Vì sao Tổng Giám đốc IMF phải ra hầu tòa?
Trong ngày hôm nay (12-12), Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là bà Christine Lagarde sẽ phải ra hầu tòa, để đối mặt với các cáo buộc liên quan tới một vụ án cách đây hơn 20 năm. Theo dự kiến, phiên xét xử này sẽ kéo dài tới ngày 20-12, và trong thời gian đó bà Lagarde sẽ tạm nghỉ việc ở IMF.
Vụ án này bắt nguồn từ đầu những năm 1990, khi doanh nhân người Pháp Bernard Tapie bán lại tập đoàn đồ thể thao Adidas, để tham gia vào chính phủ Pháp trong vai trò Bộ trưởng Các vấn đề đô thị. Ông Tapie đã giao trách nhiệm bán lại Adidas cho ngân hàng quốc doanh Credit Lyonnais (CL), và ngân hàng này đã bán lại công ty với giá gần 318 triệu euro cho một nhóm cổ đông, trong đó có một công ty con của … Credit Lyonnais. 1 năm sau đó, ngân hàng này lại cho bán lại Adidas lần nữa với giá 533 triệu euro, thu về khá nhiều lợi nhuận.
Và thế là Tapie đã khởi kiện vì cho rằng mình bị CL lừa đảo. Tuy nhiên tới lúc đó thì CL lại đang trên bờ vực sụp đổ, và chính phủ Pháp đã nhận trách nhiệm thanh toán các khoản nợ của ngân hàng này. Tapie đã theo đuổi vụ kiện trong 10 năm liền cho tới khi một tòa án phán quyết là bồi thường cho ông 135 triệu euro. Phán quyết này sau đó lại bị vô hiệu hóa sau khi phúc thẩm.
Đây là lúc bà Lagarde xuất hiện: trong vai trò Bộ trưởng Kinh tế Pháp khi đó, bà đã đưa vụ này ra một ủy ban trọng tài (arbitration). Vài tháng sau đó thì ủy ban này quyết định bồi thường cho ông Tapie 293 triệu euro, cộng thêm các khoản lãi suất.
Trong phiên tòa tới đây, một hội đồng đặc biệt bao gồm các quan tòa lẫn nghị sĩ Pháp sẽ bắt đầu xem xét liệu bà Lagarde đã có hành vi sơ suất khi quyết định đưa vụ án này ra ủy ban trọng tài hay không, cũng như chấp nhận việc dùng ngân sách nhà nước để bồi thường một khoản tiền lớn như vậy.
Hiện tại, bà Lagarde phủ nhận rằng mình đã làm điều gì sai. Luật sư của bà cũng tự tin khẳng định các cáo buộc là “hoàn toàn vô căn cứ”. Trong trường hợp bị xử là có tội, bà Lagarde có thể bị án tù tới 1 năm và bị phạt 15.000 USD.
Bà Lagarde là Tổng Giám đốc IMF thứ ba liên tiếp dính vào các vấn đề pháp lý. Người tiền nhiệm của bà là Dominique Strauss-Kahn đã từ chức năm 2011 sau khi bị cáo buộc xâm hại tình dục một cô hầu phòng khách sạn. Tiền nhiệm của ông Kahn là Rodrigo Rato thì đang phải hầu tòa tại Tây Ban Nha vì các cáo buộc tham nhũng.
Tuấn Minh
Nguồn CNN