Thứ Sáu | 21/09/2012 06:32

Viện trợ phát triển toàn cầu giảm 133 tỷ USD do khủng hoảng kinh tế

Liên Hợp Quốc cho biết viện trợ phát triển sẽ tiếp tục giảm trong 3 năm tới do các nước tài trợ phải đấu tranh để phục hồi kinh tế.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết số tiền viện trợ phát triển chính thức của 23 thành viên thuộc Ủy ban viện trợ phát triển của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế giảm 3% so với năm ngoái xuống còn 133,5 tỷ USD.

Mục tiêu của Liên Hợp Quốc là các nước dành 0,7% tổng thu nhập quốc dân (GNI) để viện trợ phát triển nhưng trong năm 2011, tổng số tiền viện trợ chỉ chiếm 0,31 GNI. Như vậy, theo mục tiêu cam kết của Liên Hợp Quốc, tổng số tiền viện trợ phát triển trong năm ngoái thiếu 167 tỷ USD, báo cáo cho biết.

"Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu kéo dài đã bắt đầu ảnh hưởng đến hợp tác phát triển quốc tế", tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon viết trong lời tựa của báo cáo.

"Năm ngoái, viện trợ phát triển chính thức đã giảm lần đầu tiên trong nhiều năm, trong khi các biện pháp bảo hộ thương mại lại có xu hướng tăng", ông Ban cho biết.

"Mặc dù có những hạn chế đáng kể về tài chính, một số nước viện trợ vẫn tiếp tục đáp ứng mục tiêu đã đề ra. Đây là nỗ lực đáng được noi theo", ông Ban nói thêm.

Báo cáo của Liên  Hợp Quốc khuyến cáo các nước tài trợ nên thực hiện cam kết viện trợ bất chấp những hạn chế về ngân sách.

Năm ngoái, chỉ có một số nước như Thụy Điển, Na Uy, Luxembourg, Đan Mạch và Hà Lan cung cấp viện trợ nhiều và cao hơn mục tiêu của Liên Hợp Quốc. Trong khi đó, những nước viện trợ ít nhất là Hy Lạp và Tây Ban Nha - 2 nước bị ảnh hưởng nặng nề do cuộc khủng hoảng kinh tế, tiếp đó là Áo và Bỉ.

"Tăng trưởng viện trợ phát triển chính thức dự báo sẽ đình trệ trong giai đoạn 2013-2015, phản ánh tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đối với ngân sách các quốc gia", báo cáo cho biết.

"Tình hình kinh tế hiện nay đã thu hút các chính phủ quay lại sử dụng chính sách bảo hộ thương mại. Việc thực hiện các biện pháp bảo hộ thương mại của nhóm G20 đã ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu và đây là mối lo ngại chính của các nước", báo cáo cho biết thêm.

Nguồn Reuters/Khampha


Sự kiện