Thứ Năm | 05/03/2015 15:01

Vì sao Trung Quốc không ngừng tăng ngân sách quốc phòng?

Bất chấp tình hình kinh tế khó khăn, dự toán ngân sách quốc phòng Trung Quốc vẫn duy trì mức phát triển hai con số.

Dự toán ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2015 sẽ đạt mức 144 tỷ USD, tăng 10,1% so với năm ngoái, Xinhua dẫn báo cáo ngân sách chính phủ hôm nay cho biết. Quốc gia này hiện đang có mức chi tiêu quân sự lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

Hãng thông tấn nhà nước cũng cho hay đây là mức tăng trưởng kinh phí quốc phòng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, do nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối diện với nguy cơ suy thoái.

Theo báo cáo chính phủ công bố sáng nay, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2015 sẽ giảm xuống mức 7%, thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng 7,4% trong năm 2014.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng, việc Bắc Kinh vẫn duy trì mức độ tăng trưởng ngân sách quốc phòng trên hai con số trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cho thấy quyết tâm hiện đại hóa quân đội của giới lãnh đạo nước này.

"Tại Trung Quốc, tăng trưởng dự toán quốc phòng luôn lớn hơn tăng trưởng kinh tế. Nhưng sự khác biệt lớn như thế này cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc muốn tăng chi tiêu quân sự bất kể thế nào đi chăng nữa", New York Times dẫn lời ông Richard Bitzinger, chuyên gia nghiên cứu quân sự Trung Quốc thuộc Viện nghiên cứu Rajaratnam, Đại học Quốc gia Singapore, cho biết.

Chuyên gia phân tích Phillip Saunders thuộc Đại học Quốc phòng Washington cho rằng việc so sánh hai số liệu trên rất quan trọng, bởi điều này cho thấy địa vị của quân đội trong hệ thống chính trị Trung Quốc, nếu giành được nhiều sự ủng hộ và nguồn lực hơn các cơ quan khác. Trước đây, chi phí quốc phòng từng có thời kỳ thấp hơn chi phí an ninh nội địa.

Mặt khác, chi tiêu quân sự thực tế của Trung Quốc được cho là lớn hơn dự toán công khai từ 40% đến 55%. Theo tính toán của Công ty tư vấn quân sự IHS Jane's, chi tiêu quân sự thực tế của nước này năm 2014 đạt mức 148 tỷ USD, trong khi con số công bố chỉ có hơn 130 tỷ USD.

"Đây là bởi dự toán ngân sách quốc phòng không bao gồm các chi phi nhập khẩu, nghiên cứu vũ khí công nghệ cao, quỹ hưu trí và kinh phí duy trì lực lượng chống hạt nhân", bình luận viên Charles Clover của Financial Times cho hay.

Cùng với việc Trung Quốc nỗ lực tạo dựng địa vị một siêu cường quốc đang trỗi dậy, Bắc Kinh sẽ tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống vũ khí công nghệ cao. Theo kế hoạch cải cách quân sự toàn diện công bố năm 2013, nước này sẽ tập trung hiện đại hóa hải quân và không quân, hai lực lượng chủ đạo trong chiến tranh hiện đại.

"Hiện đại hóa quân đội và chế tạo vũ khí trang bị tiên tiến là lĩnh vực trọng điểm mà Trung Quốc nhấn mạnh và tăng cường đầu tư", chuyên gia Saunders nhận định. "Ngoài ra, quân Giải phóng Trung Quốc cũng nhấn mạnh tăng cường huấn luyện phố hợp và tập trận thật để nâng cao khả năng có thể chiến thắng của quân đội".

Trong khi đó, giới chức Trung Quốc cho rằng chi tiêu quốc phòng của nước này không thấm vào đâu nếu so với Mỹ và chính sách quốc phòng của Bắc Kinh là mang tính phòng thủ, trong khi nền quân sự còn nhiều hạn chế. Dự toán quốc phòng Mỹ năm tài khóa 2015-2016 là 585 tỷ USD.

"Bài học lịch sử của chúng tôi cho thấy, lạc hậu sẽ bị đánh, điều này chúng tôi sẽ không bao giờ quên. Đất nước của chúng tôi cần hiện đại hóa, một trong những nội dung quan trọng là hiện đại hóa quốc phòng", bà Phó Doanh, người phát ngôn của Quốc hội Trung Quốc, hôm qua cho biết. "Trình độ quân bị tổng thể của chúng tôi vẫn còn hạn chế, cần thêm thời gian".

