Hà Cúc Chủ Nhật | 29/10/2017 10:24

Vùng Catalonia bị tước quyền tự trị sau khi tuyên bố độc lập

Thủ tướng Tây Ban Nha ra lệnh tiến hành một cuộc bầu cử sớm tại Catalonia vào ngày 21/12 tới nhằm tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Châu Âu: Vừa hết Brexit lại sắp tới Catalexit?


Theo Reuters, ngày 28/10, Chính phủ Tây Ban Nha hoan nghênh Thủ hiến bị phế truất của Catalonia Carles Puigdemont tham gia các cuộc bầu cử địa phương, dự kiến được tổ chức vào tháng 12 tới. Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đồng thời ra lệnh tiến hành một cuộc bầu cử sớm tại Catalonia vào ngày 21/12 tới nhằm tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Trước đó, Madrid giải tán Nghị viện Catalonia, bãi nhiệm chính phủ cấp vùng trong tay lãnh đạo phong trào đòi độc lập Carles Puigdemont, cách chức người đứng đầu 17.000 nhân viên cảnh sát Catalunya, thông báo tổ chức bầu cử cấp vùng tại Catalunya vào ngày 21 tháng 12/2017. Chỉ vài giờ sau khi phe ly khai tại Catalonia đơn phương tuyên bố độc lập, ngày 27/10/2017, thủ tướng Tây Ban Nha thông báo thu hồi quy chế tự trị của vùng đất này. Chính quyền trung ương tại Madrid giành lại quyền kiểm soát từ an ninh, tư pháp đến giáo dục, truyền thông của Catalonia.

"Tôi yêu cầu tất cả mọi người hãy yên tâm và bình tĩnh, vì tôi bảo đảm là Nhà nước pháp quyền sẽ tái lập tính hợp pháp". Thủ tướng Mariano Rajoy tuyên bố như trên vào hôm qua sau cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện Tây Ban Nha. Ông muốn trấn an công luận nhưng đồng thời tỏ thái độ cứng rắn.

Trong hơn 40 năm qua, chưa bao giờ nền dân chủ Tây Ban Nha lại phải đối mặt với tình trạng đầy bất trắc như hiện tại. Không ai biết trước là mặt trận đoàn kết vì một đất nước Tây Ban Nha thống nhất sẽ thành công tới mức độ nào trước phe đòi ly khai hiện đang say men chiến thắng và đang khẳng định là sẽ không bao giờ chấp nhận khuất phục chính quyền trung ương Madrid.

Mặc dù Catalonia đã muốn ly khai trong giai đoạn Tây Ban Nha gặp khó khăn đầu thế kỷ XX, sự ủng hộ dành cho ý tưởng này chỉ trỗi dậy một lần nữa một vài năm trước đây. Các cuộc thăm dò ý kiến hiện nay cho thấy rằng khoảng một nửa dân số Catalonia thích độc lập hơn tình trạng hiện tại, dù hiện nay họ đã được hưởng một mức độ tự trị cao, nắm quyền lực hành chính về các vấn đề giáo dục, y tế, cảnh sát và nhiều vấn đề khác.

Tại Barcelona, phe ly khai đang say sưa với thắng lợi sau tuyên bố độc lập. Giờ đây chính quyền trung ương có thể kiểm soát toàn bộ các hoạt động của Catalunya nhưng trên thực tế, hiếm ai biết một cách cụ thể, mọi việc sẽ diễn ra như thế nào.

Ưu tiên của Madrid là truất phế chủ tịch vùng Catalunya, Carles Puigdmont, giải tán chính phủ cấp vùng trong tay ông này. Nhưng đó là việc không dễ làm. Phe ủng hộ lập trường của Madrid tại Catalunya trong thế thiểu số. Công việc đầu tiên phải làm là Bộ Nội Vụ phải kiểm soát cơ quan an ninh Catalunya với 17.000 nhân viên.

Cuộc khủng hoảng tại Tây Ban Nha bắt đầu khi lãnh đạo xứ Catalonia tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý độc lập, thách thức một phán quyết của Toà án Hiến pháp vốn đã tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp.

Chính phủ Catalonia nói trong số 43% cử tri đã bỏ phiếu, 90% ủng hộ độc lập. Những người khác tẩy chay cuộc bỏ phiếu sau khi phán quyết của tòa án. Nghị viện Catalonia tuyên bố họ "lập ra nước Cộng hòa độc lập có chủ quyền".

Tại Madrid, nhiều người đã treo cờ quốc gia Tây Ban Nha từ cửa sổ và ban công của họ, để thể hiện sự ủng hộ của họ cho việc thống nhất đất nước.

*Hai động lực của làn sóng chủ nghĩa ly khai mới là các tai ương kinh tế của Tây Ban Nha và một quyết định năm 2010 của Tòa án Hiến pháp nhằm bác bỏ một phần trong điều lệ mới của chính phủ tự trị vốn được thông qua tại một cuộc trưng cầu dân ý. Nhiều người Catalonia, những người nói ngôn ngữ riêng của mình cũng như tiếng Tây Ban Nha, tin rằng các khoản tiền thuế của họ đang được dùng để trang trải cho những người miền Nam nghèo khổ, lười biếng sống nhờ vào trợ cấp của chính phủ.

*Trong ba năm qua đã có rất nhiều người biểu tình ly khai ôn hòa xuống đường nhân ngày “quốc khánh” Catalonia vào 11/9 hàng năm.