Vì sao Singapore giải tán quốc hội?
Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ coi cuộc bầu cử như một lời ủy thác mới từ các cử tri cho những chương trình của chính phủ đối phó với các vấn đề lớn của đất nước như tình trạng nhập cư, chi phí sinh hoạt quá cao và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Đảng Hành động nhân dân Singapore (PAP) đã cầm quyền hơn 50 năm qua với việc kiểm soát chính trị chặt chẽ và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng mạnh, được chờ đợi sẽ giữ lại phần lớn ghế trong quốc hội 89 đại biểu vì sự chia rẽ của phe đối lập, theo AFP.
Nhưng PAP cũng đứng trước áp lực phải làm tốt hơn so với kỳ bầu cử tệ nhất trong lịch sử của đảng này năm 2011, khi họ giành được 60% số phiếu dù vẫn nắm 80 ghế ở quốc hội do quy định bầu cử tại Singapore.
Cuộc bầu cử quốc hội mới dự kiến được tổ chức ngày 11-9 và là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở Singapore vắng bóng người sáng lập đất nước, lãnh tụ kiệt xuất Lý Quang Diệu, đã qua đời hồi tháng 3.
Theo luật Singapore, tổng tuyển cử phải được tổ chức trong vòng ba tháng sau khi quốc hội bị tổng thống giải tán.
Ông Lý Hiển Long đã lên truyền hình kêu gọi sự ủng hộ của người dân trong một bài phát biểu ngày 23-8.
“Cuộc bầu cử này sẽ rất quan trọng. Các bạn sẽ quyết định ai là người cai quản Singapore trong vòng năm năm tới, nhưng còn hơn thế… các bạn sẽ xác lập hướng đi cho Singapore trong 50 năm tới, các bạn sẽ quyết định tương lai của Singapore”, ông nói.
Singapore vừa mừng 50 năm quốc khách hôm 9-8 với một cuộc diễu hành lớn tái hiện sự phát triển mạnh mẽ của hòn đảo này dưới quyền PAP.
Các nhà quan sát sẽ rất để mắt tới phe đối lập xem họ có giành được nhiều hơn bảy ghế so với hiện tại hay không (hai ghế còn lại trong Quốc hội Singapore là các nghị sĩ độc lập do tổng thống chỉ định).
Một cuộc thăm dò dư luận của công ty nghiên cứu đóng tại Singapore Blackbox cho thấy tỉ lệ ủng hộ chính quyền là rất cao, 76,4% vào tháng 7 và 80% vào tháng 4 sau khi ông Lý Quang Diệu qua đời, theo Reuters.
Tuy nhiên, trong các tiêu chí cụ thể người dân lại không hài lòng như thế. Về chi phí sinh hoạt, số người hài lòng chỉ là 42%, về giá nhà 53%, giao thông công cộng 57% và quản lý dân số 61%.
Làn sóng người nhập cư đã khiến dân số Singapore tăng từ 4,17 triệu năm 2004 lên 5,47 triệu năm 2014.
Nhập cư vẫn là một vấn đề hóc búa ở Singapore khi dân bản địa sợ bị mất việc làm, mất cơ hội mua nhà xã hội và hưởng các tiện ích công cộng.
Nguồn Tuổi trẻ