Viện trợ các nước nghèo giảm mạnh do khủng hoảng châu Âu
Nhóm One cũng cho biết Liên minh châu Âu (EU) cũng gần như không thể đáp ứng cam kết dành 0,7% sản lượng hàng năm cho các chương trình cứu trợ vào năm 2015. Nhóm cũng lo ngại rằng các cam kết sẽ bị xóa bỏ trong các cuộc đàm phán hiện tại về chi tiêu từ năm 2014 đến 2020 của các nước châu Âu.
Dữ liệu hàng năm của nhóm One cho thấy, hai nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng nợ - Hy Lạp và Tây Ban Nha - đã cắt giảm ngân sách dành cho các chương trình cứu trợ lần lượt là 40% và 30% kể từ năm 2010 đến 2011. Trong khi đó, chương trình hỗ trợ tài chính của EU giảm 1,5%.
Cũng theo nhóm One, EU đã giảm 18 tỷ bảng trong cam kết viện trợ ngắn hạn cho các nước nghèo tại hội nghị Gleneagles. Trong năm ngoái, EU chỉ viện trợ được 5 tỷ bảng cho châu Phi thay vì 16 tỷ bảng như đã hứa. Đức và Italia là hai nước duy nhất tăng viện trợ trong năm qua, song cả hai cũng đang đối mặt với nguy cơ không thể thực hiện các cam kết của mình.
Trong một báo cáo khác từ AidWatch, đại diện cho các nhóm phát triển tại 27 quốc gia EU, tổ chức này cho biết việc cắt giảm viện trợ cho các nước nghèo đang trở thành thói quen của các quốc gia châu Âu. Năm 2011, có 11 quốc gia cắt giảm hỗ trợ, nửa đầu năm 2012, con số này là 9 quốc gia.
AidWatch cũng cho biết nhiều khả năng EU sẽ không đáp ứng được 14% các cam kết viện trợ của mình - tương đương 7,35 tỷ euro - dành cho các nước đang phát triển.
Nguồn Guardian/DVT