Việt Nam thuộc top 40 thị trường chứng khoán tăng mạnh nhất toàn cầu 2014
Bespoke dựa trên mức tăng/giảm của các chỉ số chứng khoán cơ bản tính từ đầu năm 2014 đến ngày 23/12 để xếp hạng 74 thị trường chứng khoán trên toàn cầu. Theo đó, có 51 thị trường chứng khoán tăng điểm và 23 thị trường khoán giảm điểm.
Trong đó, Việt Nam xếp thứ 32 trong tổng số 51 thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh với chỉ số chứng khoán chuẩn tăng 6,59% kể từ đầu năm đến ngày 23/12.
Cũng theo thống kê của Bespoke, Argentina là thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh nhất thế giới với mức tăng 54,51%. Đây có lẽ là tin tức khá bất ngờ đối với giới đầu tư, bởi lẽ thị trường chứng khoán Argentina đã bắt đầu rơi tự do từ tháng 6/2014 khi nước này bị buộc phải thanh toán nợ cho một số trái chủ, dẫn tới tình trạng vỡ nợ lần thứ 2 trong vòng 13 năm qua.
Nguồn: Bespoke - Money CNN |
Tuy nhiên bất chấp kinh tế lao dốc, thị trường chứng khoán Argentina vẫn tiếp tục bùng nổ và nằm trong nhóm tăng trưởng mạnh nhất toàn cầu.
Theo sau Argentina là thị trường chứng khoán Trung Quốc và Ấn Độ với mức tăng lần lượt 43,32% và 29,93%. Trong khi đó, Mỹ chỉ xếp thứ 17 trong số các thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh nhất với chỉ số chứng khoán chuẩn tăng 12,73%.
Trái ngược hoàn toàn với Argentina, kinh tế khủng hoảng trầm trọng đã biến Nga trở thành thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh nhất thế giới với mức giảm 44,9%. Đà lao dốc của giá dầu, ruble và đòn trừng phạt của phương Tây được cho là đã phát huy tác dụng rất lớn khi đã đẩy kinh tế Nga vào bế tắc tạm thời.
Ngoài ra, một số nước Đông Nam Á xếp thứ hạng khá cao trong danh sách những thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh nhất thế giới. Cụ thể, Thái Lan xếp thứ 11 với mức tăng 17,9% bất chấp bất ổn chính trị nội bộ kéo dài trong nhiều tháng.
Trong khi đó, Malaysia lại rơi vào danh sách những thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới (giảm 6,32%). Thị trường chứng khoán Malaysia rớt điểm thảm hại một phần có thể do ảnh hưởng từ những thảm họa hàng không liên tiếp xảy ra trong năm nay.
Ngoài ra đối với các nước Đông Nam Á khác, Philippines xếp thứ 7 (22,01%), Indonesia xếp thứ 9 (20,24%), Singapore xếp thứ 41 (5,21%).
Nguồn DVO/ Money CNN