Vụ máy bay AirAsia mất tích: Công bố kế hoạch tìm kiếm chi tiết
Chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển đến bạn đọc những thông tin về vụ mất tích máy bay của hãng hàng không AirAsia
Lực lượng tìm kiếm và cứu hộ quốc gia Indonesia đang nỗ lực lần theo dấu vết và tín hiệu của máy bay.
Cơ quan vận tải hàng không Indonesia vừa tổ chức họp báo công bố kế hoạch tìm kiếm chi tiết chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 của hãng hàng không AirAsia, bị mất tích sáng sớm nay sau khi cất 42 phút từ sân bay thành phố Surabaya của Indonesia.
Giới chức Indonesia cho biết, máy bay bị mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu Indonesia sau khi phi công xin phép thay đổi lộ trình bay vì thời tiết xấu.
Quan chức Cơ quan vận tải hàng không Indonesia Djoko Murdjatmodjo xác nhận thông tin trước đó nói rằng, chiếc máy bay đã mất tích tại khu vực giữa thị trấn Tanjung Pandang, tỉnh Bangka Belitung và thị trấn Pontianak, tỉnh West Kalimantan.
Ông Murdjatmodjo cho biết: “Lực lượng tìm kiếm và cứu hộ quốc gia Indonesia đang nỗ lực lần theo dấu vết và tín hiệu của máy bay. Cơ quan vận tải đường biển Indonesia cũng đã cử một tàu tìm kiếm tới khu vực chiếc máy bay mất liên lạc. Trong khi, Cơ quan vận tải hàng không Indonesia cũng cử một máy bay tới vị trí này để tham gia tìm kiếm”.
Chiếc máy bay Airbus 320 số hiệu QZ 8501 của hãng hàng không AirAsia bị mất liên lạc khi đang thực hiện lộ trình từ thành phố Surabaya đến Singapore, chở theo 162 người gồm 155 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn. Trong đó, phần lớn là người Indonesia và có cả công dân của Hàn Quốc, Malaysia, Singapore và Pháp.
Hiện các lực lượng của Singapore, Malaysia và Australia đã đề nghị tham gia cuộc tìm kiếm chiếc máy bay này. Theo thông tin của trang arifeets.net, chiếc máy bay mất tích đã hoạt động trong 6 năm qua.
20.40: Đức Giáo hoàng Francis cầu nguyện cho hành khách chuyến bay
Đức giáo hoàng nói rằng, những suy nghĩ và những lời cầu nguyện của ông đang hướng về những hành khách của chuyến bay QZ8501, cũng như 478 hành khách của chiếc phà Hy Lạp cháy ngoài khơi bờ biển Corfu.
"Tôi gửi lời cầu nguyện và tình yêu cho người thân và cho những người đang đau khổ trong những tình huống khó khăn, cũng như những người đang làm hết sức mình cho các hoạt động cứu hộ," Giáo hoàng cho biết từ Vatican.
Trong khi đó, trang web của hãng hàng không AirAsia đã thay đổi màu sắc logo của mình từ màu đỏ sang màu xám. Hãng này cũng đã thiết lập "đường dây nóng" nhằm thông tin về chiếc máy bay mất tích.
19.49: Thêm một máy bay của AirAsia gặp sự cố
Máy bay mang số hiệu AK6242 của hãng hàng không AirAsia từ Pennang đi Langkawi đã không thể hoàn tất lộ trình.
Trong khi Indonesia và các nước đang tập trung nỗ lực để tìm kiếm chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 của hãng hàng không AirAsia, bị mất tích đã hơn 10 giờ đồng hồ qua, thì một máy bay khác của hãng này tại Malaysia đã phải quay trở điểm xuất phát vì lý do kỹ thuật.
Theo tờ New Straits Times của Malaysia, máy bay mang số hiệu AK6242 của hãng hàng không AirAsia từ Pennang đi Langkawi đã không thể hoàn tất lộ trình và phải quay trở lại. Tuy nhiên, tờ báo không nêu thêm thông tin chi tiết nào về vụ việc này.
Trước đó, sáng sớm nay, chiếc máy bay số hiệu QZ8501 của hãng hàng không AirAsia bị mất liên lạc khi đang thực hiện lộ trình từ thành phố Surabaya của Indonesia đến Singapore, chở theo 162 người gồm 155 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn.
