Vì sao Trung Quốc tăng trưởng chậm lại có lợi cho Mỹ và châu Âu?
Theo ông Neumann, dù nền kinh tế toàn cầu có thể gặp khó khăn lớn nếu Chính phủ Trung Quốc không làm gì để kích thích tăng trưởng, song tác động của khó khăn đó đến mỗi khu vực của thế giới lại không giống nhau.
Các quốc gia được cho là sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ sự suy thoái của Trung Quốc là: Australia, Canada, Brazil và Indonesia. Đây vốn là những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hóa, ông Neumann cho biết. Ngược lại, giá hàng hóa và dầu giảm do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại giúp thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ và, ở một mức độ nào đó, cả nền kinh tế châu Âu, ông Neumann nhận xét.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đồng thời là nhà nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới. Do đó, sự sụt giảm trong kinh tế Trung Quốc đang tác động tới các nguồn lực của nước này.
Trong tháng 4, nhập khẩu đồng của Trung Quốc đã giảm 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này dẫn đến việc giá đồng giảm xuống dưới mức 8.000 USD/tấn. Bên cạnh đó, tốc độ nhập dầu thô của Trung Quốc cũng chậm lại (trong tháng 4, lượng nhập dầu của Trung Quốc chỉ tăng 3,3% lên 22,26 triệu tấn, tốc độ chậm nhất kể từ đầu năm nay).
Trong khi góp phần làm giảm giá cả hàng hóa, suy thoái tại Trung Quốc cũng tác động trực tiếp lên tăng trưởng GDP toàn cầu. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đóng góp đối với nền kinh tế toàn cầu của Trung Quốc đã tăng từ 8% trong thập niên 1980 lên 31% trong giai đoạn từ 2010 đến 2013.
Theo chiến lược gia cao cấp về hàng hóa thuộc ngân hàng ANZ của Singapore, ông Nick Trevethan, sau khi bị hạ dự báo tăng trưởng GDP từ 9% xuống còn 8,6%, nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục có dấu hiệu xấu đi, và nhiều khả năng Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp vực dậy nền kinh tế.
Còn theo ông Neumann, trong trường hợp tệ nhất, nếu Bắc Kinh không thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng ngay trong mùa hè này, mục tiêu tăng trưởng GDP 6% của Trung Quốc cũng khó mà đạt được.
Nguồn CNBC/DVT