Thứ Ba | 21/08/2012 19:04

Vì sao Trung Quốc không nên đối đầu với Nhật Bản?

Khả năng trừng phạt của chính phủ Trung Quốc đối với Nhật Bản liên quan đến việc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bị giới hạn.
Không những là cường quốc đang nổi lên và đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc còn là quốc gia đông dân nhất, chiếm hơn 1/7 dân số toàn cầu.

Với sức mạnh kinh tế và quân sự không ngừng tăng trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc dần khẳng định vị thế là siêu cường số 1 của khu vực châu Á tiềm năng.

Mặt khác, các công ty trong nước của Nhật Bản như Toyota và Sony rất cần thị trường tiêu thụ rộng lớn của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc còn là nhà cung cấp lớn nhất thế giới về đất hiếm, nguyên liệu quan trọng sử dụng để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như ô tô của Nhật Bản.

Tuy nhiên, hiện tại chính phủ Nhật Bản và các doanh nghiệp đang áp dụng việc mở rộng nguồn cung đất hiếm ngoài thị trường Trung Quốc như Việt Nam nhằm đảm bảo tính ổn định lâu dài. Điều này đã được thể hiện qua lượng nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2012 của Nhật Bản từ Trung Quốc là 3.007 tấn, chiếm 49,3% tổng lượng đất hiếm nhập khẩu và giảm mạnh so với con số 90% cùng kỳ năm 2009.

Do vậy, khả năng thực hiện các biện pháp trừng phạt liên quan đến tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đối với Nhật Bản của chính phủ Trung Quốc bị giới hạn. "Chính phủ Trung Quốc sẽ phải thận trọng", ông Ting Wei, giáo sư nghiên cứu các vấn đề quốc tế và trong nước tại Đại học Baptist Hong Kong cho biết.

Các nhà hoạt động Nhật Bản đổ bộ lên đảo tranh chấp.
Các nhà hoạt động Nhật Bản đổ bộ lên đảo tranh chấp.

Cuối tuần trước, một nhóm các nhà hoạt động Nhật Bản đã đổ bộ xuống một trong những hòn đảo tranh chấp với Trung Quốc sau khi chính quyền Tokyo bắt giữ và trục xuất các nhà hoạt động từ Hong Kong đổ bộ xuống hòn đảo này. Động thái này đã khiến Trung Quốc tức giận và hàng ngàn cuộc biểu tình chống Nhật Bản đã diễn ra trên khắp đất nước Trung Quốc.

Trong khi đó, ngày 19/8, các cuộc biểu tình hô vang khẩu hiệu tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật Bản và đốt cờ Nhật đã diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố của Trung Quốc vào ngày 19/8 sau khi Tokyo bắt giữ và trục xuất 14 công dân nước này vì đã đặt chân lên quần đảo tranh chấp trên Biển Hoa Đông mà Nhật Bản gọi là Senkaku, còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.

Không chỉ tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, Trung Quốc còn đang phải đối mặt với các vụ tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam và Philippines. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tranh chấp biên giới với Ấn Độ.

Với quá trình chuyển đổi lãnh đạo diễn ra tại Đại hội đảng Cộng sản sắp tới, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không muốn khủng hoảng chính trị leo thang khiến các nước châu Á thận trọng và tìm đến sự bảo vệ của Mỹ để chống lại Bắc Kinh.

Hơn nữa, Nhật Bản thực sự đang kiểm soát các hòn đảo. Do đó, việc gây chú ý về tranh chấp lãnh thổ sẽ không mang lại lợi ích cho Trung Quốc. Mặt khác, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng "không muốn các cuộc biểu tình tiếp tục kéo dài và phát triển thành phong trào quốc gia chống Nhật Bản", ông Ting cho biết.

Nếu người dân Trung Quốc cảm thấy chính phủ không đủ khả năng, họ sẽ "quay sang chỉ trích chính phủ của mình" và đây sẽ là "cơn ác mộng" đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Ting cho biết.

Các cuộc biểu tình chống Nhật Bản của người dân Trung Quốc.
Các cuộc biểu tình chống Nhật Bản của người dân Trung Quốc.

Hiện tại, chính phủ Trung Quốc đang cố gắng ngăn chặn các cuộc biểu tình chống Nhật Bản trước khi những cuộc biểu tình này mất kiểm soát. "Lòng yêu nước là hành động cao quý, tuy nhiên người dân nên tránh các hành vi bất hợp pháp hoặc liên quan đến bạo lực", Tân Hoa xã bình luận.

Chính phủ Trung Quốc khuyến khích công dân "thể hiện lòng yêu nước một cách hòa bình, đồng thời phản đối tình yêu nước mù quáng có thể gây ra bạo lực", ông Ting nói thêm.

Về phía Nhật Bản, nước này cho rằng tranh chấp lãnh thổ sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ với Trung Quốc và Nhật bản muốn tiếp tục đưa quan hệ song phương giữa 2 nước đi vào chiều sâu để mang lại lợi ích cho cả 2 bên.

Quan hệ Trung Quốc- Nhật Bản là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất đối với Nhật Bản và là không thể thiếu đối với sự ổn định và thịnh vượng của khu vực châu Á- Thái Bình Dương, mà Trung Quốc đóng vai trò xây dựng. Nhật Bản mong muốn tiếp tục làm sâu sắc thêm những mối quan hệ có lợi cho cả hai nước, chánh văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho biết.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong khu vực có nguồn thủy hải sản dồi dào.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong khu vực có nguồn thủy hải sản dồi dào.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gồm 5 đảo và 3 bãi đá ngầm ở biển Hoa Đông, cách đảo Okinawa khoảng 400 km về phía tây. Quần đảo này nằm trong khu vực có nguồn thủy hải sản dồi dào và có thể chứa nguồn khoáng sản có giá trị. Chuỗi đảo cũng từng là nơi sinh sống của ngư dân Nhật Bản trước chiến tranh thế giới thứ 2.

Tranh chấp trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một trong những vấn đề tồn đọng trong mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong gần 7 thập kỷ sau khi Thế chiến II kết thúc.

Trong năm 2010, căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh bùng lên sau khi Nhật Bản bắt giữ một tàu đánh cá của Trung Quốc va chạm với tàu tuần tra của Nhật Bản ở vùng biển tranh chấp này.

Không những thế, căng thẳng còn dâng cao trở lại hồi tháng 4 sau khi thống đốc Tokyo Shintaro Ishihara thông báo quyên tiền mua lại đảo từ chủ sở hữu tư nhân người Nhật. Chính phủ nước này sau đó cũng tuyên bố kế hoạch quốc hữu hóa hòn đảo khiến Bắc Kinh phản ứng gay gắt.

Nguồn Business Week/Khampha


Sự kiện