Thứ Sáu | 04/10/2013 12:37

Vỡ nợ có thể đẩy Mỹ lâm vào cuộc suy thoái tồi tệ

Mỹ vỡ nợ có thể khiến các thị trường tín dụng bị đóng băng, USD lao dốc, lãi suất tăng vọt, và tác động lan truyền tới toàn cầu.
Trong một nỗ lực nhằm hối thúc các nhà lãnh đạo Quốc hội trước ngày 17/10 phê chuẩn việc tăng trần nợ quốc gia, Bộ Tài chính Mỹ ngày 3/10 công bố nghiên cứu mới nhấn mạnh các ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế vĩ mô trong cuộc chiến trần nợ 16.700 tỷ USD, cho rằng việc Mỹ vỡ nợ có thể đẩy nước này lâm vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái.

Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo khả năng Mỹ vỡ nợ nếu trở thành sự thực sẽ là một "thảm họa," tác động nghiêm trọng lên các thị trường tài chính, việc làm, chi tiêu tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.

Hậu quả là các thị trường tín dụng có nguy cơ bị đóng băng, giá trị đồng USD lao dốc, lãi suất tăng vọt, các hiệu ứng lan tỏa tiêu cực có thể tác động tới toàn cầu và theo đó sẽ "dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế mang âm hưởng của các sự kiện năm 2008 hoặc còn tồi tệ hơn." Bộ Tài chính cũng cho rằng việc đóng cửa chính phủ đang diễn ra có thể gia tăng thêm rủi ro cho nền kinh tế Mỹ.

Ngoài ra, báo cáo cũng đánh giá bế tắc chính về trần nợ lần gần đây nhất vào năm 2011 để đề xuất giải pháp giải quyết cho bế tắc tới đây. Báo cáo khẳng định Chính phủ Mỹ chưa bao giờ thực sự lâm vào tình cảnh vỡ nợ do thất bại trong nâng trần nợ công, tuy nhiên thừa nhận rằng không thể đưa ra bất kỳ dự báo chính xác nào và khả năng thảm họa xảy ra là vẫn có.

Nhận định về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Jack Lew cho biết Bộ của ông gần như đã làm hết khả năng xung quanh vấn đề trần nợ, đồng thời hối thúc chính quyền tăng trần nợ trước ngày 17/10 để đảm bảo chi trả cho tất cả các hóa đơn thanh toán.

Cùng ngày, phát biểu trước thềm Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến diễn ra vào tuần tới tại thủ đô Washington DC, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cảnh báo sự leo thang trong các tranh cãi về ngân sách của Chính phủ Mỹ sẽ gây phương hại đến nền kinh tế toàn cầu, đồng thời hối thúc giới chức nước này nhanh chóng tháo gỡ bất đồng để đi đến một giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công.

Bà Lagarde nhấn mạnh việc nâng trần nợ công của Mỹ trước hạn chót ngày 17/10 là một "nhiệm vụ tối quan trọng" bởi bên cạnh tác động tiêu cực từ việc Chính phủ Mỹ đóng cửa, thất bại trong nâng trần nợ sẽ phá hoại nghiêm trọng không chỉ nền kinh tế Mỹ mà còn toàn bộ nền kinh tế thế giới.

Tổng Giám đốc IMF cũng cho rằng đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ đã bị chậm lại do các cắt giảm ngân sách quá vội vàng. Theo bà Lagarde, mặc dù kinh tế các hộ gia đình tại Mỹ đang khá hơn, thị trường địa ốc có phần sáng sủa hơn và động lực thành phần kinh tế tư nhân đang mạnh trở lại, song tăng trưởng kinh tế trong năm 2013 của Mỹ dự báo sẽ chỉ đạt dưới 2% do có quá nhiều điều chỉnh tài khóa và điều này sẽ làm tốc độ tăng trưởng chậm lại vào năm tới ở mức trên 1%.

Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ và tuyên bố của Tổng Giám đốc IMF Lagarde được đưa ra trong bối cảnh nước Mỹ bước sang ngày thứ tư một phần chính phủ liên bang phải dừng hoạt động do những bất đồng giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ về vấn đề ngân sách.

Liên quan đến vấn đề này, trong bài phát biểu tại khu ngoại ô Washington D.C ngày 3/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi biểu quyết một dự thảo ngân sách nhằm kết thúc tình trạng khó khăn tài chính hiện tại và chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ. Ông chủ Nhà Trắng cũng chỉ trích Chủ tịch Hạ viện John Boehner, cho rằng vị chính khách này có thể tái khởi động chính phủ và đưa hàng trăm nghìn người trở lại làm việc "chỉ trong vòng 5 phút" bằng việc thông qua một ngân sách hoạt động tạm thời mà không cần một điều kiện ràng buộc mang tính thiên vị nào. Tổng thống Obama cũng cảnh báo rằng nếu vỡ nợ, kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái và toàn bộ thế giới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trước đó, ngày 3/10, trong cuộc họp kéo dài một giờ giữa Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo chóp bu của hai đảng tại Quốc hội, hai bên đều không có dấu hiệu nhượng bộ nhằm mở lại một bộ phận công sở liên bang bị đóng cửa từ hôm 1/10, với những tác động nhìn thấy không chỉ trên khắp nước Mỹ mà cả với bên ngoài. Các chuyên gia cảnh báo, việc đóng cửa các công sở liên bang nếu kéo dài một tuần có thể làm giảm 0,2% đến 0,4% tốc độ tăng GDP của Mỹ.

Nguồn Vietnam+


Sự kiện