"Vòng xoáy tử thần" trong hệ thống tín dụng ngầm Trung Quốc
Sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, chính phủ Trung Quốc đã tung ra một gói kích thích nền kinh tế lên tới 4 nghìn tỷ NDT khiến cho hoạt động tín dụng của các ngân hàng bùng nổ. Lo ngại rằng những hệ quả của việc tăng trưởng quá nóng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, chính phủ đã cố gắng kiềm chế hoạt động của hệ thống ngân hàng thông qua các quy định chặt chẽ hơn về tín dụng.
Từ đó, các ngân hàng Trung Quốc đã chuyển hướng sang việc cho các quỹ tín thác vay lại để giúp họ tuân thủ các điều kiện của Ngân hàng trung ương (PBOC). Vì vậy, về cơ bản quỹ tín thác là một kênh giúp các ngân hàng giảm thiểu rủi ro tín dụng. Và đây cũng là cách mà các ngân hàng sử dụng để làm sạch bảng cân đối kế toán của họ.
Tuy nhiên, điều này đã tạo ra một vòng lặp tuần hoàn trong hệ thống tín dụng, và có nhiều nguy cơ trở thành "vòng xoáy tử thần" đe dọa toàn bộ ngành ngân hàng Trung Quốc.
"Vòng xoáy tử thần" của tín dụng ngầm hoạt động như thế nào?
Bước 1. Các ngân hàng Trung Quốc cung cấp một lượng lớn tín dụng cho chính quyền địa phương để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng.
Bước 2. Bắc Kinh cho rằng những rủi ro của các khoản tín dụng là quá cao trên bảng cân đối kế toán. Theo đó, họ đặt ra những quy định nghiêm ngặt hơn.
Bước 3. Để không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, các ngân hàng Trung Quốc đã bán các khoản cho vay này cho các công ty tín thác (không trực tiếp nhận tiền gửi của các nhà đầu tư). Theo đó các ngân hàng sẽ thu được dòng tiền "F1".
Bước 4. Tiếp đó quỹ tín thác sẽ chào mời các sản phẩm đầu tư (WMP) với mức lợi tức cao cho các nhà đầu tư cá nhân. Luồng vốn đầu tư ngoài ngành này được rót vào lĩnh vực bất động sản vốn đang phát triển mạnh mẽ tại thị trường Trung Quốc, cũng như các ngành sản xuất đang trong tình trạng dư thừa. Điều kiện nhận được các khoản vay này lỏng lẻo hơn nhiều so với ngân hàng, và đi kèm với đó là rủi ro cao hơn. Khi nền kinh tế còn giữ được đà tăng trưởng thì đây là một hình thức kinh doanh rất hấp dẫn. Tuy nhiên khi kinh tế sụt giảm tăng trưởng cũng là lúc làn sóng ngầm tín dụng bộc lộ những yếu kém của nó. Việc người vay không trả được nợ sẽ đẩy các công ty tín thác đến bên bờ vực phá sản.
Bước 5. Việc cung cấp các WMP lợi tức cao cho các nhà đầu tư khiến cho dòng tiền "F2" gián tiếp chảy vào hệ thống ngân hàng, làm cho các báo cáo tài chính của các ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn.
Sóng ngầm xói mòn nền kinh tế Trung Quốc như thế nào?
Hiện tại những khoản vay có bảo lãnh tại Trung Quốc đã không ngừng gia tăng lên mức gần 1.100 tỷ USD. Tổng tài sản được ủy thác quản lý đạt hơn 2.100 tỷ USD.
Một tín hiệu đầy báo động đã được phát đi từ trường hợp của Tập đoàn bảo lãnh đầu tư tài chính tỉnh Hà Bắc, vốn là công ty bảo lãnh các khoản vay lớn nhất của tỉnh này và 100% trực thuộc cơ quan quản lý tài sản của tỉnh. Tập đoàn này đang đứng trên bờ vực phá sản, giữa lúc đang bảo lãnh đến gần 7,8 tỷ USD cho hàng chục quỹ tín thác. Vì vậy, các quỹ này đã đồng loạt viết thư kêu cứu bí thư tỉnh ủy đứng ra giải cứu tập đoàn bảo lãnh.
Một khi tỉnh Hà Bắc không thể xử lý được vụ này, hàng ngàn nhà đầu tư mua WMP chắc chắn sẽ bị đẩy tới bờ vực mất vốn và phá sản. Với vị trí của tỉnh Hà Bắc là nằm bao quanh Bắc Kinh, chắc chắn đây là kịch bản mà chính phủ trung ương không hề mong muốn.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích kinh tế thì bày tỏ quan ngại về việc thực hiện một loạt các kế hoạch giải cứu như vậy trong những năm gần đây. Điều đó đã khuyến khích các ngân hàng cho vay một cách vô trách nhiệm vì họ tin rằng luôn có chính phủ đứng phía sau để bảo lãnh cho họ. Việc có đưa ra một chương trình giải cứu nữa hay không buộc các quan chức Trung Quốc phải cân nhắc hai giải pháp. Thứ nhất là ổn định tình hình tài chính trong ngắn hạn, và thứ hai là áp đặt các quy định nghiêm ngặt đối với các nhà đầu tư để cải thiện hoạt động cho vay trong dài hạn.
Đinh Hạnh
Nguồn FT,