18.44: Hãng tin AFP dẫn lời quan chức Bộ Giao thông vận tải Indonesia, Hadi Mustofa cho biết "Chúng tôi tạm thời kết thúc việc tìm kiếm vì trời tối và thời tiết cũng không được tốt lắm, có rất nhiều mây". "Ngày mai chúng ta sẽ bắt đầu lúc 7 giờ sáng, hoặc thậm chí sớm hơn nếu thời tiết tốt," ông nói thêm.
18.35: Hãng hàng không AirAsia vừa có một sự điều chỉnh trên trang Facebook về quốc tịch của hành khách và thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay QZ8501 mất tích, theo đó:
Quốc tịch của hành khách:
1 Singapore
1 Malaysia
3 người Hàn Quốc
1 người Anh
149 người Indonesia
Quốc tịch của phi hành đoàn:
1 Pháp
6 người Indonesia
18.30: Bộ trưởng Giao thông Malaysia Liow Tiong Lai cho biết: “Malaysia đã điều 3 tàu thủy và 3 máy bay để hỗ trợ chiến dịch tìm kiếm QZ8501 do Indonesia điều phối.
18.24: Tony Fernandes, người sáng lập và là CEO của AirAsia chia sẻ trên Twiter của mình: “Tôi rất cảm động vì những lời động viên của mọi người, nhất là từ các đồng nghiệp của tôi. Đây thực sự là cơn ác mộng lớn nhất đời tôi và nó vẫn chưa dừng lại”.
“Tôi muốn nhắn gửi các nhân viên của mình tại Airsia rằng, các bạn là những ngôi sao, hãy mạnh mẽ lên, hãy cố hết sức của mình, hãy cầu nguyện và làm mọi điều tốt đẹp nhất cho hành khách của chúng ta. Tôi hy vọng sớm gặp lại các bạn”.
18.09: Trong số những người mất tích có một bé gái 2 tuổi người Singapore. Cô bé đi cùng cha mình đến Surabaya, một người Anh trong khi mẹ cô lại quay trở lại Singapore để đón em gái sinh đôi của cô.
18.05: Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho biết, chiếc máy bay C-130 của nước này sẽ đến khu vực tìm kiếm máy bay QZ8501 trong vài giờ nữa.
17.55: PV Anna Jones của BBC cho biết, thời tiết trên biển Java đang rất xấu. Trời bắt đầu tối và mưa rất to khiến việc tìm kiếm các vật thể là cực kỳ khó khăn.
17.52: Malaysia cũng đã điều một máy bay C-130 tham gia công tác tìm kiếm máy bay QZ8501 bị mất tích.
17.50: Một hành khách người Malaysia có mặt trên máy bay được xác nhận danh tính là ông Sii Chung Huei, một doanh nhân ở Kuching nhưng hiện đang làm việc tại Jakarta.
17.47: Thủ tướng Australia Tony Abbot đã đề nghị đưa một máy bay do thám P3 Orion của nước này tham gia tìm kiếm máy bay mất tích.
Thân nhân hành khách tại khu vực chờ của sân bay Changi (Ảnh: BBC)
17.45: Tập đoàn Hàng không Changi xác nhận rằng có 47 thân nhân của 57 hành khách trên máy bay QZ5801 đã đăng ký tại khu vực dành cho thân nhân tại nhà ga số 2 sân bay Changi.
Những người này sẽ được 36 nhân viên của tập đoàn và 4 nhân viên tư vấn từ Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội Singapore hỗ trợ.
Ngoài ra, Tập đoàn Hàng không Changi cũng đã sắp xếp nơi ăn nghỉ và vé quay trở lại Indonesia cho các thân nhân.
17h12: Trong khi máy bay mang số hiệu QZ8501 còn đang mất tích thì một chiếc máy bay khác của hãng AirAsia bay từ Penang đến Langkawi đã buộc phải quay lại sân bay vì sự cố kỹ thuật.
17h08: Hiện giờ đã là 18h08 (giờ địa phương), như vậy là chỉ còn một giờ nữa thì trời sẽ tối trên khu vực tìm kiếm máy bay QZ8501 bị mất tích.
