Vụ bê bối tốn kém nhất trong lịch sử ngân hàng nước Anh
Trong một thông cáo đưa ra ngày 19/2, FSA cho biết từ tháng 5/2011 đến tháng 3/2012 LBG đã gửi thư đến 582.206 khách hàng liên quan đến vụ bán sai PPI và cam kết bồi thường cho những khách hàng này trong vòng 28 ngày kể từ ngày nhận được quyết định.
Tuy nhiên, đã có 140.209 khách hàng phải chờ hơn một tháng và 8.800 khách hàng khác thậm chí đã phải chờ tới hơn sáu tháng mà vẫn chưa nhận được tiền bồi thường.
Theo FSA, một số khách hàng cũng không nhận được thông báo từ LBG, tập đoàn bao gồm Ngân hàng Lloyds TSB, Ngân hàng Lloyds TSB Scotland và Ngân hàng Scotland, về sự chậm trễ này.
Ngoài ra, việc thanh toán tiền bồi thường cho 25.000 khách hàng khác của LBG cũng không được thực hiện theo đúng quy trình đã cam kết.
LBG chỉ là một trong số hàng loạt "đại gia" ngân hàng ở "xứ sở sương mù", trong đó có Barclays và HSBC, dính líu đến vụ scandal bán sai PPI.
Tuy nhiên, cho đến nay LBG là ngân hàng đầu tiên bị các nhà chức trách nước này phạt vì chậm trễ việc bồi thường cho các khách hàng.
Số tiền mà các ngân hàng Anh dành ra để bồi thường cho khách hàng trong vòng hai năm qua đã vượt qua con số 13 tỷ bảng (hơn tương đương 20,8 tỷ USD). Đây được coi là vụ bê bối tốn kém nhất trong lịch sử ngành ngân hàng ở "đảo quốc sương mù."
PPI là loại bảo hiểm không bắt buộc và khách hàng có quyền hủy cũng như yêu cầu bồi thường nếu bị bán sai. PPI không được phép bán đồng thời với các sản phẩm tín dụng như các khoản vay hoặc thế chấp.
Khách hàng mua PPI sẽ được thanh toán khi bị mất việc, tai nạn hay ốm đau, song sẽ không được hưởng lợi từ loại bảo hiểm này nếu được hưởng trợ cấp của nhà nước hay những người lao động tự do.
Nguồn Vietnam+