Vốn lại chảy vào thị trường mới nổi
Khi công ty quản lý quỹ lớn nhất thế giới “đổi giọng” thì tất cả mọi người đều chú ý. Đó là điều mà BlackRock, tập đoàn quản lý 4.600 tỉ USD giá trị tài sản, đã làm trong năm nay. Từng ngoảnh mặt đối với các thị trường mới nổi, gần đây BlackRock đã quay sang cổ vũ cho trái phiếu thị trường mới nổi, cho rằng chúng sẽ tạo ra mức sinh lời 2 con số trong năm 2016.
Sergio Trigo Paz, đứng đầu bộ phận quản lý danh mục đầu tư thu nhập cố định thị trường mới nổi, đang nói đến một cuộc “di cư” rầm rộ: đó là xu hướng các nhà đầu tư tổ chức lớn tháo chạy khỏi mức tăng trưởng ì ạch và lãi suất âm của thế giới phát triển sang các nền kinh tế mới nổi, vốn đang có dấu hiệu hồi phục và đem lại mức sinh lời hấp dẫn hơn. “Không chỉ những người chơi chiến thuật, mà còn có các quỹ hưu bổng, quỹ đầu tư quốc gia. Các tổ chức lớn đang chuyển hướng”, ông nói.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế lạc quan hơn ở các thị trường mới nổi là một lý do cho sự chuyển hướng này. Dự báo mới nhất của Quỹ IMF cho thấy GDP ở các thị trường mới nổi sẽ tăng trưởng mỗi năm trong 5 năm tới, trong khi các thị trường phát triển thì trì trệ.
Những tín hiệu lạc quan này là sự đảo ngược so với trước đó. Có thể thấy chứng khoán thị trường mới nổi đã trải qua phần lớn năm 2015 trong đà giảm tự do, mất hơn 1/3 giá trị kể từ mức đỉnh đạt được vào tháng 4 cùng năm, kéo dài đến tháng 1.2016. Tăng trưởng kinh tế ở các nước này cũng là một chuỗi những ngày thất vọng. Theo số liệu của IMF, tăng trưởng GDP tính chung tại các thị trường mới nổi đã giảm mỗi năm kể từ năm 2010, trong khi thế giới phát triển trải qua 3 năm phục hồi sau khủng hoảng.
Nhưng giờ nhiều nền kinh tế mới nổi đã phục hồi sau cơn bạo bệnh. Các nền kinh tế lớn như Nga và Brazil, chẳng hạn, rơi vào suy thoái sâu trong 2 năm qua, giờ đang trên đường quay lại tăng trưởng. “Năm ngoái, tất cả chỉ là một màu ảm đạm, nhưng các thị trường mới nổi nhìn chung dự kiến sẽ đạt được mức tăng trưởng GDP mạnh nhất trong vòng 4 năm”, Peter Kinsella, đứng đầu mảng nghiên cứu thị trường mới nổi ở Commerzbank, nhận xét.
Nhiều nền kinh tế mới nổi đang cho thấy dấu hiệu hồi sinh thực sự như Ba Lan, Cộng hòa Séc ở Đông Âu, Mexico ở Mỹ Latinh và phần lớn các nước châu Á như Việt Nam, Philippines, Ấn Độ, Sri Lanka, Bangladesh, thậm chí Pakistan. Điều này một phần là nhờ chính phủ các nước đã sắp xếp lại tài chính công một cách tốt hơn và một số quốc gia, đặc biệt là Mexico và Ấn Độ, bắt đầu thực hiện các chương trình cải cách đầy tham vọng.
Trong khi đó, phía các nền kinh tế phát triển lại chứng kiến những bất ổn mới, khiến giới đầu tư càng thêm dao động. Không chỉ là sự kiện Brexit (việc Anh rời khỏi EU) đã kéo đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp kỷ lục, mà còn là các cuộc bầu cử ở Mỹ, Pháp và Đức trong vòng 12 tháng tới cũng như các đợt tấn công khủng bố đã khiến cho thế giới phát triển trở thành điểm đến đầu tư ít an toàn hơn. Mặt khác, các chính sách nới lỏng tiền tệ những năm gần đây phần lớn đã thất bại trong việc tạo ra lực đẩy tăng trưởng cho các nước phát triển, ít nhiều làm nản lòng nhà đầu tư.
Sự khởi sắc của các thị trường mới nổi là điều đáng mừng. Tuy nhiên, Ruchir Sharma, đứng đầu bộ phận cổ phiếu thị trường mới nổi và là trưởng chiến lược gia toàn cầu tại Morgan Stanley Investment Management, lại tỏ thái độ thận trọng. Ông cho rằng nhà đầu tư vào các thị trường mới nổi ít quan ngại về việc liệu các nền kinh tế có tăng trưởng nhanh hơn những nước phát triển. Thay vào đó, điều khiến họ hứng thú là liệu khoảng cách trong tăng trưởng GDP giữa hai khối này có gia tăng.
“Thị trường mới nổi đã và đang tăng trưởng nhanh hơn các nước phát triển trong 5 năm qua. Tuy nhiên, các thị trường mới nổi đang sa sút phong độ vì khoảng cách đã thu hẹp. Năm nay khoảng cách này đã ổn định trở lại”, ông nói.
