Một đập thủy điện tại Campuchia trên dòng Mêkông với vốn đầu tư của Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Vì sao Trung Quốc muốn chi phối sông Mêkông?
Đập thủy điện vừa xảy ra sự cố sụp đổ khiến nhiều người chết vừa qua ở Lào chỉ là một trong hàng trăm con đập như thế phân bố dọc theo dòng Mêkông và các phụ lưu của nó. Sự cố cho thấy sự phát triển quá nhanh chóng của hệ thống đường thủy này, một hệ thống ngày càng mang tầm quan trọng một cách chiến lược đối với Trung Quốc và các quốc gia láng giềng của nước này.
Đối với hàng trăm ngàn người sống dọc bên bờ sông kéo dài từ Trung Quốc qua Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, con sông này là nguồn sống của họ. Nhưng dòng sông rất nổi tiếng trong phim ảnh và thu hút nhiều du khách này còn có ý nghĩa quan trọng hơn cả giao thương và thương mại. Hàng đống tiền đã được đổ vào đây khi các quốc gia, thông qua các công ty quốc doanh hoặc được nhà nước chống lưng, tranh nhau xây dựng các nhà máy thủy điện.
Cây gậy và củ cà rốt
Theo Bloomberg, Trung Quốc hiện đang là thế lực mạnh nhất trong khu vực, là nơi dòng sông này bắt nguồn tận trên cao nguyên Tây Tạng, và nước này hiện đang tăng cường sử dụng quyền lực kinh tế để đạt được các mục tiêu rộng hơn. Đạt được sự kiểm soát lớn hơn đối với dòng Mêkông (ở Trung Quốc gọi là Lancang - hay Lan Thương) thẳng tới khu vực phía nam sẽ cho Bắc Kinh tiếng nói lớn hơn trong việc sử dụng các tài nguyên của dòng sông, và lợi thế để ép các quốc gia phải đồng ý với các đòi hỏi chính trị của Trung Quốc.
Sức mạnh của sự ảnh hưởng này chưa được biểu lộ, nhưng nếu được thực hiện, nó có sức mạnh để gây ra đói kém, bất tuân dân sự và có khả năng lật đổ cả các chính phủ”, nguyên văn phát biểu của Elliot Brennan, một nhân viên nghiên cứu của Học viện Phát triển An ninh và Chính sách đặt tại Thái Lan.
Ông Brennan cũng cho biết: “Sự tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc lên hệ thống sông, bằng việc xây dựng các đập ở thượng nguồn và liên doanh xây đập ở hạ nguồn, là phân nửa của chiến lược ‘lát cắt xúc xích’ của nước này ở Đông Nam Á”. Phân nửa còn lại chiến lược này là gia tăng xây dựng chuỗi các đảo nhân tạo, cơ sở vật chất và khả năng quân sự.
Đập thủy diện Nam Tha 1 tại Lào do Trung Quốc xây dựng. |
Dòng Mêkông đôi khi được các quan sát viên mô tả là điểm nóng địa chính trị kế tiếp của khu vực. Tuy không đạt đến mức tranh chấp như ở biển Đông, nơi Trung Quốc đã chiếm đoạt hàng chục ngàn m2 đảo và thiết lập các tiền đồn quân sự trên các bãi đá lộ thiên nhỏ và các đảo cát; nhưng sớm muộn dòng Mêkông cũng sẽ mang ý nghĩa quan trọng hơn.
Đó là vì Mêkông mang rất nhiều vai trò: là tuyến đường thủy huyết mạch đổ ra biển, đi qua vựa lúa quan trọng của Đông Nam Á, nơi trồng lúa và các cây lương thực quan trọng khác, là nơi đánh bắt cá với sản lượng dồi dào, và là điểm thu hút khách du lịch.
Ở cả Mêkông và biển Đông, Trung Quốc đều đang sử dụng chiến thuật cây gậy (áp lực quân sự và ngoại giao) và củ cà rốt (đầu tư). Mặc dù các công ty Trung Quốc đã giúp cung cấp tài chính để mở rộng mạng lưới các đập nước dọc theo Mêkông, Trung Quốc cũng đang tìm cách mở rộng tối đa tiếng nói của mình trong việc quyết định cách vận hành dòng sông dài 4.350 km này.
