Vì sao Trung Quốc muốn xây nhà máy điện hạt nhân nổi?
Mạng tin Want China Times dẫn báo cáo của tờ Want Daily cho biết, trong chuyến thăm Thượng Hải hồi tháng 5 năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký kết một hợp đồng về việc hai quốc gia cộng tác xây dựng một nhà máy điện hạt nhân nổi như vậy.
Căn cứ vào những thông tin được đăng tải trên trang web của Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc, mạng tin tức Đài Loan cho hay, nhà máy nổi này sẽ được sử dụng để cung cấp điện năng cho các cơ sở, nhà máy của Trung Quốc trên khu vực biển Đông.
Với trang bị một lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ, một số tàu thuyền có thể được sử dụng để khai thác tài nguyên thiên nhiên dưới đáy biển. Khi thảm họa thiên nhiên hoặc tai nạn bất ngờ xảy ra, việc trợ giúp khẩn cấp có thể được triển khai từ các trạm điện hạt nhân nổi trên mặt biển.
Ngoài ra, theo một số chuyên gia quân sự, nếu Trung Quốc có được kinh nghiệm trong việc vận hành những nhà máy điện hạt nhân nổi như thế này, họ sẽ có thể xây dựng được những lò phản ứng hạt nhân cho các hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong tương lai.
Trung Quốc hiện có kinh nghiệm sản xuất và sử dụng thiết bị năng lượng hạt nhân cho tàu ngầm, nhưng chưa thể sản xuất một lò phản ứng cung cấp đủ năng lượng cho một tàu sân bay. Nga có thể giúp Trung Quốc nắm chắc hơn nguyên lý chế tạo thiết bị năng lượng hạt nhân cho hàng không mẫu hạm.
Hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc có tên Liêu Ninh, được trang bị thêm các bộ phận mới và tân trang từ tàu sân bay mua cũ của Ukraine.
Trong khi đó, tờ Đại Công Báo của Hồng Kông cho rằng, Nga có thể sẽ không chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc vì lý do quân sự. Nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển sẽ được thiết kế để đáp ứng nhu cầu sử dụng dân sự, và đây là chương trình duy nhất mà ông Putin sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc.
Một số nguồn tin từ ngành công nghiệp đóng tàu Trung Quốc cho biết, kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi cũng sẽ mang lại lợi ích cho tỉnh Hồ Bắc. Hồ Bắc, tỉnh miền trung của Trung Quốc, hiện có tới 38 công ty đóng tàu và 21 viện nghiên cứu.
Nga hiện là nước duy nhất trên thế giới có nhà máy điện hạt nhân nổi. Nhà máy này mang tên Akademik Lomonosov, hiện đang được xây dựng tại một xưởng đóng tàu ở Saint Petersburg và sẽ được lái xuyên biển Nauy và biển Barents để đến Bắc Cực, nơi những nhà máy này sẽ cung cấp nhiệt và điện.
Được trang bị hai lò phản ứng hạt nhân KLT-40 mà các tàu phá băng của Nga hiện đang sử dụng, nhà máy này có thể cung cấp 70 MW điện hoặc 300 MW nhiệt cho thành phố Saint Petersburg. Akademik Lomonosov có khối lượng lên tới 21.500 tấn, có thể mang theo thủy thủ đoàn gồm 69 người.
Moscow chế tạo các nhà máy điện hạt nhân nổi, là nhằm hỗ trợ khai thác tài sản quý giá nhất của nước này, đó là dầu mỏ và khí đốt tại Siberia. Việc khai thác này đòi hỏi một lượng điện năng và nhiệt năng khổng lồ để đảm bảo cho cuộc sống của công nhân khai thác tại vùng đất có nhiệt độ dưới 0 độ C.
Những nhà máy điện hạt nhân nổi khá nhỏ về kích thước và tự vận hành nên sẽ rất phù hợp với các vùng nằm xa lưới điện. Dự kiến, nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên của Nga - Akademik Lomonosov sẽ đến bán đảo Kamchatka ở vùng Viễn Đông thuộc Nga và sẽ bắt đầu vận hành tại đó vào năm 2016.
Nguồn VnEconomy