17h07: Hải quân Indonesia cho biết họ vẫn chưa tìm thấy mảnh vỡ nào được cho là của máy bay mang số hiệu QZ5801. Điều kiện thời tiết xấu đã khiến tầm nhìn trong khu vực tìm kiếm giảm còn từ 5-10km.
17h05: Phóng viên Charles Scanlon của BBC cho biết: Chiếc máy bay bị mất tích nằm trong tuyến đường bay được giám sát nghiêm ngặt trên biển Java, nằm cách Singapore và Jakarta khoảng 1 giờ bay.
Các tàu và máy bay tham gia tìm kiếm sẽ bắt đầu từ điểm cuối cùng máy bay biến mất khỏi radar và các chuyên gia cho rằng việc tìm kiếm máy bay là khá dễ dàng.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm tại khu vực này sẽ làm nhức nhối hơn nữa vụ máy bay MH370 bị mất tích xung quanh khu vực nói trên.
16h50: Tờ Jakarta Post đưa thông tin một quan chức của Cơ quan tìm kiếm cứu nạn quốc gia Indonesia cho biết: “Máy bay QZ8501 bay từ Surabaya đến Singapore được cho là bị rơi tại tọa độ 03.22.46 độ vĩ Bắc và 108.50.07 độ kinh Đông tại vùng biển cách Belitung 80-100 hải lý”.
16h44: Không quân Indonesia đã điều hai máy bay đến tìm kiếm tại khu vực biển Java, phía Tây Nam của Pangkalan Bun, thuộc tỉnh Kalimantan.
Người phát ngôn không quân nước này Hadi Cahyanto tuyên bố: “Trời tại khu vực máy bay mất tích có nhiều mây. Chúng tôi đang trên đường đến đó nên sẽ không đưa ra bất kỳ phỏng đoán gì về những gì đã xảy ra với chiếc máy bay này”.
16h38: Bộ trưởng Giao thông Malaysia Liow Tiong Lai bác bỏ những thông tin cho rằng đã tìm ra máy bay QZ8501.
Cảnh sát cũng cho biết, không có dấu hiệu gì cho thấy vụ máy bay bị mất tích có liên quan đến hoạt động khủng bố.
16h05: Cho đến nay, các radar tìm kiếm cứu nạn của Indonesia không hề bắt được tín hiệu cầu cứu nào phát đi từ máy bay.
Thông thường, bộ phát tín hiệu bên trong máy bay sẽ hoạt động nếu máy bay bị một vật thể nào đó đâm vào hoặc bị rơi xuống nước.
Chính vì vậy, các quan chức Indonesia nhận định hoặc bộ phát tín hiệu bị hỏng hoặc máy bay đã hạ cánh an toàn ở đâu đó.
15h55: Tổng cục Hàng không Dân dụng Singapore cho biết, Indonesia đã chấp thuận đề nghị hỗ trợ tìm kiếm và cứu nạn của Singapore trong vụ máy bay mang số hiệu QZ8501 bị mất tích.
15h50: Phó Thủ tướng Singapore, Teo Chee Hean đã gặp mặt thân nhân những hành khách trên máy bay QZ8501 đang chờ đợi thông tin tại nhà ga số 2, sân bay Changi.
15h44: Giám đốc cơ quan hàng không Indonesia Joko Muryo Atmodjo cho biết, trên máy bay chỉ có 6 thành viên phi hành đoàn chứ không phải 7 như thông tin ban đầu. Như vậy trên máy bay chỉ có 161 người chứ không phải là 162 người.
15h40: Giới chức sân bay Changi cho biết họ sẽ không tổ chức họp báo vụ máy bay mang số hiệu QZ8501 tại Singapore mà cuộc họp báo này sẽ diễn ra tại Indonesia. Tuy nhiên, các thân nhân sẽ vẫn chờ tại nhà ga số 2 tại sân bay Changi.
15.38: Giám đốc điều hành của AirAsia, Tony Fernandes đang đến Surabaya để họp bàn cùng lãnh đạo hãng tại Indonesia và cam kết sẽ sớm đưa ra thông tin về vụ việc này.
