Bến container tại Peel Ports Liverpool ở Liverpool, Anh. Ảnh: Reuters.
Vương quốc Anh áp dụng thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu vào năm 2027
Trang Reuters đưa tin, Chính phủ Anh thông báo sẽ triển khai đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu vào năm 2027, theo kế hoạch do Bộ Tài chính nước này đề xuất trước đó.
Chính phủ cho biết, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ áp dụng cho các sản phẩm sử dụng nhiều carbon trong lĩnh vực sắt, thép, nhôm, phân bón, hydro, gốm sứ, thủy tinh và xi măng, theo đó mức định giá carbon sẽ tương đương với các sản phẩm được sản xuất ở Anh.
Giá carbon được các chính phủ sử dụng để giúp giảm lượng khí thải bằng cách tính phí ô nhiễm từ carbon nhằm khuyến khích các ngành nghề cắt giảm phát thải khí nhà kính.
Khoản thuế áp dụng sẽ phụ thuộc vào lượng carbon thải ra trong quá trình sản xuất hàng hóa nhập khẩu và khoảng cách giữa giá carbon áp dụng tại quốc gia xuất xứ, nếu có và giá carbon mà các nhà sản xuất ở Anh phải đối mặt.
"Mức thuế này đảm bảo các sản phẩm sử dụng nhiều carbon từ nước ngoài, như thép và gốm sứ, phải đối mặt với mức giá carbon tương đương với các sản phẩm được sản xuất ở Anh, để nỗ lực khử cacbon của chúng tôi giúp giảm lượng khí thải toàn cầu", Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt cho biết.
"Điều này sẽ khuyến khích ngành công nghiệp Vương quốc Anh đầu tư vào quá trình khử cacbon khi thế giới hướng đến mức phát thải ròng bằng 0", ông nói.
Chính phủ Anh cho biết, động thái này sẽ giúp giảm nguy cơ "rò rỉ carbon", tránh khí thải bị dịch chuyển sang các nước khác vì họ có giá carbon thấp hơn hoặc không có carbon. CBAM sẽ hoạt động cùng với Chương trình mua bán khí thải của Vương quốc Anh.
Bộ Tài chính Anh dự kiến trong năm tới sẽ tiến hành tham vấn các kế hoạch áp thuế trên, bao gồm cả khâu thiết kế và giao hàng, cũng như danh sách chính xác các hàng hóa và sản phẩm sẽ được áp dụng.
Vào tháng 9, Liên minh châu Âu đã khởi động giai đoạn đầu tiên của hệ thống áp đặt thuế phát thải CO2 đối với thép, xi măng và các hàng hóa khác nhập khẩu, đầu tiên trên thế giới. Nước này sẽ không bắt đầu thu bất kỳ khoản phí phát thải CO2 nào ở biên giới cho đến năm 2026.
Mức thuế dự kiến đã khiến các đối tác thương mại lo lắng và tại một diễn đàn gần đây, đặc phái viên về khí hậu hàng đầu của Trung Quốc Xie Zhenhua đã kêu gọi các nước không sử dụng các biện pháp đơn phương như thuế của EU.
Có thể bạn quan tâm:
Cơn khát công nhân của các siêu nhà máy Mỹ
Nguồn Reuters