Ảnh: Bloomberg

 
Vũ Hạo Thứ Năm | 05/03/2020 10:20

Virus corona giáng đòn chí tử vào Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc

Sự bùng phát của virus corona lại dựng nên một rào cản mới, khi các quốc gia thực hiện kiểm dịch hoặc cấm người Trung Quốc.

Đã từ rất lâu, Sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được xem là cách gia tăng sức ảnh hưởng của Trung Quốc ra khắp thế giới.

Giờ thì virus corona đang cho thấy chương trình thương mại và cơ sở hạ tầng này còn có thể “xuất khẩu” rắc rối của Trung Quốc.

* Liệu kinh tế Trung Quốc có thể chống chọi với virus corona?

Sự bùng phát của virus chết người này đang tạo ra sự trì hoãn và gián đoạn đến kế hoạch xây dựng và đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài, đe dọa đến nhiều năm lên kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD để gầy dựng mối quan hệ ngoại giao về kinh tế. Các biện pháp cách ly đang khiến người Trung Quốc không thể ra nước ngoài để xây dựng công trình, đồng thời các công ty nội địa cung ứng cho các dự án nước ngoài cũng đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực. Thậm chí, các quốc gia cũng lo sợ người lao động Trung Quốc sẽ làm lây lan virus corona đến các địa điểm mới.

Kể từ khi virus bùng phát, các dự án bị ảnh hưởng bao gồm dự án đường sắt cao tốc trị giá 5,5 tỷ USD ở Indonesia, dự án đường sắt ở Malaysia, dự án xây dựng ở Sri Lanka và kế hoạch mở rộng doanh nghiệp ở Pakistan.

Tình trạng gián đoạn cũng phơi bày một rắc rối khác từ việc quá phụ thuộc vào Trung Quốc: Không có nguồn cung ứng cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Thậm chí khi số ca nhiễm virus corona đã tăng chậm lại ở Trung Quốc, các quốc gia khác vẫn đề cao cảnh giác khi mà số lượng lây nhiễm tăng vọt ở những nơi như Iran, Italy và Hàn Quốc. Sự bùng phát virus ở những nước bên ngoài Trung Quốc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo: Chỉ cần một nhóm nhỏ lây nhiễm cũng có thể khiến 1 quốc gia lao đao như thế nào.

“Ngoài rủi ro trì hoãn và hủy dự án, còn có cả rủi ro trong việc khởi động lại dự án sớm”, ông Bonnie Glaser, từng cố vấn cho Chính phủ Mỹ và chỉ đạo Dự án Năng lượng Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, cho hay.

“Ông Tập dường như quyết tâm thể hiện rằng đời sống người dân đã trở lại bình thường và ông muốn nền kinh tế phục hồi trở lại”, ông Glaser cho hay. “Việc khởi động lại các dự án Vành đai và Con đường có lẽ nằm trong những mục tiêu hàng đầu, không chỉ vì lý do kinh tế mà còn do các hoạt động của dự án này là cách để nâng cao sức ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc”.

Mỹ đã đi tiên phong cho một chiến dịch toàn cầu chống lại Sáng kiến Vành đai và Con đường, cho rằng việc phụ thuộc vào khoản nợ của Trung Quốc sẽ đẩy các quốc gia nghèo vào “cái bẫy nợ”, đồng thời thúc đẩy mục tiêu chiến lược của Trung Quốc.

Sự bùng phát của virus corona lại dựng nên một rào cản mới, khi các quốc gia thực hiện kiểm dịch hoặc cấm người Trung Quốc. Tuần trước, một quan chức có tham gia lên kế hoạch cho Sáng kiến Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh cho biết việc không thể ngăn chặn sự lây lan của virus corona ở bên ngoài Trung Quốc chắn chắn sẽ gây hại đến các dự án.

Dù vậy, một quan chức khác của Trung Quốc cho biết tác động đến các dự án quan trọng vẫn còn hạn chế và tình trạng gián đoạn có khả năng chỉ tồn tại trong ngắn hạn. Ông Deng Xijun – Đại sứ Trung Quốc tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – cũng đồng tình với đánh giá lạc quan này.

“Có những thách thức đối với quan hệ thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc và các nước trong khuôn khổ Vành đai và Con đường”, ông Deng cho biết trong ngày 21/02. Ông Deng cho biết Trung Quốc đang hỗ trợ các doanh nghiệp có tham gia vào dự án Vành đai và Con đường “tiếp tục hoạt động bình thường”.

Tuy nhiên, cùng ngày hôm đó, ông Luhut Pandjaitan, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Hàng hải và Đầu tư tại Indonesia, thừa nhận dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung – dự án đầu tàu của Sáng kiến Vành đai và Con đường – có khả năng sẽ bị trì hoãn khi hơn 300 người lao động bị mắc kẹt ở Trung Quốc.

Ở Malaysia, hàng chục trong số 200 người lao động Trung Quốc xây dựng tuyến đường sắt Bờ Đông (trị giá 10,4 tỷ USD) đến từ Vũ Hán – tâm chấn bùng phát dịch bệnh đầu tiên. Họ không được phép trở lại Malaysia, trong khi những người lao động khác có thể trở về sau 14 ngày cách ly.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Pakistan và Sri Lanka.

Trong số 100 công ty Sri Lanka tham gia khảo sát của Phòng Thương mại Ceylon, đã có 50 công ty cho biết bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát của virus corona.

Tác động đến Sri Lanka. Nguồn: Bloomberg
Tác động đến Sri Lanka. Nguồn: Bloomberg

Virus corona có thể khiến các công ty Trung Quốc thay đổi trọng tâm trong tương lai, theo Arv Sreedhar, Giám đốc điều hành tại công ty đầu tư Atlantic Partners Asia ở Singapore, cho hay.

“Trung Quốc hiện đang cực kỳ căng thẳng vì tình trạng hiện tại và có các ưu tiên khác, như thỏa tuận thương mại với Mỹ, đồng thời phải chống chọi với tác động y tế và tài chính từ virus corona”, ông nói.

Do đó, các khoản đầu tư của Trung Quốc tại nước ngoài cũng giảm mạnh.

Viện Doanh nghiệp Mỹ và Viện Heritage – vốn theo dõi 3.600 khoản giao dịch nước ngoài của Trung Quốc kể từ năm 2005 – phát hiện ra Trung Quốc chỉ đầu tư tổng cộng 68,4 tỷ USD trong năm 2019, giảm 41% so với năm 2018 và là mức thấp nhất trong 1 thập kỷ.

Mức 68,4 tỷ USD chỉ bằng phân nửa so với mức 124,3 tỷ USD – mức ước tính chính thức về khoản đầu tư nước ngoài của Bộ Thương mại Trung Quốc.

Khoản đầu tư nước ngoài của Trung Quốc giảm mạnh. Nguồn: Bloomberg
Khoản đầu tư nước ngoài của Trung Quốc giảm mạnh. Nguồn: Bloomberg

Nguồn Bloomberg