Với xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu thì nhu cầu về điện sạch của các quốc gia sẽ ngày càng gia tăng. Ảnh: Getty Images.

 
Bảo Hân Thứ Năm | 23/02/2023 16:18

Việt Nam có thể xuất khẩu điện sang Singapore từ năm 2030

Sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới là năng lượng tái tạo.

Theo Báo Chính Phủ, tại Singapore, nhân chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) và Sembcorp Utilities Pte. Ltd. (SCU) đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư, xuất khẩu điện sang Singapore từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam. Sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới là năng lượng tái tạo.

Được biết, tháng 11/2022, PTSC và SCU đã ký bản ghi nhớ với sự chứng kiến của đại diện Bộ Công thương Singapore (MTI), Cơ quan quản lý thị trường điện Singapore (EMA), đại sứ hai nước và đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tiếp theo đó, PTSC và SCU đã bắt tay ngay vào thảo luận, thống nhất và ký kết thỏa thuận phát triển chung để cụ thể hóa việc hợp tác và tiến hành trao thỏa thuận nhân chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 10/2 vừa qua.

Theo nội dung thỏa thuận, PTSC và SCU sẽ hợp tác đầu tư trang trại điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với công suất ban đầu dự kiến khoảng 2,3 GW và xuất khẩu điện trực tiếp sang Singapore qua đường cáp ngầm cao thế dưới biển.

Thỏa thuận quy định chi tiết về cơ chế hợp tác, cơ chế ra quyết định, tỉ lệ góp vốn giữa các bên, kế hoạch triển khai các công việc chuẩn bị, triển khai dự án cũng như kế hoạch thành lập công ty liên doanh khi đạt đầy đủ các điều kiện.

Với xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu thì nhu cầu về điện sạch của các quốc gia sẽ ngày càng gia tăng. 

Trong khi đó Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN có nguồn năng lượng gió ngoài khơi quy mô lớn (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, về mặt kỹ thuật, tiềm năng gió ngoài khơi của Việt Nam vào khoảng 599 GW). 

Vì vậy dự án xuất khẩu kể trên được xem là cơ hội cho các nước có liên quan cùng tham gia cũng như có thể xuất khẩu điện sạch từ năng lượng gió ngoài khơi của Việt Nam sang các nước khác, mang lại lợi ích cho các quốc gia và làm tăng hiệu quả đầu tư của dự án.

Có thể bạn quan tâm:

 Nhật thâm hụt thương mại kỷ lục, vượt mốc 3.000 tỉ yên

Nguồn Báo Chính Phủ