Thứ Tư | 11/12/2013 14:45

Việt Nam trong mắt Ngoại trưởng Mỹ trước chuyến thăm

Ông John Kerry sắp đến Việt Nam trong chuyến công du châu Á lần thứ 4 với tư cách ngoại trưởng Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ có chuyến công du Việt Nam và Philippines từ ngày 11-18/12. Đây là chuyến công du đầu tiên tới Việt Nam kể từ khi ông Kerry lên làm ngoại trưởng. Sự kiện này đã gợi lại nhiều ký ức về Việt Nam trong người cựu chiến binh Mỹ này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki trong một tuyên bố cho biết ông Kerry sẽ tới TP.HCM vào ngày 14/11 trước khi bay ra Hà Nội để gặp nhiều lãnh đạo của Việt Nam.
Trong chuyến thăm này, ông Kerry sẽ tới hai thành phố Jerusalem và Ramallah trước khi tới TP.HCM rồi Hà Nội, và cuối cùng là tới Tacloban và Manila ở Philippines.
Tân ngoại trưởng Mỹ John Kerry
John Kerry, 69 tuổi, thượng nghị sĩ bang Massachusetts và là một cựu chiến binh Việt Nam, nổi tiếng khắp nước Mỹ khi được chọn làm đại diện đảng Dân chủ tranh cử tổng thống năm 2004. Ông được Tổng thống Barack Obama đề cử chức vụ ngoại trưởng hồi tháng 12/2012.
Ông Kerry sang Việt Nam tháng 11/1968 khi còn là một trung úy hải quân và được giao chỉ huy một chiếc tàu tuần tra hoạt động ở vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long.
Sau thời gian ở Việt Nam, Kerry được tặng các huân chương dành cho quân nhân Mỹ. Kerry quyết định vứt bỏ hết các phần thưởng chiến tranh trong một cuộc phản đối trước tòa nhà quốc hội, lên án sự tàn bạo có hệ thống của cuộc chiến. Kerry là một trong những người phản chiến nổi tiếng nhất thời bấy giờ.
Kerry bắt đầu chống lại việc binh lính bắn giết thường dân. Sau này thượng nghị sĩ Kerry thú nhận hình ảnh một bé trai Việt Nam 12 tuổi bị lính Mỹ bắn hạ ngay trước mắt ông đã trở thành nỗi ám ảnh: “Đó là một trong những điều tồi tệ. Tôi sẽ không bao giờ, không bao giờ có thể quên được hình ảnh bé trai ấy”.
Trở lại Mỹ đầu những năm 1970, Kerry trở thành biểu tượng phản chiến. Năm 1971, ông ra trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ để điều trần về chiến tranh Việt Nam. Câu chất vấn: "Làm sao có thể yêu cầu một con người phải chết cho một sai lầm?" của Kerry được trích dẫn nhiều nhất trong các bài viết về ông.
Năm 1991, lần đầu tiên, Kerry đã trở lại Việt Nam trong vai trò dân sự.
Năm 2000, ông Kerry đã tháp tùng Tổng thống Clinton - vị Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đến Việt Nam và tận mắt chứng kiến thành quả bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ mà ông có nhiều đóng góp.
Năm 2012, Thượng viện Hoa Kỳ với vai trò của John Kerry, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng Viện, đã thông qua Dự luật Nông trại 2012 với điều khoản về cá da trơn có lợi cho Việt Nam.
Tháng 7/2013, Chủ tịch nướcTrương Tấn Sang tới thăm Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Kerry đã nói: "Tôi có thể cảm nhận sự năng động đáng kinh ngạc của người Việt Nam, chưa được khám phá, một cảm nhận về tinh thần sẵn sàng tham gia hội nhập với thế giới, và thế giới cũng rất sẵn sàng hội nhập với Việt Nam. Người Việt Nam đã học được từ chính lịch sử của họ rằng, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có tình bạn được gây dựng".
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Bộ Ngoại giao Mỹ.
Trong phát biểu chào đón Chủ tịch Việt Nam, ông Kerry đã bày tỏ: "... Tôi luôn biết ơn các nhà lãnh đạo Việt Nam, những người đã xây dựng mối quan hệ đối tác đặc biệt để giúp chúng ta ngày nay có thể ở nơi đây thế này.
Họ đã giúp chúng tôi tìm kiếm hàng nghìn người con trai kể cả khi phần lớn số ấy mất tích. Họ tình nguyện đào xới những cánh đồng lúa của mình để giúp chúng tôi cố gắng trả lời các câu hỏi. Họ cho chúng tôi vào nhà của họ, cho chúng tôi tới những di tích lịch sử.
Họ cho chúng tôi tới thăm các nhà tù mà không cần báo trước, phỏng vấn tù nhân. Và họ để cho trực thăng bay ở các thôn làng, để hỏi người dân, trả lời các câu hỏi chưa được trả lời trong nhiều năm".
Trước khi thành Ngoại trưởng, ông Kerry vẫn hợp tác chặt chẽ với thượng nghị sĩ John McCain để tìm kiếm hài cốt các binh sĩ mất tích tại Việt Nam.
Giới ngoại giao đánh giá, John Kerry và John McCain chính là những nhịp cầu nối quan hệ Việt-Mỹ.
Mấy lần sang Việt Nam để thúc đẩy tiến trình bình thường hóa. Những chuyến đi thực tế đã khiến ông Kerry khẳng định điều thật lòng: “Ngày nay người dân Việt Nam được sống tự do hơn bao giờ hết, họ được cung cấp thông tin từ các nguồn truyền thông quốc tế, báo chí trong nước cũng thẳng thắn chống tham nhũng và góp ý cho những hoạt động nhà nước chưa hiệu quả…
Tôi tin rằng thành quả của Việt Nam trong những năm gần đây chứng minh rằng định hướng bình thường hóa quan hệ với Việt Nam của Chính phủ Mỹ từ năm 1995 đã có những kết quả tích cực, phù hợp với quyền lợi của chúng ta đối với quốc gia này và toàn khu vực”. (Trích điều trần của TNS John Kerry ngày 7/7/1998 về quan hệ Việt – Mỹ).
J. Kerry (áo trắng bên phải) trong cuộc tìm kiếm hài cốt lính Mỹ ở Quảng Ngãi.
J. Kerry (áo trắng bên phải) trong cuộc tìm kiếm hài cốt lính Mỹ ở Quảng Ngãi.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki, việc Ngoại trưởng John Kerry tới thăm Việt Nam, Philippines chứng tỏ cam kết lâu dài của Mỹ với khu vực.

Bà cũng cho biết, chuyến thăm Việt Nam của ông Kerry nhằm nhấn mạnh sự chuyển biến sâu sắc trong quan hệ giữa hai nước trong những năm qua và mối quan hệ đối tác đang phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Người cựu binh chiến tranh Việt Nam xưa lại tiếp tục có những cơ hội mới để thúc đẩy quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam - mảnh đất ông có nhiều duyên nợ.

Nguồn Báo Đất Việt


Sự kiện