KCNA/CNBC
Vì sao Triều Tiên hay mang tên lửa và hạt nhân ra hăm dọa?
Ai cũng nghĩ rằng những động thái thử tên lửa và vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là để "diễu võ giương oai", nhưng hóa ra chúng lại mang đến những lợi ích kinh tế đáng kể cho quốc gia khép kín này.
Sung-Yoon Lee, Giáo sư chuyên nghiên cứu về bán đảo Triều Tiên tại trường The Fletcher thuộc Đại học Tufts, nói với CNBC: "Đối với Bình Nhưỡng, những hành động khiêu khích sẽ mang lại lợi ích. Trong khi những hành vi hữu hảo chỉ mang đến sự thờ ơ của những người hàng xóm giàu có, việc khiêu khích sẽ giúp nước này được vay thêm tiền và nhận hàng tỉ USD viện trợ".
Theo ông Lee, chính các quốc gia vốn hay cảnh cáo lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vẫn thường cung cấp nhiều khoản viện trợ ngoại giao với quan điểm "kiểm soát thiệt hại, tức là tìm cách để Triều Tiên lùi bước và ngưng gây chú ý". Ông Lee nói thêm: "Việc tạo ra những bất ổn từ lâu đã là cách Bình Nhưỡng hay dùng để tìm kiếm lợi ích từ các nước khác".
Trong vòng 25 năm qua, Triều Tiên đã thu về được 20 tỷ USD tiền mặt, thực phẩm, nhiên liệu và thuốc từ Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, theo lời ông Lee. Trước đây, ông Lee đã từng tham gia phiên điều trần của chính phủ Mỹ về chính sách với Triều Tiên, trong tư cách một chuyên gia.
Bình Nhưỡng thường đưa ra các cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân - như vào năm 2007, nước này đã đồng ý vô hiệu hóa tất cả các cơ sở hạt nhân để đổi lấy dầu lửa hoặc viện trợ kinh tế. Tuy nhiên, việc giải trừ hạt nhân không bao giờ được thực hiện.
Gần đây, chính quyền Kim Jong Un nói rằng họ sẵn sàng ngưng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa nếu Washington ngừng các cuộc tập trận chung với Seoul.
Ông Lee giải thích rằng những hành động gây hấn của Triều Tiên thường đi kèm với các cuộc đàm phán và nhượng bộ từ cộng đồng quốc tế. Và cái vòng luẩn quẩn này sẽ còn tiếp tục.
Trong tương lai, Bình Nhưỡng có thể tiếp tục tận dụng chu kỳ này để đòi thêm tiền bạc và viện trợ từ chính phủ Hàn Quốc của Tổng thống Moon Jae-in, người vốn ủng hộ quan hệ liên Triều và đề xuất tăng viện trợ nhân đạo.
Những khoản tiền tỷ đô
Theo số liệu của chính phủ Mỹ, Washington đã viện trợ 1,3 tỉ USD vô điều kiện cho Triều Tiên từ năm 1995 đến năm 2008. Khoảng 60% trong số đó là viện trợ lương thực, và phần còn lại là hỗ trợ năng lượng.
Gần đây hơn, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã gửi 1 triệu USD để cứu trợ lũ lụt cho Triều Tiên thông qua Liên Hiệp Quốc vào tháng 1 năm nay, trước khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền. Đây là lần viện trợ nhân đạo đầu tiên của Mỹ cho Triều tiên kể từ năm 2011, khi Washington trao cho Bình Nhưỡng 900.000 USD thông qua các tổ chức cứu trợ độc lập.
Một đặc điểm của các khoản viện trợ nhân đạo là chúng không chịu sự ràng buộc bởi các lệnh trừng phạt quốc tế. Hàn Quốc đã chính thức viện trợ cho Triều Tiền 7 tỷ USD từ năm 1998 đến năm 2007 dưới dạng tiền mặt, lương thực, phân bón, vật tư y tế.
Ông Lee nói thêm: "Dập tắt căng thẳng và đưa Bình Nhưỡng trở lại khuôn khổ quốc tế là luôn là ưu tiên hàng đầu của mọi chính phủ tại Hàn Quốc”.
Năm 2013, Seoul đã thông qua khoản viện trợ 6 triệu USD dành cho trẻ em Triều Tiên. Hồi tháng trước, chính quyền của Tổng thống Moon cũng cho biết sẵn sàng viện trợ 6 triệu USD để giúp người anh em phía Bắc tiến hành điều tra dân số.
Theo ước tính của Lee, Trung Quốc cũng đã viện trợ cho Bình Nhưỡng khoảng 1-1,5 tỷ USD kể từ năm 2003. Theo Lee, Bắc Kinh sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ Triều Tiên cả về kinh tế và chính trị để bảo vệ lợi ích chiến lược trong khu vực. Triều Tiên sụp đổ sẽ là một viễn cảnh mà Trung Quốc không muốn xảy ra, vì nó có thể dẫn đến việc tăng cường sự hiện diện của Mỹ trên lục địa, cộng thêm hàng triệu người tị nạn từ Triều Tiên chạy trốn qua biên giới Trung Quốc.
Mạnh Đức
Nguồn CNBC