Vaccine dựa trên ý tưởng về khả năng miễn dịch cộng đồng, một loại pháo đài sinh học trong đó phần lớn dân số được bảo vệ chống lại sự lây nhiễm. Ảnh: Time.

 
Minh Duy Chủ Nhật | 04/07/2021 20:43

Vương quốc Anh: "phòng thí nghiệm" chống biến chủng Delta của thế giới

Các loại vaccine hiện tại đã kém hiệu quả hơn đối với biến thể Delta.

Không nơi nào trên toàn cầu cuộc chiến chống COVID-19 được theo dõi sát sao như ở Anh, nơi có tỉ lệ tiêm chủng hàng đầu thế giới.

Theo The Guardian, đây không phải lần đầu tiên Vương quốc Anh trở nên nổi bật trong đại dịch. Thông qua sự kết hợp giữa lịch sử, sinh học, toán học và chính trị, quốc gia này đang thử nghiệm xem liệu chương trình tiêm chủng được xem là hiệu quả của họ có thể chống lại đợt bùng phát mới chủ yếu do biến thể Delta gây ra. Phần lớn châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á đều đứng sau Anh trong cuộc đua tiêm chủng và giờ đang bị Delta tấn công.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, biến chủng Delta sẽ trở nên thống trị. Biến thể này chiếm 1/5 số ca nhiễm mới ở Mỹ và dự kiến gây ảnh hưởng lớn hơn trong vài tuần tới. Sau 10 tuần giảm, số ca nhiễm đang tăng trở lại ở châu Âu. Tại Pháp, cố vấn khoa học hàng đầu của chính phủ Jean-François Delfraissy cảnh báo biến chủng có thể gây ra đợt bùng phát thứ tư.

"Vương quốc Anh đang ở một vị thế rất đặc biệt. Chúng tôi chứng kiến đợt bùng phát biến thể Delta lớn nhất ở một quốc gia được tiêm chủng tốt. Nước Anh giống như bản thử nghiệm của thế giới”, Giáo sư dịch tễ học Mark Woolhouse tại Đại học Edinburgh nói.

Rất nhiều quốc gia có thể học hỏi từ những gì diễn ra ở Anh trong vài tháng tới. Một trong số đó là cách biến thể Delta lây lan trong cộng đồng và những ảnh hưởng của các loại vaccine khác nhau, cũng như mức độ tiêm chủng khác nhau đối với số ca nhiễm, nhập viện và tử vong.

Các nhà khoa học đã nhấn mạnh sự cấp thiết của việc tiêm chủng trên toàn thế giới. Ảnh: AP.
Các nhà khoa học đã nhấn mạnh sự cấp thiết của việc tiêm chủng trên toàn thế giới. Ảnh: AP.

Biến thể Delta có khả năng lây lan cao hơn biến thể Alpha khoảng 60% và có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện, theo phân tích của Cơ quan Y tế Công cộng Anh.

"Mọi người chắc chắn sẽ nhìn vào Anh và học hỏi từ kinh nghiệm của chúng tôi", Giáo sư David Salisbury, cựu giám đốc về tiêm chủng của Bộ Y tế Anh, nhận định.

Ông David Salisbury cho biết thêm: "Nếu Anh đạt một tỉ lệ nhất định số người đã tiêm đủ 2 liều vaccine và Pháp ít hơn 1/3, họ có thể suy ra điều đó có ý nghĩa gì đối với họ. Tôi chắc chắn đó là những gì mà quan chức y tế cộng đồng ở nhiều nước sẽ làm khi họ nhìn vào dữ liệu của Anh".

 

Câu hỏi quan trọng nhất hiện tại là liệu vaccine có thể phá vỡ mối liên kết giữa việc nhiễm biến chủng Delta với nguy cơ nhập viện cũng như với nguy cơ tử vong hay không.

Tuy nhiên, thực thế cho thấy vaccine không thể hoàn toàn loại bỏ nguy cơ tử vong và khả năng lây nhiễm. Với một biến thể dễ lây lan như Delta, nó vẫn có cơ hội lây lan rộng và tìm thấy những người chưa được tiêm chủng hoặc không có hàng rào bảo vệ tốt từ vaccine.

