Tính từ đầu năm, Trung Quốc đã phải 4 lần hạ tỷ lệ dữ trữ nhằm bơm tiền vào nền kinh tế vốn đang tăng trưởng chậm lại. Ảnh: New York Times
Vì sao Trung Quốc phải gấp rút bơm tiền vào nền kinh tế?
→Nhân dân tệ trước "lằn ranh đỏ"
→Chính quyền Trump chống Trung Quốc toàn diện
Không phải do chiến tranh thương mại
Việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc khoảng 1% của PBoC được xem là 1 động thái khá bất ngờ của chính phủ Trung Quốc. Đây là lần thứ 4 trong năm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của hệ thông ngân hàng nước này được hạ xuống. Câu hỏi được quan tâm nhất hiện nay là Tại sao Trung Quốc phải gấp rút bơm tiền vào nền kinh tế lúc này?
Khi hơn 1,3 tỷ người dân Trung Quốc vẫn còn đang tận hưởng nốt ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ Quốc khánh thì Ngân hàng trung ương Trung Quốc bất ngờ phát đi thông báo sẽ hạ tỷ lệ dữ trữ bắt buộc 1 điểm phần trăm.
Theo đó, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại lớn sẽ ở mức 15,5% và 13,5% đối với các ngân hàng thương mại nhỏ hơn. Như vậy tính từ đầu năm, Trung Quốc đã phải 4 lần hạ tỷ lệ dữ trữ nhằm bơm tiền vào nền kinh tế vốn đang tăng trưởng chậm lại.
Câu hỏi đặt ra là có phải những căng thẳng thương mại với Mỹ là nguyên nhân dẫn đến những điều chỉnh chỉnh sách trên. Theo New York Times, câu trả lời là Không. Tờ này lập luận, tính đến hiện tại, chiến tranh thương mại không gây ra nhiều tác động với nền kinh tế quy mô 12.000 tỷ USD của Trung Quốc. Thương mại giờ đây không còn quá quan trọng nhờ sự trỗi dậy của một tầng lớp trung lưu vốn có sức mua lớn với hàng hóa Trung Quốc. Bắc Kinh đang đối diện với nhiều vấn đề hơn là cuộc chiến tranh thương mại.
Người tiêu dùng đang chi tiêu ít hơn. Doanh số bán lẻ tăng trưởng thấp nhất trong 1 thập kỷ. Mức lương có xu hướng đi xuống. Đầu tư hạ tầng, trụ cột quan trọng của kinh tế Trung Quốc, chững lại đáng kể trong nửa đầu năm 2018. Trong khi đó, tốc độ doanh nghiệp vỡ nợ trái phiếu tăng nhanh chóng. Đó là chưa kể một thị trường chứng khoán với nhiều biến động khi đã mất khoảng 15% giá trị, đồng Nhân dân tệ cũng mất giá hơn 10% so với đồng bạc xanh.
Tìm động lực từ nhu cầu nội địa
Nếu như trong năm 2017, xuất khẩu tăng trưởng mạnh là một đầu tàu của kinh tế Trung Quốc, thì năm nay, tăng trưởng xuất khẩu yếu đi đã trở thành một rào cản tăng trưởng đối với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới trong nửa đầu năm. Điều này đặt ra nhu cầu Trung Quốc cần đẩy mạnh nhu cầu nội địa để tạo ra một trụ cột cho tăng trưởng nếu Mỹ còn tiếp tục tăng thuế lên hàng hóa Mỹ.
Lo ngại hiện nay được nhiều chuyên gia đặt ra là liệu đồng Nhân dân tệ có tiếp tục mất giá trong bối cảnh lãi suất đồng USD sẽ còn tăng tới năm 2021 theo tuyên bố của Cục dữ trữ liên bang Mỹ FED.
Song PBOC cũng đã rất nhanh chóng khẳng định việc cắt giảm dự trữ sẽ không làm đồng tệ mất giá và chính sách tiền tệ nước này vẫn "thận trọng và trung lập".
Tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi “tự chủ”, sau khi chính phủ Trung Quốc chuyển trọng điểm kinh tế nhằm đối phó với cuộc chiến thương mại, đáng kể nhất là xếp việc giảm nợ, vốn là một ưu tiên trước đó, vào hàng thứ yếu.
Từ Kiến Vỹ, nhà kinh tế cấp cao của ngân hàng Natixis (Pháp) tại Hồng Kông, nói chính phủ Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác là phải tìm một con đường khác, thoát khỏi các chính sách tiền tệ của Mỹ. “Trong một cuộc chiến thương mại, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa khi niềm tin của các nhà đầu tư yếu đi… Trung Quốc do vậy buộc phải bơm tiền vào nền kinh tế”, ông nói.