Ảnh: Washington Post.
Viễn cảnh nào cho lần giáp mặt giữa ông Trump và ông Tập tại G20 tuần tới?
Trong quá khứ, hội nghị thượng đỉnh G20 là nơi các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế lớn thảo luận những vấn đề quan trọng một cách ôn hòa. Nhưng đó là trước khi tổng thống Trump tham dự hội nghị, còn giờ đây thì ông Trump đã làm cho tình hình trở nên căng thẳng hơn.
Chưa hết, khi hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 chuẩn bị diễn ra tại Nhật Bản vào ngày 28-29/6, tổng thống Trump đã làm cho tình hình trở nên tệ hơn. Việc tổng thống Trump không ngừng đe dọa làm leo thang căng thẳng thương mại với Trung Quốc thành một cuộc chiến toàn diện, đã khiến cho hội nghị G20 lần này được dự đoán là một cuộc tranh luận nảy lửa kể từ năm 2008, khi hội nghi thảo luận về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Không dừng lại ở đó, tổng thống Trump còn có những hành động nhắm vào liên minh châu Âu và Nhật Bản, 2 đồng minh mà ông đe sẽ áp dụng thuế quan lên mặt hàng ô tô. Đó là còn chưa kể tới những công bố mang tính công kích về chính sách tiền tệ của khu vực đồng Euro và Trung Quốc.
Chính vì thế, sự kiện lớn nhất hội nghị thượng đỉnh tại Osaka được dự đoán là cuộc gặp gỡ giữa tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, điều sẽ được thị trường tài chính theo dõi chặt chẽ. Ngày 18/6, ông Trump đã đưa ra những kỳ vọng khi viết trên mạng xã hội Twitter rằng “ông đã có sau cuộc điện đàm thân mật với ông Tập, hai nhà lãnh đạo sẽ có một cuộc gặp mở rộng trong khuôn khổ hội nghị G20”.
Cuộc gặp tại Osaka có thể đi đến một thỏa thuận trong ngắn hạn. Ảnh: AP |
Kịch bản tốt nhất được các quan chức và nhà phân tích từ cả hai quốc gia đưa ra là, cuộc họp có thể đem đến một thỏa thuận tạm dừng việc áp dụng mức thuế quan mới và nối lại các cuộc đàm phán đã bị tạm dừng hồi tháng 5.
Mặc dù thỏa thuận này có thể không phải thỏa thuận cuối cùng, nhưng ít nhất nó sẽ mang lại hòa bình trong ngắn hạn.
Trong khi kịch bản xấu nhất được dự đoán là căng thẳng thương mại sẽ biến thành một cuộc chiến tranh lạnh mới. Nếu cuộc họp bị hủy bỏ trước khi diễn ra hoặc hai nhà lãnh đạo không thể đạt được một thỏa thuận, thế giới sẽ phải đối mặt với một cuộc xung đột leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất. Điều này sẽ tác động tiêu cực lên thị trường tài chính và kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Không thể loại bỏ tình huống xấu nhất. Hai nhà lãnh đạo đã có những cách tiếp cận khác nhau để đàm phán, điều đã gây ra những vấn đề trong quá khứ. Trong khi Tổng thống Trump, với phong cách tự do của mình, ông thích dẫn dắt đối phương trên bàn đàm phán, thì Chủ tịch Tập lại là người thận trọng, và ông chỉ ngồi vào bàn đàm phán khi đã dự đoán được kết quả.
“Tôi nghĩ rằng ông Trump muốn thể hiện sức mạnh toàn diện của Mỹ nhằm thúc đẩy Trung Quốc đi đến một thỏa thuận”.
