Thứ Sáu | 18/04/2014 15:55

Vì sao tỉ phú giàu nhất châu Á 'chạy' khỏi Trung Quốc?

Đơn giản - đó là nguy cơ khủng hoảng tín dụng (credit crunch) mà Trung Quốc phải đối mặt.
Từng là người đổ nhiều tiền của đầu tư vào đại lục ngay từ những năm đầu 1990, ông Lý Gia Thành (Li Ka-Shing), tỉ phú người Hong Kong giàu nhất châu Á, với tổng tài sản hơn 30 tỉ USD, giờ muốn rời khỏi mảnh đất này.

Ngay từ tháng 8 năm ngoái, tỉ phú Lý đã tìm cách bán tháo các tài sản nắm giữ tại Trung Quốc. Mới nhất là thương vụ chuyển nhượng Trung tâm mua sắm Pacific Place ở Bắc Kinh hồi đầu tháng này, với trị giá 928 triệu USD. Khi tất toán xong, ông Lý sẽ chẳng còn nắm giữ khoản đầu tư tài sản đáng kể nào ở Trung Quốc đại lục.

Một người đầu tư lọc lõi như Lý Gia Thành chắc hẳn không thể trở nên giàu có nhờ bản tính nông nổi và sợ hãi. Vậy hành động của ông cho thấy điều gì? Đơn giản - đó là nguy cơ khủng hoảng tín dụng (credit crunch) mà Trung Quốc phải đối mặt.

Sau nhiều năm thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng chưa từng có vốn đặt nền kinh tế vào trạng thái dễ đổ vỡ, chính quyền Bắc Kinh gần đây đã cố gắng kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Theo tập đoàn JP Morgan (Mỹ), riêng hệ thống tín dụng chợ đen (shadow banking) hiện đã chiếm khoảng 84% GDP. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính, tổng tín dụng tư nhân rơi vào khoảng 230% GDP, tăng 100% so với thời điểm vài năm trước đây.

Nhìn lại lịch sử, sự gia tăng trong các thông số này gần như luôn là một chỉ dấu báo hiệu một cuộc khủng hoảng tài chính đi liền sau đó. Và giới lãnh đạo Trung Quốc đang nỗ lực hết sức để có thể tiến đến một cú “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế. Nếu thành công, thế giới sẽ chỉ thấy được một sự tụt giảm đáng kể trong tăng trưởng toàn cầu, thị trường cổ phiếu, bất động sản, giá hàng hóa. Nếu thất bại, thì tác động lan truyền của nó sẽ rất khủng khiếp.

Chẳng cần đến những nhà tài phiệt tầm cỡ như ông Lý, mọi người chắc đều hiểu được mức độ ảnh hưởng này. Hãy xem tình hình ở một nước xa xôi là Chile. Đây là nước sản xuất đồng hàng đầu thế giới, với Trung Quốc là khách hàng lớn nhất. Thế nhưng, khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, giá đồng giảm mạnh, kéo theo nền kinh tế Chile tăng trưởng chậm lại, đồng peso giảm 10% so với đồng USD, buộc ngân hàng trung ương nước này phải hạ tỉ giá để thúc đẩy tăng trưởng.

Mối nguy sẽ lớn hơn nữa khi Trung Quốc buộc phải bán phá giá một lượng lớn trái phiếu nắm giữ để giữ giá đồng nhân dân tệ, gây tác động đến hệ thống tài chính toàn cầu. Rõ ràng, tình cảnh khủng hoảng tín dụng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhà sản xuất lớn nhất thế giới, người nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ nhiều nhất thế giới sẽ gây ra những hệ lụy trên diện rộng.

Nguy hiểm hơn, đa phần các nhà đầu tư truyền thống hiện không hiểu được rằng, bất ổn ở Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến các danh mục đầu tư của họ. Tác động của nó có thể lớn hơn nhiều so với các chính sách của Janet Yellen (Chủ tịch FED) và Barack Obama cộng lại.

Một số nhà đầu tư bảo thủ và luôn biết kiểm đếm số tiền của mình hàng ngày thì có thể nhận ra “thời khắc máu đổ trên đường phố”. Xu hướng đổ tiền vào trái phiếu chính phủ Mỹ chắc sẽ ngưng lại, khi mà Trung Quốc mới chỉ bắt đầu tiến trình bán ra. Có người nói rằng, theo ngôn ngữ của người Trung Quốc, “khủng hoảng” bao hàm “hiểm nguy” và “cơ hội”. Nhưng điều này không chính xác”. Khủng hoảng (Weiji) có thể mang nhiều nghĩa, nhưng nó sẽ được chuyển ngữ chuẩn xác nhất là “nguy hiểm” và “thời điểm then chốt”.

Đối với giới đầu tư, đây có lẽ đang là thời điểm then chốt và là thời cơ thuận lợi để nhìn lại các khoản tài chính của mình, xem xét bán đi trước khi có đổ vỡ lớn. Người giàu nhất châu Á chắc hẳn cũng nghĩ vậy!

Nguồn Báo Tin Tức


Sự kiện