Thậm chí trong suốt giai đoạn căng thẳng Mỹ - Trung, dòng vốn chảy vào Trung Quốc đã tăng rất nhanh.

 
Quốc Ngô Thứ Hai | 21/12/2020 13:30

Vốn lại đổ vào Trung Quốc

Thị trường vốn của Trung Quốc đang đón nhận hàng trăm tỉ USD từ các nhà đầu tư quốc tế.

Mặc cho đại dịch toàn cầu khởi phát từ Trung Quốc, 2020 đã trở thành một năm sôi động của các thị trường vốn nước này khi các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt mua vào hơn 1.000 tỉ nhân dân tệ (hơn 150 tỉ USD) chứng khoán và cổ phiếu Trung Quốc. Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đã tăng khoảng 27% từ đầu năm đến nay (theo giá USD), vượt qua chỉ số S&P 500 hơn 13 điểm phần trăm. Chỉ số công nghệ Thâm Quyến ChiNext đã tăng khoảng 59%, vượt qua cả chỉ số công nghệ Mỹ Nasdaq Composite.

Diễn biến này hoàn toàn trái ngược với tháng 1 năm nay khi cổ phiếu Trung Quốc là cổ phiếu đầu tiên trên thế giới chịu ảnh hưởng từ đại dịch. Các nhà đầu tư cho rằng cơn sốt này sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. “Tôi tham gia thị trường châu Á đã 20 năm... Có thể nói năm nay là một bài học cay đắng cho những ai do dự, xem thường sức nặng của chứng khoán Trung Quốc”, Kenneth Akintewe, đứng đầu nợ chính phủ châu Á tại Aberdeen Standard Investments, nhận xét.

Đáng chú ý, thị trường trái phiếu Trung Quốc đã trở thành một thỏi nam châm khổng lồ thu hút nhà đầu tư trong suốt đại dịch nhờ những cải cách mở cửa hệ thống tài chính của đất nước và những động thái chống dịch dù ban đầu có phần chậm chạp nhưng sau đó rất quyết đoán của chính phủ nước này. Các cuộc phong tỏa trên khắp Trung Quốc đủ mạnh mẽ để vực dậy nền kinh tế và tăng tốc trong nửa cuối năm 2020, trong khi hầu hết các nước trên thế giới vẫn vất vả kiểm soát đại dịch đang lan nhanh.

“Trung Quốc hiện đi khá xa trên con đường phục hồi sau dịch COVID-19. Cách các nhà làm chính sách nước này phản ứng với những thay đổi trong nền kinh tế, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa... Trung Quốc đang vận hành khác với phần còn lại của thế giới”, Paul Colwell, đứng đầu bộ phận cố vấn châu Á thuộc Willis Towers Watson, nhận xét.

 

Nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế quay trở lại thời điểm trước dịch COVID-19 và tiêu dùng nội địa cải thiện, ngân hàng trung ương nước này đã có thể giữ nguyên lãi suất cơ bản trong khi những nước khác buộc phải cắt giảm lãi suất rất mạnh hoặc phải tung ra các chương trình mua lại trái phiếu khổng lồ. Điều này có nghĩa Trung Quốc là điểm đến duy nhất cho các nhà đầu tư đang săn lùng lợi nhuận. Nợ chính phủ Trung Quốc do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ đã tăng hơn 900 tỉ nhân dân tệ trong 11 tháng năm 2020.

Theo Sameer Goel, chiến lược gia vĩ mô tại Deutsche Bank, lượng mua vào trái phiếu của khối ngoại trong năm nay thậm chí còn lớn hơn mong đợi, nhờ đó đã đẩy mạnh đồng nhân dân tệ trong 6 tháng cuối năm 2020. Lượng mua vào trái phiếu Trung Quốc của các nhà đầu tư ngoại sẽ còn tăng mạnh trong năm tới nhờ Trung Quốc được góp mặt vào chỉ số quyền lực World Government Bond Index của FTSE Rusell.

