Vì sao thế giới nên ủng hộ nới lỏng tiền tệ của Mỹ, Nhật Bản?
Các nền kinh tế mới nổi mà đi đầu là Brazil cáo buộc Mỹ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh tiền tệ năm 2010 khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) in thêm tiền để mua lượng lớn trái phiếu. Hành động “nới lỏng định lượng” đó khiến nhà đầu tư bơm tiền ồ ạt vào các thị trường mới nổi để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn, đẩy tỷ giá hối đoái lên.
Nhật Bản bị coi là “thủ phạm” thứ hai. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết sẽ kích thích mạnh kinh tế, ngăn đà giảm phát. Ông cũng kêu gọi làm suy yếu đồng yên để thúc đẩy xuất khẩu. Kể từ cuối tháng 9/2012 đến nay, yên giảm 16% so với USD và 19% so với euro.
Mỹ và Nhật Bản tìm cách ghìm giá nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu. Đó sẽ là một cuộc chơi không kẻ thắng người thua và là hành động của chủ nghĩa bảo hộ thương mại khiến thương mại sụp đổ. Tuy nhiên, đó không phải là những gì mà Mỹ và Nhật Bản thực sự đang làm.
Khi các ngân hàng trung ương hạ lãi suất ngắn hạn về gần 0% do cạn kiệt công cụ điều hành tiền tệ, họ đồng thời sẽ quay sang các biện pháp phi truyền thống như nới lỏng định lượng hoặc thuyết phục người ta tin rằng lạm phát sẽ tăng. Cả hai hành động này sẽ khiến lãi suất thực tế (đã điều chỉnh lạm phát) giảm. Điều này có thể đang xảy ra ở Nhật Bản.
Mục tiêu trước tiên của chính sách này là nhằm thúc đẩy chi tiêu và đầu tư nội địa. Giống như một loại sản phẩm phụ, lãi suất thực tế giảm sẽ làm suy yếu nội tệ, kìm hãm nhập khẩu. Nhưng nếu chính sách thành công nó sẽ thúc đẩy nhập khẩu.
Nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ ở một nền kinh tế lớn khi nhu cầu tiêu thụ nội địa yếu, lạm phát thấp sẽ tốt cho cả thế giới, thay vì có tác động tiêu cực.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) kết luận, các đợt nới lỏng tiền tệ đầu tiên của Mỹ giúp GDP của các đối tác thương mại tăng khoảng 0,3%.
Đô la Mỹ suy yếu nhưng đó có thể trở thành động lực để Nhật Bản tăng cường ngăn chặn đà giảm phát kinh tế.
Sự phối hợp nới lỏng tiền tệ ở bên kia Thái Bình Dương sẽ là thần dược mạnh cho niềm tin đầu tư toàn cầu.
Giới chức châu Âu do lo ngại ảnh hưởng từ nới lỏng tiền tệ của Mỹ, Nhật Bản đến ngành xuất khẩu đã đưa ra những ý tưởng như trực tiếp kiểm soát giá euro. Tuy nhiên, họ nên xóa bỏ quan điểm chỉ trích và bắt đầu ủng hộ Nhật Bản: Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) nên nới lỏng chính sách tiền tệ nếu cần thiết. Điều này vừa giúp ngăn đà tăng của euro vừa giúp đối phó suy thoái.
Chính sách này tuy nhiên lại không có lợi cho các nước mới nổi như Brazil khi lạm phát vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Với Brazil, kiểm soát dòng vốn có thể là biện pháp hiệu quả trong ngắn hạn nhằm ngăn nguy cơ bất ổn dòng tiền nóng.
Chỉ khi nào Nhật Bản thực sự can thiệp thị trường để ghìm giá yên, khi đó thế giới mới nên chỉ trích. Cho đến khi điều này trở thành hiện thực, các nước khác nên tránh lo ngại không có cơ sở về nguy cơ chiến tranh tiền tệ.
Nguồn Economist/Khampha