WB cung cấp khoản viện trợ mới cho Myammar
WB đã phê duyệt khoản viện trợ 80 triệu USD để cung cấp 25.000 USD cho các ngôi làng ở 15 thị trấn trên khắp Myanmar nhằm giúp người dân xây dựng đường giao thông, cầu, hệ thống thủy lợi, trường học, trạm y tế hay thị trường ở khu vực nông thôn.
Phó chủ tịch của WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Pamela Cox cho biết ngân hàng sẽ cho Myanmar vay thêm 165 triệu USD sau khi WB và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) xóa khoản nợ 900 triệu USD cho nước này. Nhật Bản hiện đang hỗ trợ thực hiện việc xóa nợ, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 1.
WB đã hỗ trợ Myanmar sau khi nước này cam kết cải cách kinh tế và chính trị, chuyển đổi từ chế độ cai trị quân sự sang dân chủ. WB cũng đã mở 1 văn phòng ở thành phố Yangon vào tháng 8 và phê duyệt chiến lược cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn cho chính phủ Myanmar về phương pháp quản lý tài chính công, cải cách quản lý và phát triển khu vực tư nhân trong vòng 18 tháng tới.
Thu nhập bình quân đầu người của Myanmar hiện từ khoảng 600 đến 800 USD/năm và 1/4 dân số sống trong cảnh nghèo đói. Myanmar xếp thứ 3 tính từ dưới lên trong tổng số 182 quốc gia xét về tính minh bạch quốc tế trong năm 2011. Chính phủ Myanmar đã thực hiện một số bước cải cách về kinh tế, bao gồm cả việc công bố ngân sách trong năm nay.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động lo ngại rằng khi những biện pháp trừng phạt nhằm vào viện trợ, thương mại và đầu tư được dỡ bỏ khiến dòng vốn nước ngoài đổ vào thì quân đội của Myanmar sẽ là những người được hưởng lợi đầu tiên.
Trong một diễn biến liên quan, các nghị sỹ Myanmar cho biết quốc hội nước này ngày 1/11 đã thông qua dự luật đầu tư sửa đổi, thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, nhằm vực dậy nền kinh tế khốn khó sau khi Naypyidaw thoát khỏi nhiều thập kỷ cầm quyền của chính quyền quân sự.
Dự luật trên dự kiến sẽ được tổng thống Thein Sein ký ban hành thành luật trong thời gian tới.
Quy định chỉ cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được nắm giữ 50% cổ phần trong một liên doanh đã được bãi bỏ theo đề nghị của ông Thein Sein và luật đầu tư mới cho phép các nhà đầu tư nước ngoài và các đối tác địa phương quyết định tỷ lệ vốn đầu tư. Một trong những lo ngại chính của các nhà đầu tư muốn thâm nhập thị trường Myanmar là nước này thiếu khung pháp lý rõ ràng.
Myanmar được nhiều nhà đầu tư coi là một thị trường tiền tiêu trong khu vực trong thời gian tới khi mà họ nhìn thấy các nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, lực lượng lao động dồi dào và vị trí chiến lược của nước thành viên ASEAN này nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Nguồn AP/Khampha