►Trump: Ông Tập có tham dự G20 hay không không quan trọng
►Ông Trump khẳng định sẽ hội đàm với ông Tập tại hội nghị G20 vào tuần tới
►Doanh nghiệp nước ngoài mở rộng sản xuất ở Việt Nam vì chiến tranh thương mại
Một số người Trung Quốc cho rằng cách tiếp cận này của ông Trump có thể khiến cho ông Tập khó lòng đáp ứng các yêu cầu cải cách của Mỹ, từ trợ cấp công nghiệp đến thực thi sở hữu trí tuệ. Robert Daly, một chuyên gia về Trung Quốc và cựu quan chức ngoại Mỹ hiện đang làm việc tại Trung tâm Wilson ở Washington, nhận định “rõ rằng tổng thống Trump đang làm bẽ mặt chủ tịch Tập Cận Bình khi thể hiện rằng Mỹ đang thắng thế”. Và nếu Trung Quốc cảm thấy ngày càng bị cô lập, thì càng ít có khả năng hai bên đi đến một thỏa thuận – vì đó được xem như một dấu hiện đầu hàng của Trung Quốc, các nhà phân tích tại Bắc Kinh lập luận.
Ông Matthew Goodman, người từng tham gia công tác chuẩn bị cho việc dự hội nghị thượng đỉnh G-7 và G-20 của Tổng thống Barack Obama, nói rằng vẫn còn quá sớm để xem đây là một cuộc chiến tranh lạnh mới. Ngay cả khi ông Trump đã tiếp tục leo thang căng thẳng với Trung Quốc, ngăn chặn các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc, như Huawei tiếp cận hàng hóa dịch vụ cũa Mỹ, thì chúng ta vẫn có thể hi vọng một kết thúc khác. Ông Goodman nói, mục đích cuối cùng của Mỹ là muốn có một chính sách kinh tế thương mại công bằng hơn.
Ông Clete Willems, người từng giữ vai trò tương tự cho tổng thống Trump, lạc quan rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được một thỏa thuận vào cuối năm nay. Đó là mong muốn của cả 2 nước, và các mối đe dọa leo thang và thuế quan gần đây của ông Trump đều hướng đến việc đạt một thỏa thuận, thay vì chia rẽ hai nước. “Miễn là chính quyền Trump vẫn tập trung vào Trung Quốc và tránh gia tăng làn sóng chỉ trích vào chính sách của họ với Trung Quốc, bằng cách tăng thuế đối với các nước khác, tôi nghĩ rằng sự thể hiện sức mạnh của Mỹ sẽ thúc đẩy Trung Quốc đi đến một thỏa thuận”.
Thông tin về cách tiếp cận của Mỹ có thể sẽ được nhắc đến trong bài phát biểu ngày 24/6 của Phó Tổng thống Mike Pence. Liệu rằng ông Pence có lặp lại bài phát biểu mà ông đã đưa ra vào năm ngoái tại Hudson Institute ở Washington, trong đó ông đưa ra một cái nhìn không mấy thiện chí với Trung Quốc, điều nay sẽ thể hiện rằng ông Trump sẽ không thỏa hiệp.
Trong khi đó, ông Tập cũng đang phải đối mặt với nhiều sức ép trong nước. Khi nền kinh tế Trung Quốc dường như đang tăng trưởng chậm lại, một cuộc chiến thương mại sẽ gây thiệt hại càng lớn.
Tất nhiên, ưu thế mà ông Trump thường hay nói đến cũng chưa được khẳng định. Chính sách thuế quan của ông ngày càng kém thuyết phục, và những tổn hại nó gây cho nền kinh tế cũng dần rõ rệt. Cả ông Trump và ông Tập đều đang phải đối mặt với những thách thức tại chính quê nhà: làm thế nào để ổn định, giải quyết cuộc xung đột để vực dậy nền kinh tế. Mặc dù, một thỏa thuận vẫn là điều khả dĩ tại cuộc gặp ở Osaka, việc giữa ổn định và hòa bình trong quan hệ giữa 2 quốc gia trong dài hạn vẫn là một điều khó khăn.
Nguồn Bloomberg