Cơ chế vận hành mới
Được cùng nhau thành lập năm 1995, trong 20 năm, Ủy hội sông Mêkông là cơ chế chính trong việc quản lý dòng sông giữa các nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Điều đó đã thay đổi vào năm 2016, khi Trung Quốc chính thức đưa ra Cơ chế hợp tác Lancang – Mêkông (LMCM).
Thay vì làm việc với Ủy hội sông Mêkông, Trung Quốc lại tập trung vào việc xây dựng LMCM thành một tổ chức giúp khuyến khích sự phát triển của miền tây Trung Quốc, và hoàn thiện Sáng kiến Vành đai và Con đường của nước này.
Với các thành viên bao gồm toàn bộ các nước Đông Nam Á trên lục địa, về phạm vi thì LMCM bao quát hơn Ủy hội sông Mêkông. Nó đề cập đến các vấn đề bao gồm sức khỏe, giáo dục, cơ sở hạ tầng cũng như sự phát triển bền vững của dòng sông và sự hợp tác kinh tế xuyên biên giới. Nó cũng giúp quản lý các cuộc tuần tra chung bằng tàu quân sự của Trung Quốc.
Trong khi đó, Mỹ lại tập trung vào Sáng kiến hạ lưu sông Mêkông, một quan hệ đối tác thành lập vào năm 2009 để khuyến khích sự phát triển kinh tế bền vững và toàn diện giữa năm nước thuộc tiểu vùng hạ lưu sông Mêkông. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong một cuộc họp với nhóm này ở Singapore hôm thứ Sáu 03/8 đã nói rằng các nước Đông Nam Á là đối tác chiến lược quan quan trọng của Mỹ.
“Tạo ra sự tăng trưởng công bằng, bền vững, toàn diện cho tiểu vùng không chỉ đóng góp cho các nước ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN, mà còn đóng góp cho một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở cửa và tự do”, ông Pompeo đã phát biểu khi nhắc đến ASEAN.
Chợ đêm bên bờ sông Mêkông tại Lào. |
Các lời bình luận đã cho thấy nhiều việc. Tổ chức ASEAN nói chung đã kiềm chế không chỉ trích Trung Quốc vì các hành động của nước này ở biển Đông. Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh nước này chỉ giải quyết các tranh chấp chủ quyền với các nước Đông Nam Á trên cơ sở song phương, không thông qua ASEAN. Bên cạnh đó sự hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc cho Lào và Campuchia đã giúp nước này gây ảnh hưởng lên các nước trong khối ASEAN, vốn quyết định mọi việc bằng sự đồng thuận trong cả khối.
Trung Quốc xem LMCM như “một phần quan trọng” trong việc hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN, theo Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Các con đập thủy điện trên dòng Mêkông
Các nhà đầu tư Trung Quốc đang giải ngân các dự án khổng lồ ở hạ lưu, đặc biệt là ở Lào, Campuchia và Myanmar. Ông Matt Busch, một nhà nghiên cứu thuộc chương trình Đông Á của Lowy Institute cho biết lãnh đạo các quốc gia nhỏ và nghèo như Lào và Campuchia khó mà từ chối các khoản đầu tư này."Tuy nhiên, một đặc điểm quan trọng của dòng Mêkông là dòng chảy địa lý của nó cũng phản ánh thứ bậc địa chính trị của khu vực: một Trung Quốc hùng mạnh ở đầu nguồn, các quốc gia kém phát triển hơn ở cuối nguồn”, theo Sebastian Strangio, một nhà nghiên cứu tại Thái Lan, tác giả một quyển sách về tác động của sự ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Ông Busch cho rằng: “Với việc các cấu trúc quản trị của dòng Mêkông không còn hoạt động tập thể và hiệu quả nữa, có lẽ chúng ta sẽ còn được thấy nhiều quốc gia sẽ hành động một mình để đạt được những gì mà học cho là lợi ích ngắn hạn của họ.”