Virgin Galactic là một điểm sáng trong các mảng kinh doanh của Virgin.

 
Ngô Ngọc Châu Thứ Bảy | 27/06/2020 08:30

Virgin kêu cứu!

Đế chế kinh doanh của tỉ phú Richard Branson đang lao đao trong dịch.

Không một doanh nhân nào có thể so bì được Ngài Richard Branson về các trò mạo hiểm gây chú ý. Và không phải trò mạo hiểm nào của vị tỉ phú người Anh này cũng suôn sẻ: ông từng được giải cứu bởi một chiếc trực thăng khi xuồng cao tốc của ông bị lật úp trong lúc ông đang nỗ lực vượt Đại Tây Dương với thời gian ngắn kỷ lục trong giải đua xuồng Virgin Atlantic Challenger vào năm 1985. 

Kỷ lục của ông trong kinh doanh với đế chế mang thương hiệu Virgin cũng đầy những cú mạo hiểm, cả thành công lẫn thất bại. Những thất bại có thể kể đến Virgin Cola, Virin Brides (một nỗ lực nhằm phá bĩnh ngành đám cưới) và Virgin Cars (một hãng bán lẻ trực tuyến đã sớm chết yểu). Dù trải qua nhiều thăng trầm, thương hiệu do ông sáng lập vẫn ngày càng nổi tiếng. Cuối năm 2019, đế chế Virgin của Ngài Brandson ước tính trị giá hơn 4 tỉ bảng Anh (5,1 tỉ USD). 

Nhưng đó là trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Tập đoàn Virgin đã bị ảnh hưởng nặng nề do phải đóng cửa để tránh lây lan dịch bệnh. Trong số các mảng kinh doanh bị tác động có hàng không, khách sạn, phòng tập gym và công ty du thuyền (Virgin có những mảng khác như ngân hàng, thiết bị di động, băng thông rộng, du lịch vũ trụ…). Vào tháng 3, Ngài Branson cho biết các mảng kinh doanh lữ hành, giải trí và sức khỏe của Tập đoàn đang đối mặt với một cuộc chiến khốc liệt để có thể tồn tại. 

Hình ảnh của ông cũng bị sứt mẻ vì lời nói bất nhất. Giới phê bình đã chỉ trích ông khi Virgin Atlantic, một hãng hàng không bay đường dài, đệ đơn lên Chính phủ Anh xin giải cứu.

Trong khi đó, cách đây 10 năm khi đối thủ British Airways báo cáo mức lỗ kỷ lục, Ngài Branson từng dõng dạc tuyên bố những công ty yếu ớt như thế nên bị khai tử. Giới phê bình cũng cho rằng việc giải cứu một công ty “tránh thuế” là sự lãng phí. Ngài Branson và công ty mẹ của Tập đoàn đều cư ngụ ở "thiên đường thuế" British Virgin Islands (Virgin nói rằng ông chuyển về đó vì lý do lối sống, không phải vấn đề thuế và các công ty chính của Tập đoàn vẫn đóng thuế ở Anh). 

Nhưng Chính phủ Anh đã phớt lờ lời kêu cứu của Virgin Atlantic, buộc các nhà điều hành hãng này phải nghĩ cách cứu vãn. Các cổ đông (Virgin nắm 51% và hãng hàng không Mỹ Delta nắm 49%) sẽ hoãn nhận các khoản phí như phí bản quyền, trong khi Công ty đang tiếp cận các nhà đầu tư cá nhân để xin vay và kỳ vọng có thể thương thảo lại việc thuê máy bay. Virgin Atlantic cũng đang cắt giảm 3.150 việc làm và đóng cửa một số trung tâm... 

Tập đoàn cũng tìm cách hồi sinh Virgin Australia, hãng hàng không lớn thứ 2 của nước Úc đã "rơi đài" vào tháng 4 do dịch COVID-19, khiến cho 10% cổ phần của Virgin trong hãng này trở nên vô giá trị. Hiện có 2 hãng đầu tư tư nhân đang quan tâm đến Virgin Australia. 

Thực ra, sức khỏe của cả Virgin Atlantic lẫn Virgin Australia đều yếu kém từ trước thời điểm bùng phát dịch. Virgin Atlantic, chẳng hạn, đã lỗ 26 triệu USD vào năm 2018, năm gần nhất hãng này có báo cáo. Virgin Atlantic đã thuê một công ty về tái cấu trúc để cân nhắc các giải pháp, trong đó có một kế hoạch tái cấu trúc đã được thỏa thuận trước với các chủ nợ trước khi Hãng tuyên bố mất khả năng thanh toán. 

