Thứ Ba | 18/08/2015 08:45

Việc phá giá đồng nhân dân tệ tác động ra sao đến chuối và điện thoại?

Động thái điều chỉnh giảm tỷ giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc so với đồng USD đã tác động đến các thị trường tài chính toàn cầu.

Ảnh hưởng của nó đến người tiêu dùng trên khắp thế giới và các nước láng giềng của Trung Quốc sẽ cần thêm thời gian để có thể nhận thấy nhưng những ai được lợi và những ai sẽ chịu thiệt thì đã có thể điểm mặt.

Tác động đến giá tại các cửa hàng quần áo, hàng điện tử hay các sản phẩm khác của Trung Quốc nhìn chung có thể là không lớn, nhất là nếu đồng nhân dân tệ không giảm mạnh hơn.

Đồng nhân dân tệ giảm giá có tác động hai chiều đến các nhà sản xuất Trung Quốc, khi tạo lợi thế cho hàng xuất khẩu với giá rẻ hơn, nhưng lợi thế này sẽ không còn nếu một nhà máy phải nhập nhiều nguyên liệu thô được thanh toán bằng đồng USD hoặc các ngoại tệ khác. Các nhà sản xuất Trung Quốc cũng có thể phải đối mặt với chi phí nhân công tăng.

Một số nhà phân tích cho rằng đồng nhân dân tệ xuống giá hơn có thể giúp điện thoại thông minh giá rẻ của Trung Quốc xuất hiện rộng rãi hơn ở nước ngoài.

Các tập đoàn của nước này như Xiaomi và Huawei đã cho ra đời những mẫu điện thoại có giá cả cạnh tranh, mẫu mã bắt mắt và chất lượng tốt, và với một đồng nhân dân tệ yếu hơn, thì điện thoại thông minh của Trung Quốc có thể còn rẻ hơn nữa.

Nhìn rộng ra, các công ty Trung Quốc có thể có được cơ hội lớn hơn để tăng thị phần ở nước ngoài, một triển vọng sẽ khiến các công ty của Hàn Quốc về lâu dài phải lo ngại.

Giám đốc điều hành Hiệp hội người trồng và xuất khẩu chuối Philippines Stephen Antig cho rằng việc điều chỉnh giảm giá đồng nhân dân tệ rõ ràng sẽ có tác động đến tiêu dùng Trung Quốc và người trồng chuối Philippines.

Theo ông, Philippines xuất khẩu khoảng 60-70 triệu thùng chuối mỗi năm sang Trung Quốc với giá trung bình 5-10 USD/thùng và việc đồng nhân dân tệ giảm giá sẽ khiến người tiêu dùng Trung Quốc phải mua chuối nhập khẩu với giá cao hơn và một số nhà nhập khẩu sẽ giảm lượng nhập, tùy vào mức độ giảm giá của đồng tiền Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích Santitarn Sathirathai và Michael Wan ở Credit Suisse, Thái Lan, Malaysia, Hong Kong và vùng lãnh thổ Đài Loan có thể nằm trong số những nền kinh tế dễ bị tác động nhất, bởi vừa phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc cho việc xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, vừa cạnh tranh với Trung Quốc ở các thị trường xuất khẩu khác.

Ví dụ được đưa ra là tình trạng Thái Lan để mất thị phần sản phẩm ổ cứng trước Trung Quốc trong những năm gần đây có thể diễn ra nhanh hơn nếu xu hướng xuống giá của đồng nhân dân tệ tiếp tục.

Trong khi đó, quốc gia Đông Nam Á này cũng chịu rủi ro bởi phụ thuộc vào lượng du khách Trung Quốc. Người Trung Quốc sẽ thấy rằng việc du lịch nước ngoài tốn kém hơn (do đồng nhân dân tệ mất giá), trong bối cảnh du lịch dự kiến đóng góp khá lớn cho tăng trưởng kinh tế Thái Lan trong năm nay.

Các công ty đang cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ Trung Quốc có thể chịu thiệt hại nhất. Một ví dụ dễ thấy là trong ngành thép, các nhà sản xuất Hàn Quốc và Nhật Bản đang chịu tác động từ việc đồng nhân dân tệ xuống giá. Với nhu cầu trong nước yếu do nền kinh tế giảm tốc, các nhà sản xuất thép Trung Quốc tập trung vào tăng xuất khẩu.

Theo ông Tatsuro Kanno thuộc công ty Kobe Steel của Nhật Bản, đồng nhân dân tệ yếu có thể kéo giá thép Trung Quốc xuống, làm trầm trọng thêm tình trạng dư cung trên quy mô toàn cầu, và đẩy giá hạ. Trung Quốc có thể tăng xuất khẩu thép tới Nhật Bản, đặt ra thách thức cạnh tranh cho các nhà máy thép của Xứ hoa anh đào.

Đồng tiền yếu hơn nhìn chung có lợi cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc bởi khiến hàng hóa của họ rẻ hơn với người tiêu dùng nước ngoài. Nhưng có những yếu tố khác ảnh hưởng đến việc tiêu thụ hàng hóa.

Theo các chuyên gia phân tích, đợt điều chỉnh giảm giá đồng nhân dân tệ vừa qua không đủ lớn để giải quyết được vấn đề nhu cầu thấp trên toàn cầu và chi phí ở Trung Quốc tăng khiến lĩnh vực sản xuất gặp khó khăn.

Thêm vào đó, ảnh hưởng về lâu dài của việc đồng nhân dân tệ yếu có thể bị vô hiệu do các nước châu Á mà với nhiều nước trong số này, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, sẽ phá giá đồng tiền để duy trì khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, vẫn ít có dấu hiệu cho thấy sự manh nha của một "cuộc chiến tiền tệ" như vậy.

Nguồn Vietnam+