Trong khi đó, Chính phủ Malaysia đã thành lập một trung tâm điều phối cứu hộ tại Subang và triển khai các phương tiện để giúp đỡ trong việc tìm kiếm và xác định vị trí của chiếc máy bay gặp nạn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Malaysia Liow Tiong Lai cho biết trong một tweet.
15h05: Hãng Malaysia Airlines chia sẻ trên Twitter của mình: “Chúng tôi dành mọi suy nghĩ và những lời cầu nguyện của mình cho thân nhân của những hành khách trên máy bay QZ8501.
15h03: Quân đội Indonesia cho biết, họ đã điều một máy bay do thám Boeing 737 để tìm kiếm chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 của hãng AirAsia.
Người phát ngôn quân đội Indonesia Hadi Tjahjanto tuyên bố: “Chúng tôi đang tập trung tìm kiếm tại khu vực phía Bắc tỉnh Bangka Belitung”.
14h55: Mạng thông tin thời tiết toàn cầu Weather Bug đã công bố thông tin có sét đánh gần tuyến đường bay của máy bay QZ8501 từ lúc 6h-6h20 sáng 28/12 (giờ địa phương).
Trong khi đó hãng AirAsia xác nhận máy bay QZ8501 bay từ Surabaya đến Singapore đã mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu vào lúc 6h17 (giờ địa phương).
14h27: Chặng lượt về của chuyến bay QZ8501 từ Singapore tới Surabaya, số hiệu QZ8502, đã bị chậm tới 8 giờ liền và đang chuẩn bị cất cánh tại nhà ga số 1, sân bay Changi (Singapore).
14h22: Bộ Giao thông Vận tải Indonesia đã công bố chi tiết thông tin về hành khách và phi hành đoàn trên máy bay QZ 8501. Theo đó, ngoài 155 hành khách trên máy bay, đã có 23 người không lên máy bay.
Có 23 hành khách không lên chuyến bay QZ8501
14h20: Các quan chức Indonesia cho biết, trước khi mất tích, chuyến bay QZ8501 không hề phát tín hiệu cầu cứu.
13h50: Thủ tướng Malaysia Najib Razak viết trên Twitter của mình: “Tôi rất đau buồn khi nghe tin máy bay Air Asia số hiệu QZ8501 bị mất tích. Tâm trí tôi sẽ luôn nghĩ về thân nhân của các hành khách trên máy bay. Malaysia luôn sẵn sàng giúp đỡ các bạn”.
13h47: Thân nhân hành khách chuyến bay QZ8501 của hãng AirAsia đã đến sân bay Changi cho biết, thời tiết không có gì bất thường khi họ bay từ Surabaya đến đây. “Trời có mây nhưng máy bay không bị chậm giờ cất cánh”, một thân nhân nói.
Trong khi đó, các quan chức của Đại sứ quán Indonesia đã đến nhà ga số 2 sân bay Changi để gặp gỡ và cung cấp thông tin về chuyến bay số hiệu QZ8501 cho các thân nhân hành khách chuyến bay QZ8501.
13h40: Hãng truyền hình Trung Quốc CCTV cho biết, đã có nhiều mảnh vỡ của một chiếc máy bay được tìm thấy tại đảo Belitung tại Indonesia. Tuy nhiên, hãng AirAsia vẫn chưa xác nhận thông tin này.
Địa điểm chiếc máy bay của AirAsia mất liên lạc với kiểm soát không lưu
13.33: Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen chia sẻ trên Facebook của mình rằng ông vừa trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu. Trong cuộc trao đổi, ông cũng bày tỏ rằng, tâm trí của người dân Sinapore luôn hướng vè những hành khách và phi hành đoàn trên máy bay QZ8501 và luôn cầu nguyện cho họ.
Ông Hen cũng đề nghị cung cấp các máy bay và tàu hải quân hỗ trợ việc tìm kiếm và cam kết nếu Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia cần sự giúp đỡ thì quân đội Singapore luôn sẵn sàng.
Bộ trưởng Indonesia cũng bày tỏ lòng cảm ơn đến đề nghị của ông Hen.
Hai chiếc C-130 của không quân Singapore sẵn sàng tham gia tìm kiếm
13.30: Các quan chức Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã được thông báo về vụ mất tích máy bay nói trên và các quan chức Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình vụ mất tích.
