Viễn cảnh Hy Lạp sau khi vỡ nợ
Các bộ trưởng tài chính eurozone đã phải thảo thuận cách hạn chế hậu quả do Hy Lạp mất khả năng thanh toán sau khi Athens chấm dứt các cuộc đàm phán về gói tài chính đổi lấy cải cách và kêu gọi cuộc trưng cầu dân ý về khoản cứu trợ vào ngày 5/7.
Cho đến hôm thứ Bảy 27/6, lựa chọn cuối cùng để Athens có thể thanh toán khoản nợ cho IMF là cố gắng đạt được thỏa thuận về cải cách và nhận được khoản lãi 1,8 tỷ euro từ trái phiếu Hy Lạp mà Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) mua trong cuộc khủng hoảng nợ.
Nhưng vì Hy Lạp đã kết thúc các cuộc đàm phán về thỏa thuận vào đêm 26/6 và kêu gọi cuộc trưng cầu dân ý, khoản tiền trên không thể được giải ngân cho Hy Lạp để thanh toán nợ vào thứ Ba 30/6.
Kiểm soát vốn
Triển vọng vỡ nợ có thể khiến hệ thống ngân hàng Hy Lạp sụp đổ vào thứ Hai 29/6, buộc chính phủ phải áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn vào hôm Chủ nhật 28/6.
Nếu hoạt động rút tiền gửi không tăng vào thứ Hai, Hy Lạp sẽ chính thức mất khả năng thanh toán vào thứ Ba.
Sáng thứ Bảy 27/6 không có nhiều dấu hiệu cho thấy sự hoảng loạn, nhưng ngày càng có nhiều người đến các cây ATM rút tiền.
Điều gì xảy ra sau thứ Ba 30/6?
Ngay khi Hy Lạp được đưa vào danh sách “khất nợ” của IMF, chính phủ các nước eurozone sẽ phải quyết định liệu họ có muốn yêu cầu thanh toán toàn bộ các khoản vay hay không, áp dụng cái gọi là điều khoản vi phạm chéo (cross-default clause), cho phép các chủ nợ khác yêu cầu được thanh toán nợ nếu Hy Lạp mất khả năng thanh toán đối với một trong số các chủ nợ.
Các quan chức eurozone trước đó cho biết, họ không thể làm điều đó vì như vậy chỉ khiến tình hình tài chính Hy Lạp trở nên khó khăn hơn mà thôi. Quyết định như vậy rốt cuộc chỉ mang tính chính trị.
Phao cứu trợ của ECB
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ phải quyết định liệu có thể tiếp tục hỗ trợ hệ thống ngân hàng Hy Lạp bằng nguồn hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) vào tuần tới hay không sau khi Hy Lạp mất khả năng thanh toán khoản nợ của IMF.
Các quan chức ECB đã đánh tín hiệu rằng họ sẽ tiếp tục hỗ trợ các ngân hàng Hy Lạp miễn là có tài sản thế chấp. Tuy nhiên, việc mất khả năng thanh toán khoản nợ của IMF và không có hỗ trợ tài chính từ eurozone thông qua thỏa thuận tài chính đổi cải cách đồng nghĩa rằng giá trị tài sản thế chấp của Hy Lạp sẽ giảm mạnh, đặt dấu chấm hết cho nguồn hỗ trợ từ ECB.
Thanh toán trái phiếu do ECB nắm giữ
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng có thể chọn cách chờ đợi trước khi rút bỏ sự hỗ trợ cho đến này 20/7 khi Hy Lạp phải mua lại lượng trái phiếu đáo hạn trị giá 3,5 tỷ euro mà ECB đang nắm giữ.
Nếu Hy Lạp không trả được khoản nợ này và không thể tìm được khoản tiền nào nếu không nhận được sự hỗ trợ của eurozone, sẽ rất khó để ECB tiếp tục cung cấp thêm tiền cho các ngân hàng Hy Lạp.
Giấy nợ và ra khỏi eurozone
Nếu không nhận được sự hỗ trợ của ECB, hệ thống ngân hàng Hy Lạp có thể sẽ sụp đổ và Hy Lạp sẽ phải sử dụng đồng tiền song song dưới hình thức công cụ nợ như giấy nợ (IOU) để thực hiện các nghĩa vụ của chính phủ.
Đồng tiền song song với euro có thể trở thành đồng tiền mới của Hy Lạp. Hiện chưa rõ Hy Lạp có thể hoặc sẽ sẵn sàng sử dụng 2 đồng tiền trong bao lâu, một trong số đó - giấy nợ - sẽ mất giá rất nhanh.
Trưng cầu dân ý vào ngày 5/7
Người Hy Lạp có thể đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5/7 trong bối cảnh thiếu tiền mặt, kiểm soát vốn và có thể cả bất ổn xã hội. Chính phủ Hy Lạp đã hướng ý kiến công chúng đến việc nói “không” với yêu cầu của chủ nợ - có thể là lá phiếu cho việc rời khỏi khu vực đồng euro.
Hữu Thanh
Nguồn Reuters