Những gì xảy ra ở Anh sẽ giúp các nước xác định chương trình tiêm chủng hiện tại của họ có thể bị đe dọa như thế nào. "Liên kết này không thể phá vỡ hoàn toàn trừ khi bạn xóa sổ virus. Nếu virus vẫn còn, nó vẫn gây ra một số hậu quả", Giáo sư David Salisbury nói.

Điều này đặt ra câu hỏi cần bao nhiêu phần trăm dân số được tiêm chủng để đẩy lùi dịch bệnh và liệu mục tiêu này có thể đạt được hay không. Các ca nhiễm ở Israel ban đầu giảm mạnh nhờ chiến dịch tiêm chủng quyết liệt, nhưng đã tăng trở lại trong hơn 10 ngày qua do sự xuất hiện của Delta. Gần 60% dân số Israel đã tiêm đủ liều vaccine và chương trình tiêm chủng của quốc gia Trung Đông chủ yếu dựa vào vaccine Pfizer.

Trong khi đó, chiến dịch tiêm chủng của Anh đặt cược vào AstraZeneca. Do đó, các quốc gia hiện sử dụng loại vaccine giá rẻ và dễ lưu trữ hơn này sẽ quan tâm đến tình hình ở Anh hơn.

"Việc Anh có tránh được những thiệt hại nghiêm trọng hay không sẽ rất quan trọng đối với những nước đang phụ thuộc vào AstraZeneca", Giáo sư về tiến hóa và dịch tễ học William Hanage ở Harvard nhận định.

85% dân số cần được tiêm vaccine để đẩy lùi biến thể Delta. "Thời điểm này rõ ràng chúng tôi chưa tiêm đủ vaccine cho dân số để ngăn chặn virus lây lan", Giáo sư dịch tễ học Mark Woolhouse nói.

Các quốc gia khác cũng muốn tìm hiểu xem liệu Anh sẽ xử lý vấn đề này thế nào. Tiêm chủng và những người đạt miễn dịch do từng nhiễm bệnh sẽ giúp các nước tiến một bước dài trong cuộc chiến với đại dịch, nhưng vẫn cần nhiều biện pháp khác để có thể kiểm soát COVID-19.

Trong khi đó, nước Đông Nam Á cũng đang dõi theo Anh, cùng với Israel, để xem cách đối phó với biến thể Delta.

Nhiều quốc gia trong số này từng áp dụng cách tiếp cận xóa sổ COVID-19 và có tỉ lệ tiêm chủng thấp. Bây giờ, họ đang chứng kiến các đợt bùng phát do biến chủng Delta gây ra và cần nhanh chóng thúc đẩy tiêm chủng.

"Những gì bạn đang thấy là một thực tế dần dần được nhận ra rằng sẽ không có một thế giới không có COVID-19", Giáo sư danh tự Sian Griffiths tại Đại học Trung văn Hương Cảng – người đứng đầu cuộc điều tra về dịch SARS của Hồng Kông trước đây, cho biết.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tiêm mũi vaccine COVID-19 đầu tiên của Pfizer vào tháng trước. Ảnh: The Guardian.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tiêm mũi vaccine COVID-19 đầu tiên của Pfizer vào tháng trước. Ảnh: The Guardian.

Khi Anh bước vào mùa thu, chương trình tiêm chủng cúm mùa và COVID-19 có thể được bắt đầu. Australia, New Zealand và nhiều nước khác ở nam bán cầu sẽ có thời gian để xem tác động của chương trình này trước khi bắt đầu mùa đông.

Anh cũng có bài học khác dành cho thế giới. Tỉ lệ tiêm chủng cao là điều khiến thế giới ghen tị. "Nhiều quốc gia đang thử nhiều cách khác nhau để khuyến khích mọi người tiêm chủng. Họ có thể tìm hiểu lý do giúp Anh đạt tỉ lệ tiêm chủng cao như hiện tại", bà Sian Griffiths nói.

Có thể bạn quan tâm:

Giải mã sự trái ngược ở hai nước tiêm chủng COVID-19 nhanh nhất thế giới