Thứ Ba | 22/10/2013 14:04

Washington hiện tại và Bức tường Berlin 24 năm trước

Cuộc khủng hoảng ngân sách của Mỹ thực chất đến từ mâu thuẫn chính trị. Liệu nước Mỹ có nên học hỏi từ châu Âu - những nước đã từng được chính Washington "khuyên bảo" hai năm về trước?
Ngân sách và nợ công: Chuyện hiện tại và chuyện quá khứ

Từ nhiều tuần trước, những cảnh báo đầy lo ngại của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso nhằm hướng đến Tổng thống Mỹ Barack Obama về hậu quả đối với nền kinh tế toàn cầu từ việc bất đồng quan điểm trong chi tiêu ngân sách và trần nợ công đang diễn ra giữa các đảng phái chính trị của Mỹ. Quả thật, những gì xảy ra tại Washington hơn nửa tháng qua đã khiến không ít người "rùng mình" và một lần nữa lại gợi nhắc về tình cảnh của Brussels và châu Âu hai năm về trước.

Nhớ về thời điểm những năm 2011 và 2012, khi cuộc khủng hoảng trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đang ở đỉnh điểm, tổng thống Obama đã không ngần ngại gọi điện thoại cho thủ tướng Đức, bà Angela Merkel để bày tỏ những lo ngại về sự bất lực của châu Âu với những biện pháp đang được triển khai lúc đó. Và Tim Geithner, Bộ trưởng Tài chính dưới thời Obama vào thời điểm đó, cũng bắt đầu có thói quen hội đàm với Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, Jean-Claude Trichet, để chia sẻ cùng châu Âu những mối quan tâm của Mỹ về tình hình trong khu vực đồng euro lúc bấy giờ.

Chính Geithner cũng đã không hề ngần ngại đề xuất các chính sách giúp châu Âu giải quyết vấn đề của mình. Hãy tưởng tượng một tình huống ngược lại, khi một vị Bộ trưởng Tài chính tại một quốc gia châu Âu gọi điện cho Ben Bernanke, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và đề nghị một hoặc hai bước đi cho kinh tế Mỹ hiện nay?

Cuộc khủng hoảng tại Mỹ còn tệ hơn cả châu Âu (The Economist).
Cuộc khủng hoảng tại Mỹ còn tệ hơn cả châu Âu (The Economist).

Nhưng tiếc là không có một sự việc như vậy xảy ra trong cuộc khủng hoảng vừa qua tại Mỹ. Thỏa thuận giữa hai đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã giúp cho nước Mỹ tạm thoát khỏi tình cảnh vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.

Nhưng sự thụ động của các nhà lãnh đạo châu Âu trước cuộc khủng hoảng tại Washington liệu có phải là do sự thiếu trách nhiệm hay đơn thuần chỉ đến từ niềm tin như giới đầu tư thừa hiểu rằng, một thỏa thuận nào đó rồi sẽ đến vào phút chót. Bởi chẳng phải, tất cả đều đã từng xem một bộ phim có kịch bản tương tự cũng tại Washington đúng hai năm về trước rồi sao?

Mỹ phục hồi tốt hơn châu Âu?
Sự bất đồng chính trị và mất cân bằng kinh tế của Mỹ rõ ràng hơn châu Âu rất nhiều, nếu ai đó thực sự vượt ra khỏi bề ngoài của sự phục hồi của hai bờ Đại Tây Dương kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Kinh tế Mỹ đã phục hồi từ ngay sau năm 2011 và theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sang năm 2014, GDP của Mỹ sẽ đạt 8%, cao hơn thời kỳ trước khủng hoảng năm 2007. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ cũng thấp hơn, khoảng 7,63% so với 12% của châu Âu.

Ngược lại, với sự đình trệ từ 3 năm trở lại đây, cho đến năm 2014 khu vực eurozone được dự đoán vẫn chưa thể lấy lại tốc độ tăng trưởng như năm 2007.

