn về con đường phía trước. “Thế giới đang nhìn vào Ấn Độ một lần nữa. Giá dầu thấp đang giúp Ấn Độ cải thiện cán cân tài khoản vãng lai và giúp giảm nhiệt lạm phát”, Bộ trưởng tài chính Ấn Độ nói.
Về phía Nga, giá dầu thấp đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến viễn cảnh tăng trưởng của quốc gia này, nhưng theo giáo sư Alexei Kudrin, thuộc đại học Saint Petersburg, người Nga đang học cách điểu chỉnh và giá dầu thấp đang buộc người Nga phải thay đổi cấu trúc và đa dạng hóa nền kinh tế - điều sẽ mang lại lợi ích về lâu dài cho gấu Nga.
Hội nghị thường niên của diễn đàn kinh tế thế giới lần thứ 45 diễn ra ở Davos – Thụy sĩ từ ngày 21 – 24/01/2015 với sự tham gia của hơn 2.500 đại biểu đến từ các quốc gia trên thế giới.
Nguồn Đất Việt