Nguồn ảnh: fortune

 
Trang Lê Thứ Ba | 08/10/2019 15:43

"Vua bia" Budweiser chật vật chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc

AB InBev là chủ sở hữu các thương hiệu như Budweiser, Beck's và Stella Artois. Họ đang lên kế hoạch đánh chiếm thị phần châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc.

Anheuser-Busch InBev (AB InBev), nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới, đang cố gắng tạo ra một bước tiến mới ở thị trường Trung Quốc và các khu vực châu Á. Tuy nhiên, hãng vẫn gặp nhiều thách thức để có thể giành thêm thị phần từ thương hiệu bia nội địa, vốn rất được người dân ưa chuộng hơn là bia ngoại.

Sau khi niêm yết tại Hồng Kông vào tuần trước, AB InBev cho biết họ sẽ tìm cách mở rộng ở châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và Việt Nam .

Nhưng theo Euromonitor, tại Trung Quốc, AB InBev chỉ ở vị trí thứ ba với 16% thị phần. Trong khi đó tại Đông Nam Á, công ty thậm chí không nằm trong top 10.

Các nhà phân tích cũng cho biết AB InBev đã mua các công ty bia nội địa nhỏ ở châu Á và đó có thể là một trong những chiến lược của hãng, nhằm mở rộng thị phần. Tuy nhiên, các loại bia nội địa vẫn chiếm ưu thế ở châu Á.

Thị trường bia ở Trung Quốc

Trung Quốc là thị trường bia lớn nhất thế giới tính theo doanh số bán. Tuy nhiên, không vì thế mà nó trở thành nơi "ngon ăn" cho các hãng bia nổi tiếng trên thế giới, khi vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt của các hãng bia nội địa.

Giá trị thị trường của các công ty bia ở Trung Quốc.
Giá trị thị trường của các công ty bia ở Trung Quốc. Ảnh: CNBC

Theo Reuters, China Resources Beer chiếm hơn 25% thị phần tại thị trường Trung Quốc. Một trong những loại bia của hãng chính là Snow, loại bia bán chạy nhất thế giới tính theo doanh số.

Theo dữ liệu từ Refinitiv, China Resources Beer là nhà sản xuất bia nội địa lớn nhất theo giá trị thị trường, tiếp đến là nhà máy bia Tsingtao và nhà máy bia Trùng Khánh.

Thị phần của các công ty bia tại châu Á.
Thị phần của các công ty bia tại châu Á. Ảnh: CNBC

Khoảng 1/2 lượng bia tiêu thụ trên toàn cầu là do các hãng AB InBev, Heineken, Carlsberg và Snow của Trung Quốc cung cấp.

Ngoài Budweiser, AB InBev còn sở hữu các loại bia nổi tiếng khác như Stella Artois, Corona và Hoegaarden.

"Miếng bánh" ở Đông Nam Á

"Đông Nam Á có thể là nơi lạc quan hơn, vì đây được xem là động lực chính tăng trưởng cho các hãng bia trên thế giới", theo nhà phân tích Jarred Neubronner, tại Euromonitor cho biết. Các thị trường chính sẽ là Việt Nam và Philippines.

"Vào năm 2018, AB InBev cũng không nằm trong top 10 hãng bia hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á do sự thống trị của các hãng bia nội địa", ông Jarred Neubronner nói. Để phát triển hơn nữa, AB InBev cần tạo ra một bước đột phá ở các nước Đông Nam Á, như Việt Nam và Philippines. Một số hãng bia đã làm như vậy bằng cách mua các thương hiệu nội địa ở một số thị trường đó.

Chẳng hạn, năm 2017, Thai Bev đã mua lại công ty bia lớn nhất của Việt Nam -  Sabeco, trong một thương vụ trị giá 4,8 tỷ USD. Điều  Ngay lập tức đã biến Thai Bev trở thành công ty số một về doanh số tại Đông Nam Á, ông Neubronner nói.

"Nhiều hãng bia hàng đầu ở Đông Nam Á là những nhà sản xuất nội địa, có mạng lưới phân phối và kiến thức về văn hoá địa phương tốt, vì vậy việc mua lại các công ty bia nội địa nên được cân nhắc, nếu AB InBev muốn tăng thị phần trong khu vực này".

Tại Trung Quốc, năm 2018, Heineken đã mua 40% cổ phần của China Resources Beer. Điều này cũng tạo một thách thức đối với vị trí của AB InBev trong thị trường bia cao cấp tại đây.

Tuy nhiên, tăng trưởng trong ngành bia có thể sẽ chững lại. Theo Euromonitor, tiêu thụ bia ở Trung Quốc dự kiến ​​sẽ giảm gần một tỷ lít vào năm 2023, khi người tiêu dùng chuyển sang các loại đồ uống có cồn khác như rượu mạnh.

Nguồn CNBC