Thứ Hai | 07/04/2014 06:53

Vụ Crimea: “Nga trả giá đắt về kinh tế cho quyết định chính trị”

Nga đã bắt đầu tính toán chi phí của việc sáp nhập Crimea từ Ukraine, trong bối cảnh các nước phương Tây đang chuẩn bị cho một vòng trừng phạt thứ hai.
Moskva, đã bị loại ra khỏi nhóm G8, đang chuẩn bị cho tình trạng bị cô lập một phần trong những năm tới khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần này nói Nga sẽ tự xây dựng hệ thống thẻ tín dụng riêng.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây hiện mới bao gồm không cấp thị thực và phong tỏa tài sản của một số quan chức Nga cấp cao, nhưng các lệnh cấm vận có thể sẽ được mở rộng để gây thêm thiệt hại, trong bối cảnh thị trường chứng khoán Nga đã giảm 6% vào tháng Ba.

Ảnh hưởng ngay lập tức đã xảy ra với dòng tư bản chảy ra khỏi Nga, mà theo các nhà kinh tế đã ở mức 60-70 tỷ USD trong quý 1, nhiều hơn so với cả năm 2013 cộng lại.

Bộ trưởng kinh tế Nga Alexei Ulyukayev tuần trước trở thành quan chức Nga đầu tiên thừa nhận việc can thiệp vào Crimea có thể ảnh hưởng xấu tới GDP của Nga. Ông nói kinh tế Nga có thể chỉ tăng trưởng 0,6% trong năm 2014 nếu dòng vốn ra ở mức khoảng 100 tỷ USD trong năm nay, một con số mà các nhà kinh tế nói là rất lạc quan dựa trên các khuynh hướng hiện giờ.

Theo AFP, kinh tế Nga sẽ suy giảm 1,8% nếu dòng vốn ra ở mức 150 tỷ USD, đồng nghĩa với suy giảm 8% trong tổng mức đầu tư, theo một tiên đoán từ Ngân hàng thế giới (WB). “Hiện tranh luận trên thị trường là liệu Nga có thể duy trì mức tăng trưởng dương, hay sẽ rơi vào suy thoái”, Natalya Orlova ở Ngân hàng Alfa bình luận.

Alexei Kudrin, cựu bộ trưởng tài chính Nga đã từ nhiệm vào năm 2011 nhưng vẫn được ông Putin tin tưởng, nói Nga có thể phải trả giá đắt vì một quyết định chính trị.

“Chúng ta đang trả giá hàng trăm tỷ đô-la cho những gì đã diễn ra. Nếu đây là lựa chọn được ủng hộ, chúng ta phải hiểu nó đi cùng với các tổn thất kinh tế”, ông nói với hãng tin RIA Novosti.

Rủi ro càng lớn khi Nga vốn đang vật lộn với tỉ lệ tăng trưởng thấp do không thể tiến hành các cải cách cần thiết với một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nhiên liệu. “Sự tăng trưởng chậm của Nga, trên bình diện chung, là do cấu trúc nền kinh tế”, hãng Standard and Poor’s viết trong một báo cáo về cuộc khủng hoảng tuần này.

Nga có tỉ lệ tăng trưởng cao và ổn định trong những năm đầu khi ông Putin nắm quyền, 8,5% vào năm 2007. Sau đó là cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, khi Nga tăng trưởng chậm chạp và nền kinh tế chỉ tăng trưởng 1,3% trong năm 2013.

Nhật báo kinh doan Vedomosti nói các quan ngại hiện giờ là cuộc khủng hoảng chính trị có thể lan rộng khiến các cải cách kinh tế bị bõ bẵng. “Hiện giờ các cải cách không nhận được nhiều sự chú ý, các chuyên gia bày tỏ sự nghi ngờ, các hãng đánh giá tín nhiệm tín dụng không bày tỏ sự tin cậy và cần những nhà đầu tư khác”, báo cáo của S&P viết.

CEO của Siemens, Joe Kaeser (giữa) cùng chủ tịch Siemens Nga Dietrich Moeller (phải) và giám đốc quan hệ công chúng của Siemens Stephan Heimbach (trái) trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin tại Moskva tháng 3/2014. (Nguồn: AFP)

Standard and Poor’s và Fitch đều đã hạ tín nhiệm tín dụng của Nga xuống mức tiêu cực, những động thái khiến một số quan chức Nga nói nước này cần các tổ chức đánh giá tín nhiệm tín dụng riêng.

Một vấn đề quan trọng là liệu phương Tây có nới rộng các lệnh trừng phạt thương mại và tài chính hay không. “Khả năng mở rộng lệnh cấm vận là không cao, trừ khi các lực lượng Nga tiến vào những vùng khác của Ukraine”, Chris Weafer của Tổ chức tư vấn Marco tại Moskva, bình luận.

Các nhà kinh tế cảnh báo nếu Nga bị cô lập hoàn toàn khỏi các nền kinh tế phương Tây, thì đó sẽ là một thảm họa với nước Nga. Ông Putin đã rất cẩn thận tránh viễn cảnh đó và có cuộc gặp ngày 26/3 với giám đốc điều hành Siemens, Joe Kaeser, người đã cam kết doanh nghiệp Đức khổng lồ này vẫn sẽ tiếp tục việc đầu tư ở Nga./.

Nguồn Vietnamplus


Sự kiện