Ngô Ngọc Châu Thứ Tư | 23/11/2016 12:30

Vodafone khốn đốn vì Ấn Độ

Việc ghi giảm giá trị tài sản ở Ấn Độ đã khiến Vodafone lỗ 5 tỉ bảng Anh trong 6 tháng đầu năm nay.

Khi Vodafone mua lại cổ phần lớn trong hãng di động Ấn Độ Hutchison Essar cách đây gần 10 năm, ông chủ khi đó của Vodafone, Arun Sarin, đã ca ngợi thương vụ 6 tỉ bảng Anh này như một hành trình khám phá đầy phấn khích. “Chúng tôi sẽ học được nhiều bài học từ Ấn Độ, cũng nhiều như những gì chúng tôi sẽ lấy được từ nước này”, ông Sarin cam kết.

Quả đúng như những gì ông Sarin hứa hẹn, chỉ khác là bài học của hãng viễn thông Anh Vodafone chua chát hơn so với những gì ông tưởng tượng. Cuộc tiến quân vào một trong những thị trường di động tăng trưởng nhanh nhất thế giới đã trở nên quá đắt đỏ và cho đến nay gần như không mang lại đồng lợi nhuận nào cho cổ đông. 

Không chỉ vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt tại đây, Vodafone cũng lao đao vì các chính sách thay đổi thất thường sau khi Chính phủ Ấn Độ mở cửa thị trường di động cho nhà đầu tư nước ngoài vào năm 2006. 

Có thể thấy, mặc dù đạt được tốc độ tăng trưởng đều đặn về số lượng thuê bao và doanh thu nhưng bộ phận Ấn Độ của Vodafone lại không đóng góp được đồng lãi nào cho Tập đoàn, một phần lớn do chi phi đầu tư cơ bản quá nặng nề. Tính đến cuối năm 2015, Vodafone đã lỗ lũy kế 800 triệu bảng Anh kể từ thương vụ mua lại, theo Redburn.

Tuần qua, Vodafone lại thông báo thêm một hung tin: Bộ phận Ấn Độ đã phải ghi giảm giá trị tài sản tới 4,3 tỉ bảng, do tốc độ tăng trưởng chậm lại và cạnh tranh gia tăng, đặc biệt từ sự xuất hiện của Jio. Jio dù là một công ty mới gia nhập thị trường, nhưng lại được hậu thuẫn bởi người giàu nhất Ấn Độ Mukesh Ambani. Công ty này đang cung cấp các dịch vụ viễn thông miễn phí trong 1 tháng để thu hút khách hàng tiềm năng.

Trước đó, vào năm 2010, Vodafone đã phải ghi giảm 2,3 tỉ bảng Anh giá trị tài sản của bộ phận Ấn Độ cũng với các lý do cạnh tranh tương tự. Như vậy, tổng số tiền ghi giảm đã lên tới 6,6 tỉ bảng Anh, bằng 2/3 tổng giá trị thương vụ mua lại ban đầu.

Lần ghi giảm giá trị gần đây nhất đã khiến Tập đoàn lỗ 5 tỉ bảng Anh trong 6 tháng đầu năm nay. Điều đó có thể buộc Vodafone hoãn lại kế hoạch niêm yết bộ phận Ấn Độ trên thị trường chứng khoán nước này, nhiều tháng sau khi đã bơm 7 tỉ USD vốn mới vào bộ phận này để tài trợ cho các thương vụ mua lại phổ tần.

CEO đương nhiệm của Tập đoàn, ông Vittorio Colao, cho rằng Vodafone rồi sẽ nhận được trái ngọt lâu dài từ việc ở lại Ấn Độ. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích lo ngại về tương lai gần hơn ngay trước mắt. “Rủi ro lớn nhất cho Vodafone lại chính là việc đóng đô ở Ấn Độ và môi trường cạnh tranh quá gay gắt ở đây. Sẽ rất khó mà “lội” qua chặng đường chông gai trong những năm tới”, một chuyên gia nhận định.

Đầu tư vào Ấn Độ là một thương vụ tồi về mặt tài chính, nhưng chắc chắn, tình cảnh hôm nay của Vodafone không phải là do quản lý kém. Bộ phận ở Ấn Độ đã gia tăng được thị phần dưới sự lèo lái của ban lãnh đạo Vodafone, từ vị trị thứ 4 lên thứ 2 xét về lượng thuê bao. Tỉ trọng của Vodafone trong tổng doanh thu di động Ấn Độ đã tăng từ 17% năm 2008 lên mức 23% vào năm 2015.

