Vỡ thỏa thuận ngừng bắn, Syria chìm trong bạo lực
Tổ chức giám sát nhân quyền Syria (SOHR-trụ sở tại Anh) cho biết quân chống đối tấn công nhiều vị trí của quân chính phủ ở các khu vực ngoại ô thủ đô Damascus, chiếm được ba đồn kiểm soát quân sự tại Douma trong khi quân chính phủ thực hiện nhiều cuộc không kích đáp trả.
Theo các nhà hoạt động, một cuộc không kích khác ở tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria, đã làm ít nhất 18 người thiệt mạng. Một vụ đánh bom xe xảy ra tại quận Barzeh, phía Bắc Damascus làm 15 người bị thương và gây thiệt hại nghiêm trọng. Tại quận Sbeineh ở Đông Nam thủ đô, một vụ đánh bom xe khác cũng xảy ra, chưa rõ thương vong.
Mặt trận Aleppo, miền Bắc Syria, tiếp tục vang tiếng súng với các cuộc giao tranh tại một số quận. Ngày 28/10, truyền hình quốc gia Syria bác bỏ thông tin trên kênh truyền hình al-Arabyia (được Ảrập Xêút tài trợ) rằng quân chống đối ở tỉnh Aleppo đã kiểm soát được một trụ sở của tình báo không quân Syria.
Thống kê của SOHR cho biết ngày 28/10, trên khắp lãnh thổ Syria có ít nhất 99 người thiệt mạng trong đó có 35 binh sỹ, 35 tay súng chống đối và 30 dân thường. Tuy nhiên, những con số này chưa được kiểm chứng độc lập.
Quân đội Syria đưa ra cáo buộc mạnh mẽ rằng các "phần tử khủng bố" đã đi quá xa trong những vi phạm trắng trợn thỏa thuận ngừng bắn, vì vậy quân đội có nhiệm vụ phải tấn công những "nhóm khủng bố" này một cách quyết liệt.
Trong bối cảnh thỏa thuận ngừng bắn 4 ngày nhân lễ Eid al-Adha đã sớm đổ vỡ, giới ngoại giao cho biết đặc phái viên quốc tế Brahimi đang tìm kiếm những nỗ lực mới giải quyết cuộc khủng hoảng đã kéo dài 19 tháng qua tại Syria. Dư luận chung cho rằng sáng kiến của đặc phái viên chung Liên Hợp Quốc-Liên đoàn Ảrập (AL) Lakhdar Brahimi đã thất bại "từ trong trứng nước".
Tháng 11 tới, đặc phái viên này sẽ đưa ra Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc những đề xuất mới nhằm thúc đẩy đối thoại giữa tổng thống Syria Bashar al-Assad và phe đối lập. Trong tuần này, ông Brahimi sẽ tiếp tục các hoạt động ngoại giao con thoi, theo đó sẽ tới Nga và Trung Quốc để thảo luận về vấn đề Syria.
Một phái viên tại Hội đồng Bảo an cho biết: "Tiến trình chính trị sẽ không thể bắt đầu cho đến khi tổng thống Assad và phe đối lập đụng độ đến mức không còn lựa chọn nào khác. Hai bên chưa đến mức đó, nhưng đặc phái viên Brahimi đã có một số ý tưởng".
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 27/10 thông báo Mỹ chưa triển khai bất kỳ nhân viên hoặc đơn vị quân đội nào tại nước này liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Syria. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ các thông tin báo chí cho rằng các quân nhân Mỹ đã tới nước này sau khi căng thẳng leo thang dọc theo biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ với Syria.
"Không có bất kỳ nhân viên hay đơn vị quân sự nào (của Mỹ) được triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ ngoài những người đang có mặt tại các căn cứ ở Incirlik, tỉnh Adana và Kurecik, tỉnh Malatya - nơi đặt trạm rađa của NATO), cũng như tại đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Ankara", tuyên bố của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
Những ngày gầy đây, các phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ dẫn những phát biểu của trung tướng Mark Hertling, tư lệnh lục quân Mỹ tại châu Âu, đề cập đến việc phái một nhóm quân nhân Mỹ tới Thổ Nhĩ Kỳ như là một phần của chiến lược phối hợp, chia sẻ thông tin giữa hai nước cùng là thành viên của NATO này.
Sự can thiệp từ bên ngoài là một yếu tố khiến cuộc khủng hoảng tại Syria trở nên phức tạp, khó giải quyết. Trong khi phương Tây và một số quốc gia Ảrập bị cáo buộc hỗ trợ lực lượng chống đối, có thông tin chính quyền của tổng thống Assad được các đồng minh như Iran hỗ trợ.
Ngày 28/10, giới chức Iraq cho biết họ đã chặn và kiểm tra một máy bay Iran đang trên đường đến Syria tuy nhiên không tìm thấy vũ khí. Hàng hóa trên chuyến bay chỉ là đồ cứu trợ như lều bạt... Đây là lần thứ hai Baghdad chặn và kiểm tra các chuyến bay Iran-Syria sau khi Mỹ cảnh báo Iraq không để Iran vận chuyển vũ khí qua đường không tới Syria.
Hồi tháng 9, một báo cáo tình báo của phương Tây nói rằng Iran dùng các máy bay dân sự chuyên chở vũ khí và binh sỹ "hầu như mỗi ngày" qua không phận Iraq tới hỗ trợ cho chính phủ Syria.
Nguồn Vietnam+