Vì sao Trung Quốc bất ngờ hành động xoa dịu khủng hoảng tín dụng?
Theo đó, PBOC đã bơm 17 tỷ nhân dân tệ (tương đương 2,8 tỷ USD) vào các thị trường tiền tệ thông qua các hợp đồng repo đảo ngược kỳ hạn 7 ngày. Đây là lần đầu tiên PBoC tham gia vào các hoạt động thị trường mở kể từ hôm 20/06 và là lần đầu tiên PBOC bơm tiền kể từ đầu tháng 2/2013.
Nhà kinh tế Wee-Khoon Chong của Societe Generale nhận định: "Tôi nhận thấy mức độ của hoạt động repo thể hiện sự thay đổi trong quan điểm của PBOC nhằm chủ động quản lý các điều kiện của thị trường tiền tệ và đẩy lùi nguy cơ quay trở lại của cuộc khủng hoảng tín dụng như trong tháng 6".
Ông cho biết thêm: "Đó cũng là tín hiệu cho thấy kỷ nguyên của chính sách tiền tệ siêu lỏng cũng như dòng tiền rẻ đã kết thúc và thanh khoản phải được chiết khấu hợp lý (dĩ nhiên là có một độ trễ nhất định)".
Các nhà phân tích cho rằng chất xúc tác cho động thái của PBOC là sau khi lãi suất repo kỳ hạn 7 ngày tăng vọt lên mức 5% phiên thứ hai liên tiếp trong ngày thứ Ba. Được biết vào hôm thứ Sáu tuần trước, lãi suất repo kỳ hạn này đã vọt lên 4%. Sau động thái bơm tiền của PBoC trong ngày thứ Ba, lãi suất repo kỳ hạn 7 ngày lùi nhẹ xuống dưới ngưỡng 5%.
"Ngân hàng trung ương đã ứng phó với các điều kiện thắt chặt quá mức trên thị trường tiền tệ - một tín hiệu cho thấy chính sách tiền tệ đang muốn hỗ trợ tăng trưởng. Đây là điều tích cực đối với cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc", nhận định của ông Dariusz Kowalczyk - nhà kinh tế cấp cao phụ trách khu vực châu Á (trừ Nhật Bản) của Credit Agricole.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng hồ hởi chào đón thông tin này, dẫn đầu là cổ phiếu của China Merchants Bank với mức tăng 2%, trong khi China Minsheng Banking và Pudong Development Bank phục hồi hơn 1%, vượt mức tăng 0,7% của toàn thị trường.
Tất cả vì mục đích bình ổn
Động thái bơm tiền trong ngày thứ Ba đã khiến nhà đầu tư thắc mắc tại sao PBOC lại hành động lúc này mà không phải cách đây một tháng. Lãi suất thị trường tiền tệ tăng vọt lên các mức cao kỷ lục trong tháng 6 và PBOC đã quyết định không hành động nhằm buộc các nhà cho vay trong nước chặn đứng tình trạng tăng trưởng tín dụng quá mạnh mẽ.
Tuy nhiên, nỗi lo sợ rằng thắt chặt tín dụng có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế và khiến tăng trưởng giảm tốc đã châm ngòi cho tâm lý hoảng loạn và tác động tiêu cực đến các thị trường cổ phiếu toàn cầu.
Nhà kinh tế cấp cao Kowalczyk của Credit Agricole cho rằng động thái của PBOC cũng nhằm ổn định các điều kiện thanh khoản khi vốn đầu tư ngày càng bị thất thoát mạnh.
Số liệu tuần trước từ PBOC cho thấy lượng mua ngoại tệ của các tổ chức tài chính - một chỉ báo về dòng vốn đầu tư - giảm 6.6 tỷ USD trong tháng 6.
Ông Kowalczyk cho biết: "Các khách hàng doanh nghiệp đã và đang gửi đôla ra nước ngoài nhiều hơn là nhận vào và đây là yếu tố có thể thay đổi cục diện của thị trường tiền tệ vì lượng vốn nhận vào đã trở thành tâm điểm của dòng thanh khoản. Hiện nay tình trạng này đã bị đảo ngược, các điều kiện đang bị thắt chặt và PBOC đang cố gắng cung cấp một lượng thanh khoản rất lớn".
Sẽ tiếp tục can thiệp?
Hoạt động thị trường tiền tệ trong ngày thứ Ba của PBOC cũng làm dấy lên kỳ vọng về việc PBOC sẽ tiếp tục bơm thêm vốn.
Steve Wang, nhà kinh tế người Trung Quốc của Reorient Research nhận định: "Chúng tôi nhận thấy PBOC sẽ tiếp tục bơm thêm thanh khoản trong tháng 8 do thanh khoản vẫn đang trên đà sụt giảm mạnh".
Tuy nhiên theo các nhà phân tích, khả năng bơm tiền mặt trong tương lai có thể phụ thuộc vào sự rút lui của dòng vốn và liệu lãi suất thị trường tiền tệ có suy giảm.
Nguồn Vietstock/Infonet