“Các nhà đầu tư quốc tế đang mong muốn đa dạng hóa dòng tiền, thoát khỏi đồng USD và điều đó đang trở thành lực đỡ cho đồng nhân dân tệ”, Julia Ho, đứng đầu bộ phận vĩ mô châu Á tại Schroders. Đồng nhân dân tệ đã trải qua nhiều đợt giảm sâu trong những năm gần đây do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, nhưng nay niềm tin đang gia tăng đối với đồng tiền này, nhờ đó đã giúp xoa dịu sự lo ngại đối với cổ phiếu Trung Quốc, một trong những cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất năm 2020. Dòng tiền chảy vào thị trường cổ phiếu, dù ít hơn nhiều so với trái phiếu, nhưng là dòng tiền dương so với tình trạng rút vốn vào đầu năm nay.

 

Kể từ khi ông Donald Trump thất bại trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11, với mối quan hệ Mỹ - Trung có phần tĩnh lặng hơn, thì khẩu vị "mua sắm" của nhà đầu tư nước ngoài cũng gia tăng. Bằng chứng là lượng mua ròng cổ phiếu Trung Quốc của khối ngoại đã tăng lên tới 26 tỉ USD trong năm nay. Chiến thắng của ông Joe Biden cũng giúp các chỉ số chứng khoán Trung Quốc tăng lên trong tháng 11.

Thậm chí trong suốt giai đoạn căng thẳng Mỹ - Trung, dòng vốn chảy vào Trung Quốc đã tăng rất nhanh, đạt hơn 620 tỉ USD trong nhiệm kỳ 4 năm của Tổng thống Donald Trump. Tương tự, số  lượng thương vụ IPO Trung Quốc tại Mỹ đã tăng nhanh dưới thời của ông Trump hơn cả thời Tổng thống Barack Obama.

Nhưng Trung Quốc hiện đang đối mặt với thái độ thù địch từ cả 2 đảng ở Washington và ông Biden đã tuyên bố sẽ không ngay lập tức dỡ bỏ thuế quan thương mại được áp dưới thời Tổng thống Donald Trump. “Tình thế sẽ vẫn bất lợi”, Thomas Gatley, chuyên gia phân tích tại Gavekal Dragonomics ở Bắc Kinh, nhận xét. Cuộc chạy đua tung ra vaccine COVID-19 trên toàn cầu cũng sẽ làm suy yếu lợi thế là một trong số ít quốc gia xuất khẩu lớn của Trung Quốc.

Nhưng Trung Quốc hiện đang đối mặt với thái độ thù địch từ cả 2 đảng ở Washington và ông Biden đã tuyên bố sẽ không ngay lập tức dỡ bỏ thuế quan thương mại được áp dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Nhưng Trung Quốc hiện đang đối mặt với thái độ thù địch từ cả 2 đảng ở Washington và ông Biden đã tuyên bố sẽ không ngay lập tức dỡ bỏ thuế quan thương mại được áp dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Những đợt vỡ nợ trái phiếu gần đây của các doanh nghiệp nhà nước thiếu vốn cũng đã gióng hồi chuông cảnh báo khi một số nhà đầu tư lo sợ chính quyền Bắc Kinh sẽ quay lại siết chặt tài khóa. Điều này có thể dẫn đến thái độ thận trọng hơn từ phía các nhà đầu tư và việc siết chặt các điều kiện tín dụng sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng, theo đánh giá của Michelle Lam, chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Société Générale. 

Nhưng Hayden Briscoe, đứng đầu bộ phận thu nhập cố định khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc UBS Asset Management, vẫn tin rằng: “Dòng vốn toàn cầu chảy vào Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng tốc. Các cuộc nói chuyện của khách hàng với chúng tôi về Trung Quốc đang sôi nổi hơn bao giờ hết”.