Vodafone khon don vi An Do
Bộ phận Vodafone ở Ấn Độ đã lỗ lũy kế 800 triệu bảng Anh kể từ thương vụ mua lại Hutchison Essar. Ảnh: bloomberg.com

Lý do thực sự là cái giá phải trả quá cao để bước chân vào thị trường Ấn Độ. Được sự khuyến khích từ Chủ tịch Hội đồng Quản trị khi đó, Ngài John Bond - người cho rằng Công ty cần phải tạo chỗ đứng ở các thị trường châu Á, Vodafone đã giành cho bằng được Hutchison Essar khỏi tay các đối thủ khác, trong đó có hãng viễn thông số 2 của Ấn Độ khi ấy là Reliance. Thương vụ ban đầu với Hutchison theo sau các thương vụ khác như trả 3,1 tỉ bảng Anh mua lại số cổ phần nhỏ từ Essar Group. Tất cả đã đưa chi phí bỏ ra lên tới khoảng 9,4 tỉ bảng Anh.

Nhưng hóa ra thời điểm đó không phù hợp chút nào để trả một giá cao cho một công ty khai thác dịch vụ di động Ấn Độ. Mặc dù hầu như không ai nghi ngờ gì về sức hấp dẫn của ngành di động Ấn Độ (khoảng 40% trong số 1,3 tỉ người dân ở đây vẫn chưa kết nối internet và tỉ lệ truy cập trên smartphone và dịch vụ 4G còn ở mức thấp), nhưng mối đe dọa thấy rõ trước mắt đối với Vodafone là cạnh tranh vô cùng khốc liệt.

Không lâu sau thương vụ thâu tóm Hutchison Essar, Chính phủ Ấn Độ đã cấp một loạt giấy phép cho các công ty khác, nâng số người chơi trên thị trường lên tới 12 hãng khai thác viễn thông, nhiều hơn 3-4 hãng so với hầu hết các thị trường mới nổi khác. Một vài trong số này quá nhỏ khó mà trụ vững nếu đứng độc lập nhưng các đối thủ này vẫn tạo áp lực giảm giá mạnh đối với dịch vụ viễn thông. Cuộc “tấn công” 20 tỉ USD của ông Ambani rót vào dịch vụ 4G với sự ra mắt của Jio là động thái mới nhất nhằm phá bĩnh thị trường vốn dĩ đã quá chật chội này. “Đây có lẽ là thị trường cạnh tranh nhất trên thế giới trong lĩnh vực viễn thông”, Chris Lane, chuyên gia phân tích tại Bernstein, nhận xét.

Doanh thu trung bình mỗi người sử dụng vào khoảng 120-180 rupee/tháng, tương đương 1,75-2,50 USD/tháng. Con số này quá thấp so với Trung Quốc, nơi các nhà khai thác dịch vụ di động thu về khoảng 10 USD/tháng. “Các công ty có lẽ cần mức doanh thu trung bình khoảng 200-250 rupee/tháng mới có lời”, Rajan Mathews, Tổng Giám đốc Hiệp hội các nhà khai thác di động Ấn Độ, nhận xét.

Tất cả những điều này đã khiến cho Vodafone khó có thể sinh lời trong khi số vốn đầu tư quá lớn. Ngoài 9,4 tỉ bảng Anh đã bỏ ra trong thương vụ thâu tóm và mức lỗ 800 triệu bảng Anh, Vodafone đã trả xấp xỉ 7 tỉ bảng Anh mua giấy phép, đưa tổng chi phí lên tới khoảng 17 tỉ bảng. Con số này gấp hơn 13 lần EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) của bộ phận Ấn Độ.

Hy vọng duy nhất cho Vodafone là liên kết sáp nhập, theo giới phân tích. Những điều chỉnh chính sách gần đây đã tạo điều kiện dễ dàng hơn cho hoạt động M&A. Trong khi chờ đợi, việc Vodafone tiếp tục ghi giảm giá trị tài sản có thể sẽ rất đau đớn, nhưng không phải là không thu hồi lại được. Chẳng hạn, vào năm 2009, Vodafone đã giảm giá trị tài sản ở Thổ Nhĩ Kỳ tới 250 triệu bảng Anh. Năm sau đó, Vodafone đã ghi nhận lại 200 triệu bảng. Điều đó có thể sẽ xảy ra một ngày nào đó ở Ấn Độ. Nhưng để điều đó xảy ra, các điều kiện thị trường sẽ cần phải thay đổi. Liệu Vodafone có chờ được tới ngày đó.

Ngô Ngọc Châu 

Nguồn FT