Vì sao thị trường tiền tệ thế giới dậy sóng?
Thị trường tiền tệ thế giới đột nhiên rơi vào trạng thái hỗn loạn. Đồng franc Thụy Sĩ tăng vọt 30% trong những phiên giao dịch cuối của tháng trước. Trong suốt năm 2014, đồng ruble của Nga giảm tới 40% so với USD, trong khi đồng đôla của Canada và Australia đều chạm đáy thấp nhất 6 năm so với “đồng bạc xanh”.
Những biến động này khiến nhiều người phải trả giá đắt. Công ty môi giới bất động sản Alpari đã phá sản trong khi quỹ Everest Capital phải đóng cửa quỹ đầu cơ chủ chốt vì thua lỗ nặng nề. Tại sao thị trường lại biến động mạnh như vậy?
Những con sóng đến với thị trường tiền tệ thế giới sau khi thị trường có một thời gian dài tĩnh lặng. Có hai nguyên nhân dẫn đến những biến động này. Thứ nhất là khác biệt trong chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và NHTW của hai nền kinh tế lớn khác là Nhật Bản và eurozone. Fed đã ngừng chương trình nới lỏng định lượng (QE) và được dự báo sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay, trong khi NHTW Nhật Bản vẫn theo đuổi QE và ECB vừa tung ra chương trình mua trái phiếu. Các chính sách này khiến USD tăng giá so với cả yên và euro.
Thứ hai, giá hàng hóa sụt giảm khiến lạm phát giảm và gây ra những tác động tiêu cực đối với một số nền kinh tế (như Nga). Nhiều NHTW buộc phải cắt giảm lãi suất. Kể từ đầu tháng 11 đến nay, 11 NHTW đã hạ lãi suất. Lãi suất thấp triệt tiêu sức hấp dẫn của những đồng tiền vốn thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư quốc tế tìm kiếm mức lợi suất cao. Tuy nhiên, chính phủ các nước sẽ vui mừng chứng kiến đồng nội tệ yếu đi trong bối cảnh hiện nay, khi kinh tế toàn cầu ì ạch và đồng nội tệ giảm giá mở ra triển vọng tươi sáng cho hoạt động xuất khẩu.
Những con sóng trên thị trường tiền tệ thế giới bị khuếch đại ở những quốc gia quyết định neo đồng tiền của họ vào các đồng tiền lớn như euro hay USD. Đan Mạch – quốc gia neo đồng nội tệ vào euro – đã phải hạ lãi suất tới 3 lần trong mấy tuần gần đây để điều chỉnh dòng vốn. Ngược lại, Thụy Sĩ phải thả nổi đồng franc.
Lâu nay neo đồng nội tệ vào một loại tiền tệ khác vẫn là giải pháp được các nước sử dụng để giảm bớt biến động. Tuy nhiên, biện pháp ấy có thể mang đến những hậu quả khó có thể lường trước.
Nguồn CafeF/Infonet