13.25: Thân nhân các nạn nhân trên chuyến bay mang số hiệu QZ8501 của hãng hàng không AirAisa đã đến Nhà ga số 2 của Sân bay Changi (Singapore) để chờ thông tin. Một cuộc họp báo liên quan đến vụ tai nạn này cũng sẽ sớm được tổ chức tại đây.
Thân nhân hành khách trên chuyến bay mang số hiệu QZ8501 tại sân bay Changi
13h19: Bộ Quốc phòng Singapore đã điều hai chiếc C-130 sẵn sàng tham gia tìm kiếm và khẳng định, quân đội Singapore sẽ cung cấp thêm các phương tiện cần thiết nếu được yêu cầu.
13.15: Ông Lý Hiển Long cũng cho biết, ông đã gọi điện chia buồn với Tổng thống Indonesia Joko Widodo và mong muốn được hỗ trợ Chính phủ Indonesia. Thủ tướng Lý Hiển Long đã yêu cầu quân đội Singapore đặt hai chiếc C-130 ở trạng thái sẵn sàng tham gia tìm kiếm và các bộ trưởng của Singapore phải theo dõi sát sao vụ này.
13h12: Trên Facebook của mình, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chia sẻ: “Tôi rất đau buồn khi nghe tin máy bay của hãng AirAsia từ Surabaya tới Singapore bị mất tích. Chúng tôi chưa nhận được thông tin cụ thể nhưng sẽ hỗ trợ giới chức Indonesia hết sức mình. Chúng tôi luôn nghĩ về những hành khách trên máy bay và những người thân của họ. –LHL
Dòng chia sẻ trên Fabook của ông Lý Hiển Long
13h08: Giám đốc Cơ quan Hàng không dân dụng Indonesia Joko Muryo Atmodjo cho biết, các nỗ lực tìm kiếm máy bay của hãng AirAsia đang tập trung vào khu vực giữa đảo Belitung và Kalimantan, phía Tây đảo Borneo.
“Chúng tôi đang phối hợp với nhóm tìm kiếm cứu nạn để xác định vị trí cụ thể của máy bay. Chúng tôi tin rằng chiếc máy bay này chỉ nằm trong khu vực đó”, ông Atmodjo nói.
13.05: Hãng AirAsia tuyên bố: “Cơ trưởng trên máy bay đã có tổng cộng 6.100 giờ bay và cơ phó có 2.275 giờ bay”.
12h50: Bảng điện tử tại sân bay Changi (Singapore) cho thấy, những người muốn có thông tin về chuyến bay QZ8501 nên đến quầy thông tin của sân bay để được phục vụ.
12.42: Flighradar24, một trang web chuyên theo dõi thông tin về hành trình của các máy bay trên toàn thế giới công bố hình ảnh cho thấy trước khi máy bay của hãng AirAsia bị mất tích đã có một số máy bay bay gần đó.
Ảnh trên Twitter của Flightradar24
12.35: Một quan chức Indonesia cho biết, trước khi mất tích, máy bay của hãng AirAsia đã yêu cầu được bay cao hơn để tránh những đám mây. Cụ thể, phi công điều khiển chiếc máy bay này xin nâng độ cao từ 9,7km lên 11,6km.
12.30: AirAisa là hãng hàng không tư nhân lớn nhất châu Á, do tài phiệt Tony Fernandes người Malaysia làm chủ. Ông Fernandes đã tiếp quản hãng từ năm 2001 và nhanh chóng giành được thành công ấn tượng với sức tăng trưởng rất mạnh nhờ mô hình bay giá rẻ cùa mình.
Trong khi hãng đối thủ là Malaysia Airlines đang đối mặt với nguy cơ phá sản sau hai thảm họa máy bay MH370 và MH17 diễn ra trong năm 2014 thì AirAsia tháng 12 này đã công bố hãng đã đặt mua 55 máy bay A330-900neo với tổng giá trị đơn hàng là 15 tỷ USD.
