Vì sao Trump muốn tư nhân hóa ngành kiểm soát không lưu Mỹ?
Hồi đầu tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra đề xuất muốn tư nhân hóa việc kiểm soát không lưu ở nước này. Theo đó, kế hoạch này sẽ tạo ra một tập đoàn hoạt động không vì lợi nhuận (not-for-profit) nhằm quản lý các tháp không lưu và không phận tại Mỹ, cùng tất cả những quy trình giúp cho các chuyến bay được về đích an toàn. Và điều đó sẽ nghĩa là việc kiểm soát không lưu sẽ không còn dựa vào nguồn ngân sách do người dân Mỹ đóng thuế góp vào.
Phe ủng hộ cho rằng động thái này sẽ đẩy nhanh việc hiện đại hóa không phận Mỹ. Trong khi đó, phe phản đối lại cho rằng điều nay sẽ trao quá nhiều quyền lực vào tay các hãng hàng không và sẽ khiến cho những người có máy bay riêng khó tiếp cận được bầu trời.
Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề này đều xoay quanh tiền bạc. Hiện nay, các máy bay đều không phải trả tiền để sử dụng không phận Mỹ - cho dù đó là chiếc siêu phản lực Airbus A380 500 chỗ ngồi hay chiếc Cessna 172 chỉ vỏn vẹn có 4 chỗ. Trong một hệ thống không lưu được tư nhân hóa, những máy bay đó phải đóng phí, có thể sẽ được căn cứ theo kích thước và quãng đường.
Trump ký vào bản đề xuất việc tư nhân hóa hoạt động kiểm soát không lưu. Ảnh: financialexpress.com |
Nước Mỹ hiện đang điều khiển không lưu bằng hệ thống radar đặt trên mặt đất được lắp đặt sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Mọi người đều đồng ý rằng việc nâng cấp và chuyển sang theo dõi bằng GPS hiện đại, việc tường thuật vị trí được tự động hóa (APRS) và liên lạc bằng kĩ thuật số sẽ làm tăng sự hiệu quả và công suất sử dụng không phận. Điều đó nghĩa là sẽ có nhiều tuyến đường bay trực tiếp hơn, phi công và nhân viên kiểm soát sẽ làm ít việc hơn, và công suất sử dụng không phận sẽ được tăng lên bằng cách cho phép các máy bay bay gần nhau hơn mà vẫn đảm bảo được độ an toàn.
Các hãng hàng không cho biết thế hệ máy bay mới nhất của họ hiện đã sẵn sàng cho một hệ thống được cập nhật, dù Hiệp hội Hàng không Liên bang (FAA) chưa sẵn sàng.
Oscar Munoz, CEO của hãng United Airlines, cho rằng hệ thống hiện tại giống như việc “có một con đường rải sỏi trong khi chúng ta lại cần một xa lộ. Bạn sẽ không bao giờ lái chiếc Ferrari của mình trên một con đường đầy sỏi”.
Từ năm 2004 đến 2016, quốc hội Mỹ đã giao cho FAA 7,4 tỉ USD để tiến hành kế hoạch hiện đại hóa có tên là NextGen.
Nhiều phần của kế hoạch này hiện đã đi vào hoạt động. Hơn 8.000 tuyến bay dựa trên GPS để ra vào các sân bay đã được đưa vào hoạt động, và việc liên lạc bằng kĩ thuật số đang được sử dụng tại các sân bay nhộn nhịp nhất của Mỹ.
Năm 2016, Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ (GAO) cho biết một số tính năng lớn, trong đó có việc theo dõi bằng GPS, sẽ sẵn sàng vào năm 2020 và hầu hết sẽ được đưa vào hoạt động và vận hành vào năm 2025.
Với chiều cao 121m, tháp không lưu tại Sân bay Quốc tế Atlanta là tháp không lưu cao nhất nước Mỹ và cao thứ 3 thế giới. Ảnh: lightsandcarhire.co.uk |
FAA đã lên tiếng bảo vệ cho việc tiến hành kế hoạch NextGen của họ. Michael Huerta, người đứng đầu FAA, nói rằng NextGen đã giúp cho các hãng hàng không và hành khách tiết kiệm chi phí hơn 2,7 tỉ USD. Ông cho rằng con số đó sẽ tăng lên 13 tỉ USD vào năm 2020 và 160 tỉ USD vào năm 2030.
Dù các hãng hàng không có thể muốn FAA hiện đại hóa nhanh hơn nữa, nhưng hầu hết các máy bay của họ thậm chí chưa sẵn sàng cho một hệ thống GPS. Hiện tại, không chiếc nào trong đội bay của Southwest Airlines sẵn sàng chuyển sang một hệ thống GPS, và chỉ 10% trong đội bay của American Airlines là sẵn sàng. Còn với Alaska Airlines và Virgin America thì con số đó là 25%, và JetBlue là 30%. Tất cả các hãng hàng không đều nói rằng họ sẽ sẵn sàng trước thời hạn cuối cùng do FAA quy định là năm 2020.
Canada đã tư nhân hóa việc kiểm soát không lưu của họ vào năm 1996, và kể từ đó, mức độ an toàn cũng như hiệu quả trong ngành hàng không của họ là rất đáng nể. Tuy nhiên, những người chỉ trích việc tư nhân hóa lại cho rằng lưu lượng chuyến bay của Canada chỉ tương đương với lưu lượng của 2 sân bay Houston và Dallas gộp lại, còn thua khá xa nếu so với cả nước Mỹ.
Hệ thống kiểm soát không lưu không vì lợi nhuận của Canada cũng đã đầu tư vào việc cải thiện mức độ hiệu quả, và giúp cho các hãng hàng không cũng như hành khách tiết kiệm được nhiều chi phí.
Các hãng hàng không và những nhân viên kiểm soát không lưu hiện rất thích ý tưởng tư nhân hóa vì họ cho rằng nó sẽ tạo ra nguồn ngân quỹ vững chắc hơn. Họ đang háo hức chờ ngày “thoát” được quy trình ngân sách liên bang rối rắm hiện đang cấp tiền cho FAA.
Các hãng hàng không Mỹ tranh luận rằng hệ thống không lưu lỗi thời là nguyên nhân của nhiều trục trặc trong ngành này, nhưng chính họ cũng là người đáng trách.
Theo Cục Thống kê Vận tải Mỹ (BTS), hơn phân nửa số vụ hoãn lại của các chuyến bay từ tháng 1 đến tháng 3/2017 là do những vấn đề hoạt động của các hãng hàng không, trong khi chỉ có 25% là do các vấn đề trong việc kiểm soát không lưu.
Hiện đại hóa việc kiểm soát không lưu sẽ không giải quyết được việc hoãn chuyến bay – cho dù nó có được tư nhân thực hiện hay không. Theo giới chuyên gia lên tiếng, các hãng hàng không phải quản lý lịch trình của mình trong thời gian thực cẩn thận hơn để giảm việc hoãn chuyến.
Như vậy, xem ra việc tư nhân hóa chuyện kiểm soát không lưu theo ý nguyện của ông Trump vẫn còn nhiều điều cần phải làm. Trước mắt, ông Trump đã gặp phải khá nhiều sự phản đối ngay tại Quốc hội Mỹ, từ các nghị sĩ của cả 2 đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa.
Lê Thanh Hải
Nguồn CNN