Máy bay của Malaysia Airlines nhìn từ một phòng trưng bày tại Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur. Ảnh: EPA.
Vụ mất tích máy bay bí ẩn nhất thế giới
Ở đâu đó trong đại dương rộng lớn của trái đất, chiếc máy bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích vào ngày 8/3/2014 với 239 người trên máy bay vẫn luôn là điều bí ẩn.
Các nhà chức trách đã ngừng tìm kiếm vào năm 2017, nhưng mọi người trên khắp thế giới vẫn đang tiếp tục cuộc săn lùng tung tích của chiếc máy bay bất hạnh.
MH370 đang ở đâu? câu hỏi suốt 7 năm rưỡi qua vẫn chưa có câu trả lời, bất chấp hàng loạt cuộc tìm kiếm, với sự tham gia của nhiều nước và các công ty tư nhân sở hữu các thiết bị hiện đại nhất.
Theo The Guardian, vụ mất tích của chuyến bay số hiệu 370 của Malaysia Airlines xảy ra vào ngày 8/3/2014 trong hành trình từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. Sau sự biến mất của chiếc Boeing 777 với 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn, các cuộc tìm kiếm đã được thực hiện, trải dài từ Ấn Độ Dương phía tây Australia đến Trung Á.
Vị trí chấm đỏ được tin là nơi MH370 rơi xuống. Ảnh: Google Maps. |
Vụ mất tích khó hiểu đến nỗi nó đã trở thành một trong những vụ mất tích bí ẩn nhất trong lịch sử ngành hàng không thế giới.
Biến mất và tìm kiếm
Máy bay 370 cất cánh lúc 12 giờ 41 phút sáng ngày 8/3/2014 theo giờ địa phương và đạt độ cao bay 10.700 m lúc 1 giờ 1 phút sáng. Hệ thống thông tin và báo cáo trên máy bay (ACARS) đã gửi lần truyền cuối cùng vào lúc 1 giờ 7 phút sáng và sau đó bị tắt.
Cuộc liên lạc bằng giọng nói cuối cùng từ phi hành đoàn xảy ra lúc 1 giờ 19 phút sáng và lúc 1 giờ 21 phút sáng bộ phát đáp của máy bay dùng để liên lạc với kiểm soát không lưu bị tắt.
Lúc 2 giờ 22 phút sáng, radar quân sự của Malaysia mất liên lạc với máy bay trên biển Andaman. Một vệ tinh Inmarsat trên quỹ đạo địa tĩnh trên Ấn Độ Dương đã nhận được tín hiệu hàng giờ từ chuyến bay 370 và phát hiện lần cuối tung tích của máy bay vào lúc 8 giờ 11 phút sáng.
Các cuộc tìm kiếm chiếc máy bay ban đầu tập trung ở Biển Đông. Sau khi xác định MH370 đã chuyển hướng về phía Tây ngay sau khi bộ phát đáp bị tắt, các nỗ lực tìm kiếm đã chuyển hướng đến eo biển Malacca và biển Andaman.
Vào ngày 15/3, một tuần sau khi máy bay biến mất, liên lạc của Inmarsat được tiết lộ. Phân tích tín hiệu không thể xác định vị trí chính xác của chiếc máy bay nhưng đã xác định rằng chiếc máy bay có thể đã ở bất kỳ đâu trên hai vòng cung, một kéo dài từ Java xuống phía Nam đến Ấn Độ Dương, Tây Nam của Australia; và một kéo dài về phía Bắc qua châu Á từ Việt Nam đến Turkmenistan. Khu vực tìm kiếm sau đó được mở rộng đến Ấn Độ Dương về phía Tây Nam của Australia trên vòng cung phía Nam và Đông Nam Á, phía tây Trung Quốc, tiểu lục địa Ấn Độ và Trung Á trên vòng cung phía Bắc.
Vào ngày 24/3, Thủ tướng Malaysia khi đó là ông Najib Razak thông báo rằng, dựa trên phân tích các tín hiệu cuối cùng, Inmarsat và Chi nhánh Điều tra Tai nạn Hàng không Vương quốc Anh (AAIB) kết luận rằng máy bay đã bị rơi ở một vị trí xa trên Ấn Độ Dương, khoảng 2.500 km về phía Tây Nam của Australia. Do đó, khả năng có người sống sót hầu như không có.
Các cuộc tìm kiếm quy mô đã được tiến hành trên các khu vực rộng lớn ở Ấn Độ nhưng cho tới nay vẫn chưa có kết quả. Ảnh: CBC. |
Mảnh vỡ đầu tiên được tìm thấy vào ngày 29/7/2015, khi cánh lái của cánh phải được phát hiện trên một bãi biển thuộc đảo Réunion của Pháp, cách khu vực Ấn Độ Dương khoảng 3.700 km về phía Tây, nơi các cơ quan chức năng của Australia đang tìm kiếm. Trong một năm rưỡi tiếp theo, 26 mảnh vỡ khác cũng được tìm thấy trên bờ biển Tanzania, Mozambique, Nam Phi, Madagascar và Mauritius.
3 trong số 27 mảnh được xác định thuộc máy bay MH370 và 17 mảnh được cho là có khả năng đến từ chiếc máy bay này. Hai mảnh vỡ từ bên trong cabin cho thấy rằng máy bay bị vỡ. Tuy nhiên, nguyên nhân máy bay bị vỡ trên không hay do va chạm với đại dương vẫn chưa thể xác định được.