Cùng chung quan điểm trên, thiếu tướng về hưu Từ Quang Dụ cho rằng mức độ tăng trưởng chi tiêu quốc phòng hai con số vẫn sẽ tiếp tục trong nhiều năm sau. Ông Từ hiện là cố vấn cao cấp của Hiệp hội Kiểm soát và Cắt giảm Quân sự Trung Quốc.

"Chi tiêu quân sự tính theo đầu người của Trung Quốc còn rất thấp, thấp hơn nhiều so với Nhật Bản và Mỹ. Vì vậy, mức tăng trưởng kinh phí quốc phòng cao có thể sẽ tiếp tục trong vòng 10 năm, thậm chí là lâu hơn thế", tướng Từ nói. "Tôi dự đoán, sẽ đến khi chi tiêu theo đầu người đạt bằng mức của Nhật Bản".

Các nước láng giềng lo ngại

 

 Tuy nhiên, việc quân đội Trung Quốc không ngừng được hiện đại hóa khiến Mỹ và các nước láng giềng có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh ngày càng lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh nước này có hàng loạt hành động gây hấn trong thời gian qua.

Cuối năm 2013, Trung Quốc đơn phương thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bao gồm quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản. Giữa năm 2014, nước này còn hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 nằm sâu trong vùng biển của Việt Nam, đồng thời cũng đang tiến hành xây đảo trái phép tại Biển Đông.

"Các nước láng giềng đang cảm nhận mối uy hiếp gia tăng từng năm từ sức mạnh của quân đội Trung Quốc", ông Tất Thành Võ, tổng biên tập tạp chí quân sự Công nghệ Mũi nhọn của Đài Loan, bình luận.

Theo Wall Street Journal, Ấn Độ đang thiết lập một binh đoàn miền núi đóng quân dọc theo đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc trên dãy Himalaya. New Delhi cũng tiến hành thử nghiệm tên lửa đạn đạo với tầm bắn đạt gần 5.000 km, có thể tấn công thẳng vào lòng Trung Quốc.

Trong khi đó, Nhật Bản lại đang thúc đẩy tiến trình sửa đổi Hiến pháp Hòa bình, để chuyển Lực lượng Phòng vệ thành quân đội chính quy và  tăng ngân sách quốc phòng thêm 2%, áp dụng trong năm tài khóa tới đây, bắt đầu từ ngày 1/4. Tokyo cũng xây dựng đơn vị tác chiến đổ bộ đầu tiên của mình để bảo vệ quần đảo tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông.

Philippines đã đặt hàng nhiều chiến đấu cơ của Hàn Quốc, trị giá khoảng 410 triệu USD, đồng thời dành ra gần 1,8 tỷ USD để mua sắm, cải tiến các khí tài hạng nặng trong hai năm tới.

Tuy không có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Thái Bình Dương, Mỹ vẫn tuyên bố có lợi ích tại đây với nhu cầu duy trì ổn định và tự do hàng hải tại khu vực. Với chiến lược xoay trục về châu Á, Washington tăng cường hợp tác trên mọi mặt với khu vực, đồng thời ủng hộ nỗ lực củng cố quân sự của đồng minh, nhằm ngăn chặn sự cạnh tranh của Bắc Kinh với địa vị chủ đạo của mình tại đây.

Giới quân sự Mỹ đặc biệt theo sát những thay đổi của quân đội Trung Quốc, đồng thời thường xuyên yêu cầu Bắc Kinh minh bạch hóa chi tiêu quân sự. "Cần tăng cường đối thoại với quân đội Trung Quốc và yêu cầu họ minh bạch hóa, để tránh những phán đoán sai lầm giữa Bắc Kinh với Mỹ, cũng như đồng minh của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương", tướng Vincent Brooks, tư lệnh Lục quân Mỹ tại Thái Bình Dương, cho biết.

Tướng Brooks cũng cho rằng, việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự là điều có thể dự đoán được khi nền kinh tế của nước này phát triển nhanh chóng, nhưng một số quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương coi các hành động khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh là "khiêu khích và mang tính can thiệp".

"Tốc độ tăng trưởng chi phí quân sự nhanh chóng của Trung Quốc không khiến người ta lo lắng, trừ phi chúng tôi phát hiện ra Trung Quốc dùng nguồn kinh phí không ngừng gia tăng đó cho các hành động khiêu khích", tướng Brooks kết luận.

Nguồn VnExpress