Mảng kinh doanh được kỳ vọng sẽ cứu rỗi Virgin là Virgin Galactic, công ty du lịch vũ trụ của Ngài Branson đã lên sàn New York vào năm ngoái. Những tuần gần đây, Vieco 10, một công ty do Ngài Branson kiểm soát, đã bán 37,5 triệu cổ phiếu Galactic, thu về 560 triệu USD nhưng lại giảm cổ phần của vị tỉ phú này từ hơn 50% xuống còn khoảng 30%.

Số tiền bán cổ phần sẽ được dùng để trang trải cho các công ty trong Tập đoàn nhằm giảm tác động bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, Virgin cho biết sẽ cần thêm tiền cho năm 2021-2022. Vì thế, Ngài Branson có thể sẽ phải bán thêm cổ phần ở Galactic. Công ty này là một điểm sáng ở Virgin, với mức định giá 3,4 tỉ USD. Khoảng 600 người đã đặt cọc 80 triệu USD để được du hành vũ trụ.

Ai nấy đều biết Ngài Branson luôn hứng thú với việc trải nghiệm những điều mới mẻ trong kinh doanh. Một số chuyến phiêu lưu mới của ông có vẻ sáng sủa trước thời điểm dịch bùng phát, nhưng giờ thì không. Con tàu đầu tiên của công ty du thuyền Virgin Voyages, một liên doanh với Bain Capital, hiện còn nằm ở ngoài khơi Florida, chưa thể ra mắt do dịch bùng phát. Giá cho con tàu này và 3 con tàu nữa đang được xây dựng là 3 tỉ euro (3,4 tỉ USD). Virgin cho biết vẫn có đủ tài chính cung cấp cho những con tàu này và hy vọng sẽ ra mắt vào tháng 10 tới. 

Mảng khách sạn mà Virgin vừa lấn sân cũng rất chật vật. Nhiều khách sạn đã khai trương hoặc dự kiến khai trương tại nhiều thành phố của Mỹ gần như bị tê liệt do dịch. Một số mảng kinh doanh khác cũng lao đao. Virgin Active, hiện vận hành 238 phòng gym ở 8 quốc gia, đã phải đóng cửa vào tháng 3. Dù đang mở cửa trở lại, nhưng việc giãn cách xã hội đã khiến cho phòng gym bị mất sức hút. 

Mặc dù vậy, Josh Bayliss, CEO Tập đoàn Virgin, tin rằng Virgin có thể vượt qua cơn khủng hoảng lần này. Hiện tại, chưa có kế hoạch gì về việc thay đổi mô hình kinh doanh của Virgin. Theo đó, Virgin được vận hành như một công ty quản lý tài sản gia đình cho Ngài Branson, với 2 phần chính: (1) Virgin Group Holdings, chuyên xây dựng các doanh nghiệp, đưa vào các đối tác và sau đó thoái vốn một phần hoặc thoái vốn hoàn toàn; (2) mảng kinh doanh nhượng quyền, theo đó thu phí bản quyền từ các công ty dùng thương hiệu Virgin. Khoảng 35 công ty trên khắp thế giới trả tiền bản quyền để được sử dụng thương hiệu Virgin và Virgin nắm giữ cổ phần tại chưa tới 50% trong số các công ty này. Nguồn thu từ phí bản quyền năm 2018 là 94,3 triệu bảng Anh, cao hơn 1/3 so với cách đây 4 năm.

Theo Bayliss, tương lai của Virgin nằm ở việc “đảo ngược” cách làm cũ của Tập đoàn này, tức xưa nay chú trọng vào việc nắm giữ cổ phần hơn là nguồn thu từ thương hiệu. Bayliss cho rằng bản quyền cung cấp dòng tiền ổn định, có tính định kỳ, trong khi nguồn thu từ việc đầu tư vào tài sản lại trồi sụt. Theo ông, giá trị của thương hiệu Virgin đang lớn mạnh nên cần tận dụng lợi thế này. 

Giá trị thương hiệu Virgin như thế nào thì phải chờ đến khi cuộc khủng hoảng COVID-19 chấm dứt. Còn hiện tại, có lẽ Ngài Branson sẽ phải bán đi 1 hay 2 tài sản có giá trị. Đây không phải là lần đầu tiên ông từ bỏ một vài đứa con cưng để cứu vớt cả đế chế. Năm 1992, sau trận chiến cam go với British Airways, ông đã phải từ bỏ Virgin Records, hãng thu âm đứng đằng sau các ban nhạc từ Sex Pistols cho đến Simple Minds. Ông sau đó thừa nhận đã phải lau nước mắt khi thương vụ Virgin Records hoàn tất.