Cựu chủ tịch Fed, Alan Greenspan cho rằng, nỗ lực cải cách mờ nhạt và sự chia rẽ chính trị ngày càng sâu sắc khiến cho một cuộc khủng hoảng đẩy nước Mỹ vào nguy cơ vỡ nợ hoàn toàn có thể lặp lại.
Tuy nhiên, ngay cả khi triển vọng kinh tế sáng sủa, nước Mỹ vẫn phải đối mặt với thách thức nội tại. Khủng hoảng ngân sách và trần nợ qua đi, khiến cho Fed quay trở lại với mối quan tâm chính của mình là tăng trưởng và thị trường lao động. Kinh tế Mỹ sẽ phải tập làm quen với sự hoạt động mà không có liều thuốc kích thích kinh tế giúp Mỹ thoát ra từ đáy sâu khủng hoảng năm 2008, bởi chắc chắn gói tiền hàng tháng trị giá 85 tỷ USD từ nới lỏng định lượng sẽ phải giảm đáng kể liều lượng và quá trình "rút dần" đó có thể bắt đầu ngay từ cuối năm nay.

Không chỉ có Fed, nền kinh tế Mỹ còn tiếp tục phải đối mặt với liều thuốc kích thích khác đến từ niềm tin của nhà đầu tư quốc tế. Trong điều điện hiện tại, sẽ không có vấn đề gì nghiêm trọng nhưng mọi chuyện sẽ xấu đi nếu lãi suất bắt đầu tăng lên. Tăng lãi suất là điều lo ngại thực sự đối Mỹ, bởi lãi suất tăng luôn triệt tiêu động cơ đầu tư. Tương tự, để tiếp tục vay nợ Mỹ cũng cần niềm tin từ các chủ nợ.

Đồng tiền số một thế giới với vị thế đang bị đe dọa

Người Mỹ có thể tự tin vì đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ được coi là an toàn nhất, nhưng những gì còn lại thì thật tồi tệ. Thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ đạt 107% GDP vào năm tới. Đáng lo ngại hơn về lâu dài, thâm hụt cán cân vãng lai sẽ tương đương 2,8% GDP.

Phía bên kia Đại Tây Dương, các khoản nợ của khu vực eurozone đã trở thành một nỗi ám ảnh về nợ công, hiện đang ở mức 96% GDP, vẫn còn thấp hơn mức nợ công của Mỹ đã vượt trên 100% GDP từ năm 2012. Thâm hụt ngân sách chỉ bằng một nửa so với Mỹ. Đặc biệt, theo dự báo của IMF, tài khoản vãng lai của khu vực eurozone sẽ đạt thặng dư 320 tỷ USD (tương đương 234 tỷ euro) trong năm tới.

Bỏ qua tất cả những so sánh bất lợi trên, chính trị gia của Mỹ, những người từng lên tiếng chỉ trích gay gắt sự bất lực của châu Âu hai năm trước, đã cùng lao vào cuộc tranh đấu chính trị mà thực chất chẳng tìm ra lời giải nào cho bài toán thực sự về ngân sách hay nợ công mà nền kinh tế Mỹ đang đối mặt.

Bởi nếu thực sự nghĩ cho nền kinh tế Mỹ, những cải cách mang tính cơ cấu trong nền kinh tế hay cách thức chi tiêu của khu vực công là những chủ đề cần được đem ra bàn. Thay vào đó, lưỡng đảng chỉ tìm ra đủ mọi điều kiện và dùng con tin là trần nợ để đánh đổi. Hai tuần để mặc cả, tranh đấu hay đốt thời gian và tiền bạc. Một giải pháp tạm thời để tránh khủng hoảng chỉ mang đến ý nghĩa duy nhất đó là thêm một bộ phim mà người dân Mỹ đá "chán ngấy" tiếp tục được lên sóng vào giữa tháng 1 tới.