12.27: Theo thông tin mới nhất trên Channel News Asia, chiếc máy bay mất tích chở theo 155 hành khách và phi hành đoàn gồm 138 người lớn, 16 trẻ em và 1 trẻ sơ sinh. Cơ quan hàng không dân dụng Singapore (CAAS) cũng xác nhận có một người Singapore trên máy bay mất tích và cơ quan này đã liên lạc với người thân của hành khách này.
12.10: Kênh truyền hình Metro TV công bố danh sách phi hàng đoàn trên máy bay AirAsia như sau:
Cơ trưởng: Iriyanto
Cơ phó: Remi Emmanuel Plesel
Các tiếp viên:
Wanti Setiawati
Khairunisa Haidar Fauzi
Oscar Desano
Wismoyo Ari Prambudi
Thợ máy: Saiful Rakhmad
Hình nền và hình đại diện của AirAsia trên Facebook đã bị chuyển sang màu xám.
11.55: Trang Yahoo News dẫn nguồn tin từ các phương tiện truyền thông Indonesia đưa tin, trong số những hành khác có mặt trên máy bay có 130 người lớn, 24 trẻ em và một trẻ sơ sinh.
Các phương tiện truyền thông Indonesia cũng cho biết, có 149 người Indonesia, 3 người Hàn Quốc và 1 người Singapore, 1 người Anh và 1 người Malaysia có mặt trên máy.
Cũng theo trang này, lực lượng không quân và hải quân Singapore đã đề nghị giúp đỡ nhà chức trách Indonesia, theo đó 2 chiếc máy bay quân sự C130s đã ở trong trạng thái sẵn sàng.
11.46: BBC dẫn lời ông Hadi Mustofa, quan chức Bộ Giao thông vận tải Indonesia cho biết, chiếc máy bay này đã xin bay theo một đường bay bất thường trước khi mất liên lạc.
11.38: Theo thông tin mới được đăng tải trên Channel News Asia, hãng hàng không Air Asia đã khẳng định trong một tuyên bố rằng, chuyến bay QZ8501 từ Surabaya đến Singapore mất liên lạc với kiểm soát không lưu tại thời điểm 7:24 (theo giờ địa phương) sáng Chủ nhật.
Hãng hàng không AirAsia cho biết, hoạt động tìm kiếm và cứu hộ được tiến hành để tìm kiếm chiếc máy bay này.
"Tại thời điểm hiện tại, rất tiếc chúng tôi không có thêm thông tin gì về tình trạng của các hành khách và thành viên phi hành đoàn trên chiếc máy bay này, tuy nhiên chúng tôi sẽ lập tức thông báo với tất cả các bên khi có thêm thông tin", hãng hàng không này cho biết.
Hãng hàng không này cũng cho biết, chiếc máy bay bị mất tích là một máy bay Airbus A320-200.
Hãng cũng vừa thiết lập trung tâm tổng đài khẩn cấp, dành cho các gia đình hoặc bạn bè của những người có thể đã ở trên máy bay, với số điện thoại là: +622129850801. AirAsia tuyên bố thông tin cập nhật sẽ được đăng trên trang web của hãng.
Thông báo của Cơ quan hàng không dân dụng Singapore về việc máy bay mất tích
11.15: BBC dẫn nguồn tin từ hãng hàng không cho biết, một chiếc máy bay thương mại của hãng hàng không AirAsia đang trên đường từ thành phố Surabaya của Indonesia đến Singapore đã mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu.
Các phương tiện truyền thông Indonesia cho biết, chiếc máy bay này mất tích khi đang chở theo 162 người.
Theo nội dung Tweet của AirAsia, chiếc máy bay mang số hiêu QZ 8501 cất cánh từ Surabaya lúc 5h20 hôm nay (theo giờ địa phương) và dự kiến hạ cánh vào lúc 8h30 tại sân bay Changi, Singapore. Nó đã mất liên lạc với kiểm soát không lưu vào khoảng 7:00 (giờ địa phương).
Thông tin mới từ hãng hàng không AirAsia cho biết, các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ đã được khởi động để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích này.
Trong khi đó, một quan chức của Bộ Giao thông vận tải Indonesia có tên là Hadi Mustofa nói với truyền thông địa phương rằng, chiếc máy bay mất liên lạc với kiểm soát không lưu khi đang ở trên biển Java, nằm giữa Surabaya và Singapore./.
Nguồn VOV