Nghiên cứu về cánh lái trên cánh phải được tìm thấy ở Réunion và một mảnh cánh bên phải tìm thấy ở Tanzania cho thấy máy bay chưa trải qua quá trình hạ cánh có kiểm soát, nghĩa là máy bay không được hướng dẫn hạ cánh trên mặt nước. Các vị trí mảnh vỡ được sử dụng để thu hẹp khu vực tìm kiếm ở Ấn Độ Dương, vì một số địa điểm có thể xảy ra va chạm sẽ khó có thể tạo ra các mảnh vỡ trôi dạt đến châu Phi.
Một mảnh vỡ máy bay được tin là của MH370 được tìm thấy ở đảo Réunion của Pháp vào năm 2015. Ảnh: EPA. |
Chính phủ Malaysia, Australia và Trung Quốc đã ngừng tìm kiếm chuyến bay MH 370 vào tháng 1/2017. Công ty Ocean Infinity của Mỹ được sự cho phép của chính phủ Malaysia đã tiếp tục cuộc tìm kiếm cho đến tháng 5/2017 khi Bộ Giao thông vận tải Malaysia thông báo sẽ ngừng các cuộc tìm kiếm.
Đến tháng 7/2018, chính phủ Malaysia đưa ra báo cáo cuối cùng về vụ mất tích của MH370. Sự cố cơ học được coi là cực kỳ khó xảy ra và "sự thay đổi đường bay có thể là do các thao tác nhập thủ công". Tuy nhiên, các nhà điều tra vẫn không thể xác định tại sao MH370 lại biến mất.
Nhiều câu hỏi chưa có lời giải
Trong những tuần sau khi máy bay MH370 mất tích, rất nhiều giả thuyết được đặt ra, từ lỗi máy móc đến việc phi công tự sát. Việc mất tín hiệu ACARS và bộ phát đáp làm dấy lên khả năng chiếc máy bị không tặc, nhưng không có cá nhân hoặc nhóm nào nhận trách nhiệm và không có khả năng không tặc đã bay máy bay đến nam Ấn Độ Dương.
Việc các tín hiệu có thể bị tắt từ bên trong máy bay được cho là một trong các phi hành đoàn muốn tự sát - một khả năng mà nhà chức trách Malaysia vẫn chưa loại trừ - nhưng không tìm thấy điều gì đáng ngờ trong hành vi của cơ trưởng hoặc nhân viên cabin trước chuyến bay.
Sau khi phát hiện ra mảnh vỡ, một số suy đoán rằng máy bay 370 đã bị bắn hạ, nhưng không có bằng chứng nào về mảnh đạn từ tên lửa hoặc các loại đạn khác.hóng to ảnh
Các thành viên trong gia đình của những hành khách xấu số tại một sự kiện tưởng nhớ chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích ở Kuala Lumpur, Malaysia, vào năm 2019. Ảnh: Reuters. |
Hơn 7 năm sau khi biến mất bí ẩn, số phận chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines vẫn là một bí mật. Vụ mất tích đã đặt ra nhiều câu hỏi về điều gì thực sự đã xảy ra với chiếc máy bay xấu số này và khiến người thân của các hành khách phải tiếp tục chờ đợi trong vô vọng.
Các cuộc tìm kiếm sẽ vẫn tiếp tục
Các nhà chức trách đã dừng cuộc tìm kiếm máy bay MH370 vào năm 2017, nhưng một số người trên khắp thế giới vẫn tiếp tục việc này vì tin rằng một ngày nào đó chiếc máy bay sẽ được tìm thấy.
"Điều gần như không thể tưởng tượng được và không thể chấp nhận được về mặt xã hội trong thời hàng không hiện đại là một chiếc máy bay thương mại cỡ lớn bị mất tích và thế giới không biết chắc chắn điều gì đã xảy ra với nó và những người trên đó", cựu giám đốc chương trình vì nỗ lực quốc tế Per Foley thuộc Các Cục An toàn Giao thông Vận tải Australia (ATSB) nói.
Chuyên gia về xác tàu đắm Ian MacLeod tin rằng MH370 cuối cùng sẽ được tìm thấy, vấn đề chỉ là thời gian. Ảnh: Guardian. |
Chuyên gia hàng không Mohd Harridon Mohamed Suffian cho biết, đến nay vẫn chưa có bằng chứng mới nào về định mệnh chiếc máy bay MH370.
Dù vậy, một phi công giám định bay thuộc Đại học Kuala Lumpur cho biết, trong một vài trường hợp, mảnh vỡ của các vụ tai nạn máy bay đã được tìm thấy sau một vài năm biến mất, đồng thời khẳng định rằng việc tiếp tục tìm kiếm MH370 là điều cần thiết.
Chuyên gia tìm kiếm xác tàu Blaine Gibson vẫn đang tìm kiếm câu trả lời về MH370. Ảnh: EPA. |
Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông Malaysia Datuk Seri Dr Wee Ka Siong hồi tháng 3 năm nay cho biết nước này sẽ nỗ lực hết sức hợp tác với Trung Quốc và Australia để tìm kiếm MH370.
Ông Wee cho rằng thảm kịch MH370 không bao giờ có thể lãng quên: "Với nhiều người, thời gian 7 năm trôi qua vẫn không thể làm nguôi ngoai nỗi đau của họ về thảm kịch này".
Có thể bạn quan tâm:
Bùng nổ nhu cầu sắm siêu du thuyền, máy bay riêng của giới siêu giàu