WB: Kinh tế Việt Nam 2015 dự báo tăng trưởng 5,5%, nhưng còn tồn tại nhiều rủi ro
Áp lực đối với đồng Việt Nam cũng đã giảm một cách đáng kể. Cán cân ngoại thương và cán cân tài khoản vốn mạnh hơn đã tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối tới mức tương đương khoảng 3 tháng nhập khẩu, so với mức 1,6% vào tháng 12 năm 2011. Mức độ rủi ro quốc gia ảnh hưởng tới chi phí hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của Việt Nam đã giảm xuống bằng các mức ghi nhận được tại thời điểm trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra vào năm 2009.
Tuy nhiên, tình trạng hồi phục tăng trưởng GDP vẫn bị kìm hãm do chậm tái cơ cấu và tình trạng bất ổn kinh tế toàn cầu. Mặc dù khu vực ngoại thương chống đỡ tốt bất chấp bối cảnh toàn cầu nhưng cầu trong nước vẫn thấp do giảm niềm tin của khu vực tư nhân, tình trạng các khối ngân hàng và DNNN sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức và tình hình tài khóa khó khăn.
Chi tiêu khu vực tư nhân tiếp tục tăng chậm. Tổng vốn đầu tư trong 9 tháng đầu năm 2013 ước đạt 31,2% GDP, tăng đáng kể so với mức 29,6% trong 6 tháng đầu năm do tăng mạnh chi phí đầu tư công và tăng nhẹ đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn 12% so với mức đỉnh điểm năm 2007. Đầu tư của nhà nước dự kiến sẽ giảm nhẹ trong thời gian tới. Song giảm sút tỷ trọng đầu tư của khu vực tư nhân trong nước - từ mức trung bình khoảng 15% GDP trong giai đoạn 2007-2010 xuống còn khoảng 11,5% tính đến hiện tại năm 2013 - thực sự là một vấn đề đáng lo ngại. Thực trạng này chủ yếu là do niềm tin của nhà đầu tư giảm đáng kể.
Tiêu dùng hộ gia đình cũng chùng xuống kể từ khi diễn ra khủng hoảng toàn cầu, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 5,1% trong giai đoạn 2009-12, so với mức trung bình 8,9% trong giai đoạn 4 năm trước đó (2005-08). Chỉ số Niềm tin Người tiêu dùng của Nielsen đã phản ánh sự hồi phục đôi chút về niềm tin của người tiêu dùng trong năm 2013.
Tiến độ cải cách DNNN đã diễn ra với tốc độ chậm hơn so với dự kiến do khung pháp lý rườm rà và do hạn chế về những phân tích tài chính cũng như phân tích về nghiệp vụ làm cơ sở cho hoạt động thoái vốn theo kế hoạch.
Tính đến tháng 11 năm 2013, mặc dù đã nới lỏng đáng kể chính sách tiền tệ, nhưng tổng tín dụng cho nền kinh tế vẫn chỉ tăng kiêm tốn ở mức 7,5% so với chỉ tiêu đề ra là 12%. Cắt giảm lãi suất vẫn chưa thể thúc đẩy cho vay tới khu vực tư nhân hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì những khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Các hoạt động tín dụng chùng xuống khi các ngân hàng, với bảng cân đối phải chịu thêm gánh nặng từ tỷ lệ nợ xấu cao, e sợ những rủi ro ngày càng gia tăng và đang dự kiến sẽ tháo gỡ đòn bẩy tài chính. Nhu cầu tín dụng cũng khá biến động, thể hiện độ tin cậy thấp và mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính cao trong khu vực tư nhân.
Mặc dù những quan ngại về khả năng thanh khoản của hệ thống đến nay đã được xua tan nhưng những nguyên nhân gốc rễ gây nên tình trạng dễ tổn thương của khu vực ngân hàng vẫn còn chưa được giải quyết triệt để. Theo báo cáo của NHNNVN, tỷ lệ nợ xấu tính đến tháng 8 năm 2013 vào khoảng 4,6%. Tuy nhiên, mức này có thể sẽ cao hơn nếu chiểu theo các chuẩn mực quốc tế.
Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới và tăng cường lợi ích của quá trình hội nhập. Điều này được thể hiện qua thực tế về xuất khẩu của Việt Nam, với kết quả xuất khẩu được duy trì ở mức cao trong những năm gần đây mặc dù môi trường bên ngoài có nhiều khó khăn. Trong khi giá trị xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu và nông sản giảm, xuất khẩu các mặt hàng ngoài dầu tiếp tục tăng trưởng mạnh. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đóng góp 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, có kết quả đặc biệt tốt.
Tuy nhiên, chiếm vị trí chi phối trong tổng số hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn là các sản phẩm gia công với giá trị tăng thêm thấp và thể hiện trình độ công nghệ còn khiêm tốn. Do vậy Việt Nam sẽ cần phải chú trọng hơn nữa tới việc nâng cao khả năng cạnh tranh và đạt mức giá trị tăng thêm cao hơn.
Nhìn chung thì triển vọng kinh tế vĩ mô trong trung hạn vẫn còn thuận lợi. Theo dự kiến, tỉ lệ tăng trưởng GDP trong kịch bản cơ sở sẽ tăng lên một cách khiêm tốn, lên mức 5,5% vào năm 2015.
Tóm lại, mặc dù nhìn chung thì ổn định kinh tế vĩ mô đã được củng cố nhưng vẫn còn một vài rủi ro quan trọng:
• Tổng cầu của khu vực tư nhân vẫn còn yếu và rất dễ bị ảnh hưởng bởi bất kỳ diễn biến kinh tế tiêu cực nào
• Tuy xác xuất nhỏ nhưng vẫn còn rủi ro nữa là các cơ quan chức năng có thể buộc phải nới lỏng quan điểm chính sách tài khóa và tiền tệ thận trọng để kích cầu khu vực tư nhân còn yếu
• Đà cải cách cơ cấu có thể lại tiếp tục chậm lại, khiến cho tăng trưởng GDP tiếp tục ở mức thấp và làm giảm bền vững tài khóa
• Khu vực ngân hàng có thể bị ảnh hưởng trước những chuyển dịch về lòng tin của người gửi tiền và bảng cân đối tài sản của các ngân hàng yếu kém có khả năng tiếp tục xấu đi.
Nguồn Dân Việt/World Bank