Walmart "hất cẳng" công ty bản địa, một mình một ngựa đánh chiếm thị trường Ấn Độ
Hất cẳng Bharti: Walmart quyết dứt ra cuộc "hôn ước" khiên cưỡng
Nhà phân phối khổng lồ của Mỹ - Walmart và công ty Bharti của Ấn Độ quyết định chấm dứt hoạt động liên doanh tại Ấn Độ. Thay vào đó, Walmart sẽ tiến hành mua lại toàn bộ cổ phần của Bharti.
Bối cảnh pháp lý 6 năm trước đặt ra điều kiện tiên quyết cho một nhà phân phối nước ngoài, muốn kinh doanh bán lẻ tại Ấn Độ, đó là phải liên doanh với một doanh nghiệp địa phương khác sở hữu tối thiểu 49% cổ phần.
Cho nên, tham vọng chiếm lĩnh thị trường bán lẻ đầy tiềm năng của Walmart tại nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á bắt buộc phải san sẻ với Bharti. Liên doanh giữa Walmart và Bharti có thể xem như một cuộc "hôn ước" có phần khiên cưỡng.
Thời thế thay đổi
Tuy nhiên, mọi chuyện đã khác sau đó 5 năm. Năm 2012, chính phủ Ấn Độ đã tuyên bố mở cửa hoàn toàn thị trường đầy tiềm năng này cho các tập đoàn nước ngoài vào kinh doanh, với mục đích nhằm hồi sinh nền kinh tế thông qua việc thu hút đầu tư nước ngoài từ Mỹ.
Sau 6 năm liên doanh cùng Bharti, Walmart nhận định rằng, thỏa thuận với Bharti đã không được thực hiện một cách nghiêm túc và chính xác. Theo một tuyên bố chung, Wall Mart dự kiến sẽ mua lại tất cả cổ phần hiện có của Bharti để trở thành chủ sở hữu toàn bộ 100% cổ phần.
Như vậy, với quy định thông thoáng hơn đối với đầu tư nước ngoài, Walmart đã quyết định hất cẳng gã nhà giàu của Ấn Độ, để một mình một ngựa tiếp tục xây dựng hiện diện lớn mạnh hơn tại nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á với dân số lên đến 1,21 tỷ người.
Sắp tới, Walmart sẽ một mình tiếp quản 20 cửa hàng bán lẻ tại Ấn Độ. Cuối năm ngoái, công ty liên doanh giữa Walmart và Bharti đã phải đình chỉ nhiều nhân viên, bao gồm cả giám đốc tài chính sau cuộc điều tra nội bộ về tham nhũng và hối lộ, điều kiêng kị trong văn hóa kinh doanh của người Mỹ.
Cơ hội lớn đi cùng thách thức lớn
Là một hãng phân phối khổng lồ tại Mỹ, nhưng ở Ấn Độ, Walmart đang phải nỗ lực cạnh tranh trên thị trường mà hơn 90% trong tổng giá trị khoảng 500 tỷ USD đã bị chiếm lĩnh bởi các cửa hàng bán lẻ nhỏ, hoạt động theo mô hình gia đình tự quản, thường được biết đến với tên gọi là "mom and pop store".
Thêm vào đó, bên cạnh quyết định mở cửa lĩnh vực bán lẻ của chính phủ Ấn Độ thì những chính sách hướng dẫn đi kèm vẫn còn chưa rõ ràng. Do vậy, từ cuối năm 2012 đến nay, vẫn chưa có công ty nước ngoài nào thực hiện đầu tư với 100% vốn trong lĩnh vực bán lẻ tại Ấn Độ. Cuối cùng, một thách thức tiềm ẩn khác mà Walmart phải đối mặt chính là kết quả cuộc bầu cử sắp tới tại Ấn Độ liệu có làm thay đổi những chính sách đã được nêu ra trước đó hay không?
Đá doanh nghiệp bản địa khỏi liên doanh là câu chuyện thường xảy ra. Không chỉ có nhưng câu chuyện thành công, mà những bài học thất bại sau quyết định một "mình một ngựa" cũng không ít. Walmart là gã khổng lồ của Mỹ, nhưng ở Ấn Độ liệu đây có phải là một câu chuyện khác, với một cái kết khác, nơi mà văn hóa, luật lệ và con người đều chứa đựng nhiều điểm khác biệt cơ bản?