Mặt khác, vẫn còn nhiều dấu hỏi lớn đang treo lơ lửng đối với triển vọng của các thị trường mới nổi liên quan đến chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sắp tới, nợ cao ngất ngưỡng của Trung Quốc và cuộc tìm kiếm chưa có kết quả của các nền kinh tế mới nổi trong việc săn tìm mô hình tăng trưởng bền vững có thể thay thế cho mô hình tăng trưởng dựa trên hàng hóa và tín dụng trước đó.
Chính Sharma cũng bác bỏ ý kiến cho rằng tăng trưởng tại các thị trường mới nổi gần đây báo hiệu sự quay trở lại thời kỳ hoàng kim của thập niên 2000, khi các thị trường mới nổi liên tục vượt mặt các thị trường phát triển với khoảng cách rất lớn và vốn đầu tư nước ngoài thì ồ ạt chảy vào.
Vào năm 2007, đỉnh điểm cơn sốt bùng nổ của các thị trường mới nổi, có tới 60 nền kinh tế trên toàn cầu tăng trưởng hằng năm với tốc độ hơn 7%, theo Sharma. “Ngày nay, con số này đã giảm xuống còn chỉ 8 hoặc 9 nước mà thôi”, ông nói.
IMF dự báo GDP ở các thị trường mới nổi sẽ tăng trưởng mỗi năm trong 5 năm tới. Ảnh: wsj.com |
Trong suốt giai đoạn bùng nổ ấy, Trung Quốc là động cơ tăng trưởng khi “ngốn” hàng xuất khẩu từ các thị trường mới nổi khác, đặc biệt là các nhà sản xuất hàng hóa, nhằm duy trì tốc độ đầu tư và đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ tại nước này. Giờ Trung Quốc đang nỗ lực chuyển hướng sang mô hình dựa vào tiêu dùng, nhưng chưa thấy nhiều kết quả. Theo Sharma, đường tăng trưởng của Trung Quốc tương tự như một quả bóng bàn đang tưng xuống cầu thang. “Cứ mỗi lần tăng trưởng quá chậm, Chính phủ lại bơm tiền kích thích kinh tế, thế là quả bóng tăng trưởng lại nảy lên và rồi lại đi xuống. Mỗi lần phục hồi thì lần sau lại phục hồi chậm hơn. Nhưng ít nhất là quả bóng này đến nay vẫn chưa xì hơi”, ông nói.
Vấn đề là nỗ lực Chính phủ Trung Quốc bỏ ra để nền kinh tế “nảy” lên sau mỗi lần mỗi nhiều hơn. Trước khủng hoảng tài chính toàn cầu, theo Sharma, Trung Quốc cần 1 đồng tín dụng mới tạo được 6 đồng tăng trưởng, nhưng giờ tỉ lệ này là 6:1. “Họ đang nhận ra rằng không thể nào tăng trưởng mà không tăng một lượng nợ lớn. Sự ngọt ngào chết người của vay nợ chính là ở chỗ đó”, ông nói.
Trong cuốn sách của mình tựa đề The Rise and Fall of Nations, Sharma đã nhấn mạnh mối nguy hiểm đằng sau việc nợ tăng quá nhanh tại Trung Quốc. Bằng cách phân tích số liệu về các đợt vay tín dụng ồ ạt nhất ở 150 quốc gia trở lại năm 1960, ông đã nhận thấy những con số quan trọng: đó là thời gian bành trướng nợ kéo dài 5 năm và mức tăng trong tín dụng tư nhân tương đương với hơn 40 điểm phần trăm GDP. Điều này, theo khám phá của ông, đã xảy ra ở 30 trường hợp.
“Trong tất cả các trường hợp, trong 5 năm tiếp theo, nền kinh tế đã giảm sâu”, Sharma nói. Ông nói thêm, Trung Quốc, vốn đang chứng kiến tăng trưởng chững lại, ít có khả năng tránh được kết cục này.
Trong 5 năm kết thúc vào tháng 3.2016, theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), nợ khu vực tư nhân tại Trung Quốc (nợ bởi hộ gia đình và các công ty khu vực phi tài chính) đã tăng thêm 62,1 điểm phần trăm GDP. Nếu Sharma đúng thì tương lai không hề đẹp đẽ gì cho Trung Quốc, cho các thị trường mới nổi khác và cả thế giới.
Nhưng mặc cho những khuyến cáo như vậy, nhà đầu tư vẫn bị hút vào mức sinh lời mà nợ Trung Quốc mang lại. Anthony Chan, chiến lược gia châu Á tại AllianceBernstein ở Hồng Kông, mô tả thị trường trái phiếu chính phủ Trung Quốc “rất hấp dẫn”. Chẳng hạn, trái phiếu 10 năm hiện mang lại mức sinh lời 2,74%, cao hơn nhiều so với mức lãi suất âm ở những nơi khác.
Cho dù nhà đầu tư thận trọng đối với trung Quốc, thì các nhà quản lý quỹ khác cho rằng vẫn còn nhiều câu chuyện tăng trưởng ở châu Á, Đông Âu và Mỹ Latinh. Theo Trigo Paz, thuộc BlackRock, các tổ chức lớn nhận ra rằng họ không còn có thể phớt lờ mức sinh lời tại các thị trường mới nổi, vốn ở mức cao tới 13% từ đầu năm đến nay.
Đàm Hoa
Nguồn FT