Viễn cảnh tươi sáng hơn nhưng chưa đủ để nâng lãi suất
Với chỉ số chứng khoán Wall Street lên gần mức kỷ lục và lợi tức trái phiếu tăng, tuần bắt đầu từ 18/5 sẽ đón nhận nhiều số liệu toàn cầu và biên bản chính sách quan trọng từ 3 ngân hàng trung ương, kể cả Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ.
Các quan chức ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới sẽ gặp nhau trong diễn đàn kéo dài 3 ngày vào cuối tuần này do Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) chủ trì tại Sintra, Bồ Đào Nha, để thảo luận về tình hình lạm phát và thất nghiệp tại châu Âu.
Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng tháng 5 sẽ được công bố vào thứ Năm với dự đoán không có nhiều thay đổi về tổng thể: kinh tế Mỹ đang phục hồi, tăng trưởng ổn định tại châu Âu nhưng tiếp tục ảm đạm tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc.
Kết hợp lại, các số liệu này là chưa đủ để thuyết phục nhiều người tin rằng xu hướng giảm lãi suất và chính sách nới lỏng tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước sẽ sớm kết thúc, bất chấp thị trường trái phiếu thảm bại.
Thực tế, biên bản cuộc họp tháng 5 của Ngân hàng trương Anh rõ ràng sẽ tái đảm bảo với giới đầu tư rằng việc nâng lãi suất sẽ chưa diễn ra trong ít nhất 1 năm nữa, trong khi Chủ tịch ECB Mario Draghi nêu rõ ông không có ý định cắt giảm chương trình mua trái phiếu.
Fed - từ lâu đã được dự đoán sẽ nâng lãi suất vào tháng 6 - giờ đây sẽ phải cân nhắc về lần đầu tiên nâng lãi suất trong gần 1 thập kỷ qua sau khi số liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ chững lại trong quý I/2015.
Tháng 9 có thể là thời điểm khả quan hơn, mặc dù nhiều thương nhân trên thị trường tài chính đang dự đoán Fed có thể trì hoãn lâu hơn, đặt cược lãi suất sẽ chưa tăng trong năm nay và có lẽ cũng chưa trong năm 2016.
Biên bản họp Fed tháng 4 - diễn ra trước những tin tức cho thấy thị trường việc làm chưa chệch khỏi lộ trình tăng trưởng - không cho thấy bất kỳ điều gì liên quan đến việc nối lại cuộc đàm phán về nâng lãi suất trong ngắn hạn. Điều này diễn ra bất chấp sự biến động mạnh mẽ trên thị trường trái phiếu chính phủ trong những tuần gần đây.
Một điều chắc chắn: áp lực lạm phát vẫn chưa tìm ra được. Chỉ số lạm phát tại Mỹ, eurozone và Anh đều được dự đoán sẽ không cho thấy bất kỳ sự tăng giá nào so với một năm trước, theo khảo sát Reuters.
Giá dầu giảm hơn 50% từ tháng 6/2014 đã ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ khi kéo giảm đầu tư vào sản xuất dầu thô, mặc dù cũng giúp người tiêu dùng giảm chi phí cho nhiên liệu. Niềm tin tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 5 cũng bất ngờ giảm.
Nhưng chi phí năng lượng rẻ hơn rõ ràng đang kích thích tiêu dùng tại eurozone trong quý I năm nay. Và chỉ số niềm tin kinh doanh Ifo của Đức, công bố vào thứ Sáu, dự đoán sẽ cho thấy tinh thần lạc quan.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản - đang cố gắng đẩy lạm phát tăng lên trong gần 2 thập kỷ qua - sẽ họp chính sách vào thứ Sau nhưng được dự đoán sẽ chưa tăng cường chương trình mua tài sản.
Hữu Thanh
Theo Reuters