Thứ Bảy | 15/06/2013 13:33

Vĩnh biệt thời kỳ tiền tệ giá rẻ tại Trung Quốc

Sau 10 năm chịu chỉ trích vì định giá thấp, nhân dân tệ đang trở lại mạnh mẽ cùng tham vọng lớn trở thành tiền tệ tự do chuyển đổi quốc tế.
Mười năm trước, nhân dân tệ lần đầu tiên gây lo lắng cho kinh tế toàn cầu. Tháng 6/2003, Bộ trưởng ngân khố Mỹ, ông John Snow, công khai khuyến khích Trung Quốc thi hành chính sách nới lỏng tiền tệ, sau đó nhân dân tệ đã được cố định ở mức 8,28 CNY/USD.

Một tháng sau, có đến 4 thượng nghị sĩ Mỹ đã cùng viết chung một lá thư bày tỏ sự tức giận và thúc giục John Snow tiến hành điều tra Trung Quốc "thao túng tiền tệ". Theo lập luận của Charles Schumer, thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ tại New York: “Quốc gia này đã cố tình định giá thấp đồng tiền của mình và kết quả là tất cả mọi thứ họ bán cho các quốc gia khác đều với giá rẻ nhất."

Đối với Trung Quốc, thời kỳ tiền tệ giá rẻ đã không còn

Một thập kỷ sau, Charles Schumer và nhiều thượng nghị sĩ khác vẫn đánh mạnh vào cuộc chiến với nhân dân tệ. Có đến 8 người trong số họ tuần trước lại giới thiệu một dự luật áp thuế trên hoạt động thao túng tiền tệ của Trung Quốc. Nhưng nhiều thứ đã thay đổi. Hiện tại, tỷ giá hối đoái được cho phép thả nổi biên độ dao động trong khoảng 1%/ngày theo cả 2 tỷ giá tham chiếu được 2 ngân hàng trung ương của Trung Quốc và Mỹ công bố vào mỗi sáng.
Nhân dân tệ đang mạnh hơn bao giờ hết, một bước chuẩn bị tiên quyết cho một kế hoạch lớn, mang tham vọng quốc tế.
Nhân dân tệ đang mạnh hơn bao giờ hết, một bước chuẩn bị tiên quyết cho một kế hoạch lớn,
mang tham vọng quốc tế.

Nhân dân tệ đóng cửa giao dịch ngày 27/5 tại 6,12 CNY/USD, mạnh hơn 35% so với thời điểm tháng 6/2003. Nhân dân tệ tăng giá so với USD kể từ tháng 3/2012 sau đó đà tăng tiếp tục trong cả năm 2012, thậm chí còn mạnh lên rất nhiều so với đồng yên của Nhật Bản đang ngày càng yếu đi. Kể từ tháng 10/2012, khi thị trường bắt đầu đồn đoán về chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ của Nhật Bản, nhân dân tệ tăng hơn 20% so với yên Nhật.

Khả năng cạnh tranh của Trung Quốc trên thị trường thế giới không chỉ phụ thuộc vào giá nhân dân tệ cao hay thấp mà còn phụ thuộc vào giá cả của hàng hóa và giá lao động tại nước này. Ngân hàng Thanh toán quốc tế tính toán tỷ giá hối đoái “thực” của 61 nền kinh tế dựa trên giá trị trao đổi thương mại, có tính đến sự chênh lệch lạm phát. Từ năm 2010 tỷ giá hối đoái thực tế và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc, đã tăng nhanh hơn bất kỳ nước nào khác, ngoại trừ Venezuela.

Bên cạnh sự tăng giá nội tệ, Trung Quốc hiện còn đối mặt với tình trạng giá nhân công tăng nhanh so với các đối tác thương mại chính. The Economist đã tính toán một tỷ giá hối đoái "thực” theo kim ngạch trao đổi thương mại của Trung Quốc với Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu và Nhật Bản, bao gồm chi phí lao động trong cả 4 nền kinh tế.

Phương pháp tính này cho thấy, tỷ giá hối đoái thực tế của Trung Quốc đã tăng gần 50% kể từ khi Josh Snow và Charles Schumer bắt đầu tấn công chính sách giảm giá đồng nhân dân tệ, 10 năm trước đây.

Nếu nhân dân tệ từng là đồng tiền rẻ nhất (so với giá trị thực), thì bây giờ khái niệm “rẻ” gần như đã biến mất. Thậm chí, một số nhà kinh tế như Diana Choyleva tại Lombard Street Research, còn tự hỏi, có phải đồng nhân dân tệ hiện đang được định giá quá cao hay không?

Trong dài hạn, đồng tiền của Trung Quốc còn mạnh hơn do ảnh hưởng sâu từ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, luật lao động chặt chẽ hơn hay dân số trong độ tuổi lao động giảm sút. Nhưng sự gia tăng gần đây trong tỷ giá hối đoái danh nghĩa tỏ ra khó hiểu và nguy hiểm. Bởi đi kèm theo đó là thời gian tăng trưởng đáng thất vọng, lạm phát giảm (chỉ có 2,1% trong tháng 5), đồng thời xuất khẩu suy giảm (chỉ tăng 1% so với cùng kỳ).Vậy câu hỏi đặt ra là, điều gì đang gây ra sự mạnh lên đột ngột này và tại sao những nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc vẫn chịu đựng điều đó?

Lý do và tham vọng phía sau một đồng tiền mạnh hơn của Trung Quốc

Peng Wensheng đến từ CICC - một ngân hàng đầu tư của Trung Quốc, cho rằng, sự tăng giá của tiền tệ trong năm nay do lãi suất tại Trung Quốc cao hơn những nơi khác và những lo ngại về sự định giá thấp nhân dân tệ cũng biến mất.Lãi suất cơ bản tại thành phố Thượng Hải từ lâu đã cao hơn 3-5% so với lãi suất tương tự London. Năm ngoái, khi nền kinh tế của Trung Quốc sa sút và các vị trí lãnh đạo thay đổi liên tục, sự mạnh lên của nhân dân tệ đã được bù đắp phần nào bởi những lo ngại giảm giá theo tình trạng sức khỏe nền kinh tế. Nhờ đó, vốn ngắn hạn đang chảy ngược vào Trung Quốc, phần lớn nhằm thu lợi từ hoạt động xuất khẩu.

Sự khoan dung của chính phủ cho một nhân dân tệ mạnh hơn có thể phản ánh một tham vọng cải cách, theo ý kiến của Mark Williams đến từ công ty tư vấn Capital Economics. Tháng trước, Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường nói rằng, một kế hoạch hành động nhằm giảm bớt sự kiểm soát vốn sẽ được đưa ra vào cuối năm nay. Nếu đồng nhân dân tệ đã từng bị định giá thấp hơn nhiều so giá trị thị trường, kiểm soát vốn nới lỏng hơn có thể mời gọi dòng vốn từ nước ngoài không ổn định. Và giờ đây, chính phủ có thể đã thấy, một đồng nhân dân tệ mạnh hơn như một điều kiện tiên quyết cho việc kiểm soát bớt chặt chẽ hơn.

Loại bỏ kiểm soát vốn là một công việc được Trung Quốc tiến hành từ từ và cẩn thận. Đã 10 năm kể từ khi đồng tiền của Trung Quốc dính vào cuộc tranh cãi quốc tế và có thể còn mất thêm 10 năm nữa để nhân dân tệ được hoán đổi toàn diện để trở thành một đơn vị tiền tệ được phép tự do chuyển đổi trên thị trường quốc tế.

Nguồn Dân Việt/Economist


Sự kiện