Vị thế của đồng USD đang bị đe dọa bởi euro và nhân dân tệ.
Vị thế của đồng USD đang bị đe dọa bởi euro và nhân dân tệ.

Bước ra từ sau khủng hoảng, châu Âu và Mỹ là hai bộ mặt hoàn toàn trái ngược. Trong khi một châu Âu thường bị mỉa mai là "què quặt" vẫn âm thầm tiến hành những thỏa thuận tài chính, bình ổn thị trường và quan trọng hơn, ý tưởng liên minh ngân hàng được đề xuất đã cho thấy một ý chí cải cách ngoan cường ít nhất từ eurozone. Trong khi Mỹ vẫn chỉ dừng ở việc bắt các ngân hàng "trả tiền" cho sai lầm trong quá khứ. Điểm đáng chú ý nhất trong lĩnh vực ngân hàng tại Mỹ trong vòng 5 năm qua, có lẽ là những khoản tiền phạt kỷ lục mà gần đây nhất là thỏa thuận 15 tỷ USD tiền phạt giữa JPMorgan và Bộ Tư pháp Mỹ. Còn lại những cải cách thực sự gần như không có.

Nếu cứ thế, sẽ chẳng ai ngạc nhiên nếu câu hỏi tưởng như cũ về "phi Mỹ hóa" hay "phi đô-la hóa" sẽ sớm quay trở lại trong các cuộc thảo luận tài chính - tiền tệ quốc tế trong nay mai. Đồng USD chắc chắn không muốn mất đi tính ưu việt vốn có, nhưng vài tín hiệu nhỏ sau đây đang đe dọa vị thế của đồng tiền được giao dịch nhiều nhất thế giới. Gần đây, hai công ty Nhà nước của Trung Quốc đều thực hiện các khoản vay bằng đồng euro, thay vì đô-la Mỹ như trước đây. Và trong thời gian tới đồng euro sẽ còn được giao dịch nhiều hơn tại Trung Quốc, sau khi thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 350 tỷ nhân dân tệ mới được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và chính phủ Trung Quốc ký kết hôm 10/10.

Bức tường Berlin và chia rẽ chính trị

Các chính trị gia Mỹ đã chọn cách sống trong một sự thiếu hiểu biết hay "giả vờ" không biết về những hậu quả nghiêm trọng đối với kinh tế toàn cầu nếu họ thất bại. Sự thiếu hiểu biết ấy có khả năng sẽ phải trả giá vào ngày phần các nước còn lại muốn thanh toán toàn bộ đống giấy nợ đã vượt trên 17.000 tỷ USD của Mỹ.

Giải mã sự khó hiểu trên trong nền chính trị Mỹ, có lẽ ý kiến của Alan Greenspan, cựu chủ tịch Fed là xác đáng nhất. Một cuộc khủng hoảng đẩy nước Mỹ vào nguy cơ vỡ nợ tương tự "hoàn toàn có thể xảy ra", nhất là khi chủ nghĩa tư bản thân quen (là việc các quan chức chính phủ trao ưu đãi cho những người trong khối tư nhân nhằm đổi lấy các ưu đãi chính trị) vốn tràn lan ở Nga và Trung Quốc lại đang bắt đầu thịnh hành tại Mỹ.

Sự chia rẽ chính trị tại Mỹ là điều dễ thấy và hiển nhiên. Nhưng câu chuyện tại châu Âu lại nhắc cho người Mỹ nhớ rằng, nếu tường thành Berlin không sụp đổ thì nước Đức đã không thể phát triển ổn định, để trở thành trái tim của châu Âu mặc cho những cơn bão khủng hoảng đã liên tiếp xảy đến trong những năm qua.

Bức tương Berlin và bài học cho nước Mỹ về chia rẽ chính trị.
Bức tương Berlin và bài học cho nước Mỹ về chia rẽ chính trị.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện